Ông có nghĩ rằng, CPI và lãi suất huy động của các tổ chức tín dụng hiện có khoảng cách khá lớn và đây là cơ hội để giảm lãi suất?
Muốn tăng hay giảm lãi suất phải căn cứ vào nhiều yếu tố như lượng cung tiền, nhu cầu tín dụng, khả năng huy động vốn của hệ thống tổ chức tín dụng… và diễn biến CPI. Như vậy, CPI chỉ là một trong những yếu tố để xem xét tăng hay giảm lãi suất.
CPI trong 9 tháng đầu năm tăng 0% so với cùng kỳ, thấp hơn rất nhiều so với chỉ tiêu đã được Quốc hội thông qua (tăng 5%) chỉ là điều kiện cần để giảm lãi suất, nhằm giảm chi phí đầu vào, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn rẻ hơn, thúc đẩy tổ chức, cá nhân bỏ vốn vào đầu tư, kinh doanh, thay vì gửi ngân hàng.
Nhưng trên thực tế, lãi suất huy động USD vừa giảm xuống 0%/năm đối với tổ chức và 0,25%/năm đối với cá nhân, thưa ông?
Tôi cho rằng, việc Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất huy động đối với USD xuống mức thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây căn cứ vào nhiều yếu tố như tôi nói ở trên, chứ không liên quan gì tới việc CPI thấp, vì CPI là chỉ số giá tiêu dùngđối với hàng hóa, dịch vụ được thanh toán bằng VND, chứ không phải USD, hay bất kỳ loại ngoại tệ nào khác.
So với tháng 12/2014, CPI trong 9 tháng đầu năm chỉ tăng 0,4%, nhiều khả năng, CPI năm nay dưới mức 2%. Trước diễn biến này, năm 2016, theo ông, CPI bao nhiêu là hợp lý?
Khi đặt ra chỉ tiêu CPI trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, bao giờ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng căn cứ vào tình hình diễn biến giá cả hiện tại và những yếu tố có thể xảy ra trong năm tới.
Mức tăng CPI năm 2016 cụ thể là bao nhiêu thì chưa thể nói trước được, vì phải đợi các thành viên Chính phủ, sau khi bàn bạc, thống nhất, mới trình Dự thảo Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội năm 2016 lên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào phiên họp tháng 10 tới.
Dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XII không đặt ra mục tiêu mức tăng CPI trong giai đoạn 2016-2020. Ông có cho rằng, nên đưa chỉ tiêu này vào Dự thảo Văn kiện?
Những năm trước đây, lạm phát tăng rất cao, là nỗi ám ảnh của hoạt động sản xuất, kinh doanh, cũng như đời sống của người dân, nên trong điều hành kinh tế - xã hội, Quốc hội, Chính phủ luôn đặt vấn đề kiềm chế lạm phát để bảo đảm kinh tế vĩ mô lên hàng đầu. Nhưng từ năm 2012 trở lại đây, tốc độ tăng CPI giảm dần và năm 2014 là 1,84%, vì thế Chính phủ đã chuyển từ kiềm chế lạm phát sang kiểm soát lạm phát.
Trước thực tế này, tôi cho rằng, không nên đưa chỉ tiêu CPI vào Dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XII, cũng như trong Nghị quyết của Quốc hội và Nghị quyết của Chính phủ về việc thực hiện Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016-2020.
Chính phủ nên đặt ra mức CPI mục tiêu để điều hành, tương tự việc đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng, điều hành tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước. Việc đặt mục tiêu CPI thay vì đặt chỉ tiêu mang tính pháp lệnh được hầu hết các nước trên thế giới thực hiện, vì không nền kinh tế nào có thể thực hiện được chỉ tiêu CPI, do không thể quyết định được giá xăng dầu, khí đốt, giá nguyên nhiên vật liệu… trên thị trường thế giới.
Giả sử Quốc hội chấp thuận đưa ra mục tiêu thay vì chỉ tiêu lạm phát, theo ông lạm phát trong những năm tới ở mức bao nhiêu là hợp lý?
Dựa vào mô hình kinh tế lượng để tính toán lạm phát được các tổ chức tài chính - ngân hàng thế giới thực hiện, áp dụng vào thực tế nước ta, chúng tôi tính toán, CPI ở nước ta những năm trước đây ở mức 5-7%, sau đó là khoảng 5% là hợp lý.
Vì vậy, trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm, Quốc hội đã thông qua các mức CPI này. Với tình hình sản xuất, kinh doanh như hiện nay, tôi cho rằng, mục tiêu lạm phát hàng năm của nước ta vào khoảng 5% sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh.