Đúng theo quy luật tiêu cùng, nhu cầu của người dân giảm sau dịp Tết Nguyên đán khiến giá cả hàng hóa và dịch vụ thiết yếu trên thị trường cũng giảm theo, đặc biệt là lương thực, thực phẩm. Đó là lý do CPI tháng 3/2024 đã giảm 0,23% so với tháng trước.
Con số này vừa được Tổng cục Thống kê công bố. Tuy so với tháng trước, CPI tháng 3/2024 giảm, nhưng nếu so với tháng 12/2023, lại tăng 1,12% và so với cùng kỳ năm trước, thì tăng 3,97%. Tính chung quý I năm 2024, CPI tăng 3,77% so với cùng kỳ năm trước.
Với tốc độ tăng này, có thể nói, CPI vẫn đang trong tầm kiểm soát. Mục tiêu kiểm soát lạm phát ở mức 4-4,5% trong năm nay là có thể đạt được, bởi xu hướng chung, tốc độ tăng CPI bình quân sẽ giảm dần trong những tháng tới, nếu không có yếu tố đột biến tác động.
Quay trở lại với diễn biến CPI tháng 3/2024, Tổng cục Thống kê cho biết, trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính, có 7 nhóm hàng giảm giá và 4 nhóm hàng tăng giá.
Cụ thể, Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tháng 3/2024 giảm 0,76% so với tháng trước, tác động làm CPI chung giảm 0,25 điểm phần trăm. Trong đó, nhóm lương thực giảm 0,42% do giá gạo trong nước giảm theo giá gạo xuất khẩu và nhu cầu tiêu dùng gạo của người dân giảm sau Tết Nguyên đán; nhóm thực phẩm giảm 1,19%; nhóm ăn uống ngoài gia đình tăng 0,19%.
Cùng nằm trong xu hướng giảm, còn có Nhóm giáo dục - giảm 0,29%, tác động làm CPI chung giảm 0,02 điểm phần trăm. Nhóm giao thông cũng giảm 0,03%, chủ yếu do nhu cầu đi lại của người dân giảm sau dịp Tết Nguyên đán.
Bên cạnh đó, nhóm văn hóa, giải trí và du lịch giảm 0,12%; nhóm đồ uống và thuốc lá giảm 0,07%; nhóm may mặc, mũ nón, giày dép giảm 0,06%; nhóm bưu chính - viễn thông giảm 0,01%.
Ở chiều ngược lại, nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tháng 3/2024 tăng 0,29% so với tháng trước, tác động làm tăng CPI chung 0,05 điểm phần trăm; Nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,02%. Trong khi đó, Nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng nhẹ 0,01%; Nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,06%.
Ngược với xu hướng của CPI chung, số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, lạm phát cơ bản tháng 3/2024 tăng 0,03% so với tháng trước và tăng 2,76% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung trong quý I/2024, lạm phát cơ bản bình quân tăng 2,81% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 3,77%). Nguyên nhân chủ yếu do giá lương thực, xăng dầu, giá dịch vụ y tế và giá dịch vụ giáo dục là yếu tố tác động tăng CPI nhưng thuộc nhóm hàng được loại trừ trong danh mục tính toán lạm phát cơ bản.
Trong khi đó, chỉ số giá vàng tháng 3/2024 tăng 4,59% so với tháng trước; tăng 9,41% so với tháng 12/2023; tăng 22,71% so với cùng kỳ năm trước; bình quân quý I/2024, chỉ số giá vàng tăng 18,23%.
Còn chỉ số giá USD tháng 3/2024 tăng 0,88% so với tháng trước; tăng 1,81% so với tháng 12/2023; tăng 4,32% so với cùng kỳ năm trước; bình quân quý I/2024 tăng 3,97%.
Cả giá vàng và giá USD đều thuộc diện “nhảy múa” trong những tháng đầu năm. Hiện tại, các giải pháp để quản lý thị trường vàng, cũng như điều hành tỷ giá đang được Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan chức năng nghiên cứu, đề xuất.