CPI tháng 6 có thể giảm sau 40 tháng tăng

Từ các mô hình Leontief và ARIMA cho ra dự báo, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6/2012 có thể giảm so với tháng trước.
CPI tháng 6 có thể giảm sau 40 tháng tăng

 

Xu hướng giá đi xuống của thị trường thế giới, cùng với chính sách điều chỉnh giá một số mặt hàng nguyên liệu quan trọng ở trong nước đã tác động mạnh đến việc giảm chỉ số giá nhiều nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu.

 

Kết quả từ các mô hình Leontief hệ số cập nhật từ bảng cân đối liên ngành 2007 và ARIMA tự hồi quy tích hợp trung bình trượt cho ta dự báo, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6/2012 có thể giảm so với tháng trước

.

Như vậy, diễn biến giá tiêu dùng đang đứng trước khả năng có thể phá vỡ xu hướng tăng của khoảng 40 tháng tính tới thời điểm này, cho thấy quan ngại nền kinh tế đi vào thiểu phát đã có những dẫn chứng quan trọng ban đầu.

 

Nếu dự báo sát với thực tế thì so với cuối năm ngoái, CPI tháng 6 chỉ còn tăng khoảng 2,3%, thay cho mức gần 2,8% tại tháng 5. Trong khi đó nếu so với cùng kỳ, CPI tháng này tăng khoảng 6,7%, từ mức tăng 8,34% cách đây 1 tháng.

 

Ở tình hình này, dù mức trần lãi suất huy động mới được Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh giảm thêm 200 điểm cơ bản về mức 9%/năm cách đây ít ngày, thì mức lãi suất thực dương vẫn còn khá cao.

 

Thông tin liên quan là một số tổ chức quốc tế dự báo Ngân hàng Nhà nước có thể còn tiếp tục giảm trần lãi suất huy động thêm khoảng 200 điểm cơ bản nữa từ nay đến cuối năm. Kịch bản này nếu nhìn vào xu thế giảm tốc của lạm phát, tăng trưởng vẫn còn đối mặt nhiều khó khăn thì cũng đã có thêm cơ sở để tin tưởng.

 

Còn vì sao tổng cầu không tăng dù cung tiền ra là “khủng khiếp”?

 

Trong phần trả lời đáng chú ý trước báo giới mới đây của Chủ nhiệm Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia Vũ Viết Ngoạn, ông cho rằng ngoài việc bơm thêm tiền, Ngân hàng Nhà nước cũng có nhiều biện pháp hút tiền về và số tiền đó vẫn còn ngoài lưu thông.

 

Căn cứ trên lượng tín phiếu Ngân hàng Nhà nước đã phát hành thành công, khối lượng tiền hút ròng trên OMO trong giai đoạn từ sau Tết Nguyên đán đến nay, quan điểm trên của ông Ngoạn là đáng ghi nhận.

 

Còn nhìn về mặt con số, các khoản bơm tiền như lời Thống đốc thực tế không là gì so với tổng phương tiện thanh toán đang ở đâu đó khoảng 2,5-3 triệu tỷ đồng. Tất nhiên, sẽ còn các khoản tiền khác được Ngân hàng Nhà nước cung ra, nhưng nếu chưa được nhắc đến từ người đứng đầu ngành này thì có thể không quá lớn.

 

Trong khi đó, TS. Võ Trí Thành (Viện nghiên cứu và Quản lý kinh tế trung ương) lưu ý rằng, vòng quay tiền tệ cũng đã giảm xuống. Như vậy, cùng với nhận định cung tiền không lớn, vòng quay tiền tệ thấp xuống đã ảnh hưởng sức mua trong giai đoạn vừa qua.

 

Biểu hiện trên cung - cầu trên thị trường, dù rằng nhiều ngành hàng đã tiết giảm sản lượng sản xuất nhưng tiêu thụ còn khó khăn đã dẫn tới tồn kho còn cao.

 

Nhưng điểm đáng chú ý nhất trong “đột biến” CPI tháng này có nguyên nhân từ việc giá lương thực, thực phẩm vẫn duy trì xu hướng giảm ổn định. Trong khi, giá xăng dầu, gas giảm mạnh và liên tiếp trong thời gian gần đây.

 

Chúng tôi đặc biệt lưu ý các nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống; nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng; giao thông. Đây là các nhóm có chỉ số giá sẽ chịu tác động trực tiếp và gián tiếp từ diễn biến giá cả một số mặt hàng quan trọng trong thời gian gần đây.


NDHMoney

Tin cùng chuyên mục