CPI tăng phù hợp với tốc độ tăng trưởng kinh tế

(ĐTCK-online) Nhận định về việc chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 6 tháng đầu năm nay tăng 5,2% so với tháng 12/2006 và tăng 7,8% so với cùng kỳ năm 2006, ông Nguyễn Tiến Thỏa, Cục trưởng Cục Quản lý giá Bộ Tài chính cho rằng, tốc độ tăng CPI trong nửa đầu năm nay là phù hợp với tốc độ tăng trưởng kinh tế (tăng 7,87%).
CPI tăng phù hợp với tốc độ tăng trưởng kinh tế

Thưa ông, CPI tăng mạnh chủ yếu do nhóm hàng hoá, dịch vụ nào?

Giá cả của hầu hết các nhóm hàng hoá, dịch vụ trong 6 tháng đầu năm nay đều tăng và tăng cao hơn cùng kỳ năm 2006. Trong đó, nhóm hàng ăn uống và dịch vụ ăn uống tăng 6,8% (lương thực tăng 5,56%; thực phẩm tăng 7,32%); nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 8,24%. Những nhóm này chiếm quyền số rất cao trong CPI và đã đẩy CPI tăng mạnh.

 

Có nghĩa là, nếu không tính 2 nhóm hàng hoá trên vào rổ hàng hoá để tính CPI, thì tốc độ tăng giá hàng hoá, dịch vụ trong 6 tháng đầu năm sẽ không cao?

Nếu không tính 2 nhóm hàng hoá này trong rổ hàng hoá để tính CPI, thì CPI trong 6 tháng đầu năm chỉ tăng 1,47% - tốc độ tăng khá thấp so với tốc độ tăng trưởng kinh tế và tương đương với cùng kỳ những năm trước. Ngay cả khi tính cả 2 nhóm hàng hoá này vào rổ hàng hoá, dịch vụ để tính CPI, thì trong 6 tháng đầu năm, Chính phủ vẫn bảo đảm mục tiêu mà Quốc hội đặt ra là tốc độ tăng giá hàng hoá, dịch vụ phải thấp hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế (5,2% so với 7,87%).

 

Đánh giá của ông về chính sách điều hành thị trường trong 6 tháng đầu năm?

Như tôi đã nói, giá của hầu hết các loại hàng hoá, dịch vụ đều tăng, nhưng từ đầu năm đến nay, không có sự tăng đột biến, đặc biệt không xảy ra cơn sốt tăng giá đối với bất cứ loại hàng hoá, dịch vụ nào. Mặc dù giá tăng, nhưng Chính phủ, các cấp, các ngành không để xảy ra tình trạng thiếu hàng hoá, dịch vụ; thị trường vẫn đáp ứng đầy đủ mọi nhu cầu cho sản xuất và tiêu dùng. Theo tôi, có thể nói, chính sách điều hành thị trường 6 tháng đầu năm khá thành công.

 

Ông nhận định thế nào về những con số trên?

Giá lương thực, thực phẩm tăng cao góp phần đáng kể tăng thêm thu nhập cho đại bộ phận nông dân, tạo điều kiện cho người nông dân khắc phục phần nào giá đầu vào cho sản xuất tăng cao và cũng có thêm điều kiện để khắc phục khó khăn do dịch bệnh gây ra. Ngoài ra, giá lương thực, thực phẩm tăng cao cũng góp phần cải thiện thêm đời sống của người nông dân. Đây có thể xem là mặt tích cực khi CPI tăng.

 

Còn mặt tiêu cực thì sao, thưa ông?

CPI tăng cao trước hết tác động đến thu nhập của các tầng lớp dân cư, đặc biệt là những người làm công ăn lương và những người có thu nhập thấp, bởi mặc dù thu nhập danh nghĩa tăng lên, nhưng thu nhập thực tế lại giảm.

 

CPI tăng cao sẽ có tác động gì tới nền kinh tế, thưa ông?

Đối với sản xuất, giá đầu vào cao, đặc biệt là giá vật tư đầu vào cơ bản phải nhập khẩu tăng như xăng dầu, clinker, phôi thép, phân bón, sản phẩm gốc dầu, sản phẩm có gốc dầu sẽ làm tăng chi phí và giá thành sản phẩm hàng hoá, dịch vụ của các ngành sản xuất trong nước. Hệ quả là lợi nhuận của doanh nghiệp, cũng như nguồn thu của Nhà nước bị giảm nếu giá đầu ra không tăng kịp hoặc không có biện pháp thực sự hiệu quả kiềm chế sự biến động giá đầu vào.

 

Dưới góc nhìn của một chuyên gia kinh tế, ông nhận định thế nào về tốc độ tăng CPI vừa qua?

CPI tăng vẫn nằm trong vòng kiểm soát, góp phần kích thích sản xuất và lưu thông phát triển. Tốc độ tăng CPI trong 6 tháng đầu năm là phù hợp với tốc độ tăng trưởng kinh tế, góp phần tích cực vào việc thực hiện các mục tiêu tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội và ổn định các cân đối vĩ  mô trong nửa đầu năm nay.

Mạnh Bôn thực hiện
Mạnh Bôn thực hiện

Tin cùng chuyên mục