Diễn biến giá cả thị trường cho thấy, kể từ đầu năm đến nay, hiếm có một tháng nào như tháng 8, bởi trong tháng này, không có một nhóm hàng hóa, dịch vụ nào có chỉ số giá tăng đột biến tới 1% hoặc hơn 1%. Mặt hàng có chỉ số giá tăng cao nhất trong tháng 8 là thực phẩm, nhưng cũng chỉ ở mức 0,92%, thay vì tăng 2,29% như trong tháng 7. Tiếp theo là giá lương thực, tăng 0,86%; giá dược phẩm - y tế, tăng 0,65%; giá đồ uống - thuốc lá, tăng 0,50%; giá hàng may mặc - mũ nón - giày dép, tăng 0,38%...
Tuy nhiên, đó là chỉ số chung trong cả nước, còn ở từng vùng, tuỳ thuộc vào điều kiện cụ thể của từng địa phương, giá cả thị trường có biến động khác nhau. Đáng chú ý là, trong 8 vùng kinh tế của cả nước, thì 7 vùng đều có chỉ số giá tiêu dùng tăng cao hơn mức bình quân toàn quốc (Vùng duyên hải miền Trung có mức tăng cao nhất, tới 0,79%). Duy nhất Vùng Đông Nam Bộ, chỉ số giá tiêu dùng tháng 8 chỉ tăng 0,34%, thậm chí tại TP.HCM chỉ tăng 0,19%. Điều đó chứng tỏ sản xuất và lưu thông hàng hoá trong Vùng Đông Nam Bộ đang hoạt động tốt hơn cả.
Giá cả một số mặt hàng thiết yếu cũng biến động khác nhau giữa khu vực thành thị và nông thôn. Chẳng hạn, trong tháng 8, giá thực phẩm ở khu vực thành thị chỉ tăng 0,84%, trong khi ở khu vực nông thôn lại tăng 0,96%; giá lương thực ở thành thị tăng 0,92%, ở nông thôn tăng 0,81%; giá dược phẩm - y tế ở thành thị tăng 0,91%, ở nông thôn tăng 0,50%; giá đồ uống - thuốc lá ở thành thị tăng 0,71%, ở nông thôn chỉ tăng 0,34%. Đặc biệt là, trong khi giá vật liệu xây dựng ở thành thị giảm 0,28%, thì ở nông thôn lại tăng 0,56%. Đây là điều bất lợi đối với việc thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp và nông thôn.
Như vậy, nhìn chung, chỉ số giá tiêu dùng 8 tháng qua đã tăng 6,78% so với tháng 12 năm 2006, cao vượt trội so với mức tăng 4,8% ở cùng kỳ năm trước và tăng 8,57% so với tháng 8 năm 2006, cũng tăng cao hơn nhiều so với mức tăng 7,5% ở cùng kỳ năm 2006. Trong khi đó, chỉ số giá vàng tăng tương ứng là 5,94% và 4,72%, còn chỉ số giá đồng USD tăng tương ứng là 0,48% và 0,97%.