Covid-19 và 4.0 là cơ hội của nền kinh tế Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
Các chính khách, chuyên gia nước ngoài đang nhìn thấy cơ hội phát triển của nền kinh tế Việt Nam sau giai đoạn phục hồi. Chìa khóa chính là chuyển đổi số.
Diễn đàn cấp cao thường niên lần thứ ba về Công nghiệp 4.0 – Industry 4.0 Summit do Ban Kinh tế Trung ương chủ trì tổ chức Diễn đàn cấp cao thường niên lần thứ ba về Công nghiệp 4.0 – Industry 4.0 Summit do Ban Kinh tế Trung ương chủ trì tổ chức

Từ chuyện adidas đóng cửa nhà máy ở Đức...

Là chuyên gia nước ngoài đầu tiên phát biểu tại Diễn đàn cấp cao thường niên lần thứ ba về Công nghiệp 4.0 – Industry 4.0 Summit với chủ đề “Phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội bền vững thời kỳ hậu Covid – 19 và đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong kỷ nguyên số, bà Mary Hallward-Driemeier, chuyên gia Ngân hàng Thế giới đã nhắc đến quyết định của adidas về việc đóng cửa nhà máy sản xuất giày ở Đức để chuyển đến Việt Nam và Trung Quốc.

“Họ đã đầu tư robot để tự sản xuất ra giày, nhưng họ quyết định đóng cửa, chuyển đến gần các chuỗi cung ứng hơn. Thực tế, 4.0 không phải là nguy cơ, mà còn là cơ hội để những nền kinh tế phát triển như Việt Nam nâng cao giá trị nhờ kỹ năng của người lao động, năng lực kết nối và sự tham gia của chuyển đổi số các doanh nghiệp”, bà Mary Hallward-Driemeier nói.

Nhưng đây cũng chính là đầu bài mà giới chuyên gia đang đặt ra cho Việt Nam, khi những thách thức mà nền kinh tế Việt Nam đang đối mặt không chỉ là tác động do Covid-19.

Hiện tại, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang tăng tốc, nhưng không đồng đều; căng thẳng thương mại vẫn còn tạo nên những dịch chuyển thương mại, đầu tư và tỷ trọng đầu tư vào R&D, vào phát triển xanh tăng cao là các xu thế đang diễn ra trên toàn cầu. Kết hợp các xu thế, duy trì năng lực cạnh tranh là yếu tố tiên quyết để tạo nên tăng trưởng kinh tế.

“Việt Nam cần có khung khổ chính sách cạnh tranh, kiến tạo, thúc đẩy mô hình kinh doanh mới; thúc đẩy năng lực số, khả năng linh hoạt, thích ứng và kết nối dữ liệu. Thời điểm này, tiền lương thấp không còn là một năng lực cạnh tranh”, bà Mary Hallward-Driemeier khuyến nghị.

Trở lại câu chuyện của quyết định chuyển dịch nhà máy của Adidas từ Đức sang Việt Nam, Trung Quốc, bà Mary cho rằng, để đón nhận những quyết định tương tự, Việt Nam cần cải thiện kỹ năng người lao động, ở cả tay nghề và năng lực thích ứng, hỗ trợ các doanh nghiệp chuyển đổi số....

“Đây là thời điểm chương trình quốc gia về chuyển đổi số của Việt Nam cần được thực hiện và cơ hội sẽ mở ra rất lớn”, bà Mary Hallward-Driemeier nói.

Đến kinh nghiệm của Hàn Quốc với các trung tâm khởi nghiệp sáng tạo

Ông Yong Hongtaek, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ thông tin Hàn Quốc đã chia sẻ rất chi tiết về những gì Hàn Quốc đang làm khi xác định, Covid-19 đã thay đổi cuộc sống và không thể trở lại những gì trước khi Covid-19 xuất hiện.

“Các chuyên gia trên thế giới tin rằng sẽ có một trật tự thế giới mới sau Covid-19. Chúng tôi xác định, khoa học và công nghệ sẽ làm nên tương lai của chúng ta”, ôngYong Hongtaek chia sẻ với Diễn đàn qua kênh trực tuyến.

Đây là lý do Hàn Quốc đang dành nhiều chính sách, ngân sách cho các nhà khoa học, startups. Ông Yong Hongtaek cho biết, năm 2021, Hàn Quốc đã phân bổ ngân sách 208,5 tỷ Won, tăng gấp đôi 2018 cho các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, các trung tâm đổi mới sáng tạo và các kế hoạch chuyển đổi số của các doanh nghiệp. Ông cũng cho biết, con số này sẽ tiếp tục tăng thêm trong thời gian tới.

“Trong bối cảnh này, việc một doanh nghiệp quyết định chuyển đổi số không chỉ là quyết định về con đường phát triển của doanh nghiệp đó, mà quyết định cả tương lai của nền kinh tế. Cũng tương tự, nếu các nhà khoa học, giới khởi nghiệp có đủ nguồn lực để chấp nhận rủi ro, nghiên cứu phát triển sản phẩm, các doanh nghiệp có cơ chế để thương mại hóa các sản phẩm trong phòng thí nghiệm, thì nền kinh tế sẽ không chỉ được phục hồi mà phát triển. Chính phủ cần có chính sách để hỗ trợ các hoạt động này”, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ thông tin Hàn Quốc chia sẻ và gửi khuyến nghị tới người đứng đầu Chính phủ Việt Nam và lãnh đạo các bộ, ngành tại Diễn đàn Industry 4.0 Summit.

Ông cũng cho biết, cách đây 1 tháng, Hàn Quốc đã ban hành đạo luật khung về dữ liệu, quy định các cơ sở về xây dựng, thiết lập dữ liệu, trao đổi và sử dụng dữ liệu. Dù còn khá trừu tượng, nhưng đây là đạo luật đầu tiên của thế giới về vấn đề này, cho phép doanh nghiệp, người dùng có cơ chế thực thi, từ đó thúc đẩy sự tăng trưởng của các ngành liên quan đến kinh tế dữ liệu mà Hàn Quốc đang tuyên bố đã chuyển sang.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Việt Nam sẽ đảm bảo sự thịnh vượng của mình trên không gian mạng

Trao đổi tại Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, trong tháng 12 sẽ ban hành chỉ số đo lường kinh tế số, xã hội số, sẽ đánh giá từ năm sau. Mục tiêu là để đảm bảo thực hiện mục tiêu kinh tế số sẽ chiếm 25% GDP vào năm 2025; 30% vào năm 2030, nếu làm tốt, con số sẽ cao hơn.

Nhưng Bộ trưởng cũng xác định rõ, nói đến kinh tế số là nói đến sản xuất số, trao đổi số, tiêu dùng số, nghĩa là cần thể chế số để bảo vệ và thúc đẩy các yếu tố này, như thể chế về định danh và xác thực trên không gian mạng, thể chế cho chữ ký số.

Nhưng kinh tế số cần hạ tầng số và hạ tầng cần phải đi trước vì Việt Nam đã đặt mục tiêu cao là Top 30 thế giới về hạ tấng số vào năm 2025. Đó là, hệ thống viễn thông băng thông rộng, mỗi người dân có 1 điện thoại thông minh, mỗi hộ gia đình có một đường Internet cáp quang.

Đặc biệt, Bộ trưởng cũng nhắc đến loại đất đai mới là nơi sẽ canh tác, tạo ra giá trị mới trong nền kinh tế số, đó là hạ tầng dữ liệu. Trên mảnh đất mới này, công cụ sản xuất là AI, data...

“Nhà nước với tầm nhìn dài hạn sẽ đầu tư vào nghiên cứu cơ bản, công nghệ số. Các doanh nghiệp sẽ biến công nghệ số thành dịch vụ thông qua hạ tầng số. Các doanh nghiệp ứng dụng các công nghệ này sẽ tạo ra sản phẩm của mình. Có nghĩa là mọi doanh nghiệp đều có thể và đều phải trở thành doanh nghiệp công nghệ. Một chương trình chuyển đổi số cho các doanh nghiệp sẽ được Chính phủ hỗ trợ”, ông Hùng nhấn mạnh.

Người dân cũng sẽ được hỗ trợ, tạo điều kiện, khung khổ pháp lý để trở thành con người số, từ đó thúc đẩy thị trường số, thúc đẩy nền kinh tế số.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại Industry 4.0 Summit 2021 ngày 7/12/2021
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại Industry 4.0 Summit 2021 ngày 7/12/2021

Phát biểu tại Diễn đàn cấp cao thường niên lần thứ ba về Công nghiệp 4.0 – Industry 4.0 Summit 2021, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã truyền đi thông điệp về triển khai thực hiện Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội bền vững và Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm 2021-2030 nhằm đẩy nhanh tốc độ phục hồi, phát triển kinh tế và khơi dậy động lực mới, thúc đẩy công nghiệp hóa – hiện đại hóa, hướng tới tăng trưởng sáng tạo, bền vững và bao trùm.

Theo Thủ tướng, dù trong quá trình hồi phục hay phát triển thì nội lực luôn là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định, ngoại lực là quan trọng và đột phá. Nội lực gồm 3 trụ cột chính là con người; thiên thiên; và truyền thống văn hóa - lịch sử với tinh thần tự lực, tự cường, đoàn kết, thống nhất của dân tộc. Còn ngoại lực bao gồm công nghệ, vốn, năng lực quản trị và đào tạo nguồn nhân lực…

Thủ tướng nhấn mạnh một số định hướng như đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số, tạo động lực đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Kết hợp chặt chẽ, hài hòa, linh hoạt, hiệu quả giữa các chính sách tài khóa, tiền tệ với các công cụ về thuế, phí, lệ phí, chi ngân sách Nhà nước, lãi suất, tỷ giá, tín dụng, chi phí đầu vào... Thực hiện hiệu quả các chính sách bảo đảm an sinh xã hội dựa trên 3 trụ cột chính là giảm

thiểu, khắc phục và phòng ngừa rủi ro để người lao động, người dân có công việc, thu nhập và cuộc sống ổn định.

Về hoàn thiện thể chế, những vấn đề đã “chín”, đã rõ, được thực tiễn chứng minh là đúng, thực hiện có hiệu quả, được đa số đồng tình thì tiếp tục thực hiện; những vấn đề chưa có quy định hoặc vượt quy định thì mạnh dạn thí điểm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần, không cầu toàn, không nóng vội.

Cùng với đó, đẩy mạnh xây dựng và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng chiến lược, trong đó có hạ tầng giao thông, viễn thông… “Việc bảo đảm điện và sóng cho các vùng sâu, vùng xa dù khó mấy cũng phải làm và không chỉ là trách nhiệm của Chính phủ mà còn cần sự vào cuộc của các cơ quan, địa phương, cùng với sự hỗ trợ của bạn bè, đối tác quốc tế. Không có điện và sóng thì không có chuyển đổi số, xã hội số, kinh tế số, công dân số…”, Thủ tướng nêu ví dụ.


Khánh Linh
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục