Thuốc thử liều cao, cuộc sàng lọc lớn
“Khi nhà ở là nhu cầu muôn thuở của người dân, thì dịch Covid-19 là giai đoạn thử thách nhất thời của thị trường. Khó khăn nếu có sẽ nằm ở động cơ ra quyết định mua nhà với mục đích để ở sẽ chậm lại, hoặc người mua nhà để bán sẽ thoái lui nhằm bảo toàn nguồn vốn”.
Đây là chia sẻ của một thành viên thị trường với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản khi đánh giá về tác động của Covid-19. Nhưng không chỉ có vậy, dịch tác động đến hầu bao và tâm lý của khách hàng, nhà đầu tư, thì đồng thời, nó cũng mang theo cả các tác động xấu với các doanh nghiệp.
Theo ông Nguyễn Văn Đính, Phó tổng Thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA), dịch Covid-19 ập đến khiến các doanh nghiệp địa ốc phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. Theo ông Đính, có một số doanh nghiệp xây dựng lớn bị giảm từ 50 - 70% giá trị sản lượng.
“Giảm sản lượng đồng nghĩa với việc hàng chục nghìn lao động bị mất việc. Đây là một con số khổng lồ. Và nó không chỉ ảnh hưởng đến nhiều ngành nghề khác như xi măng, sắt thép, đá sỏi, xây dựng, vận tải…, mà còn tác động tiêu cực đến an sinh xã hội”, ông Đính nhấn mạnh.
Theo tìm hiểu của phóng viên, trước các diễn biến bất ngờ của dịch, nhiều doanh nghiệp ngành địa ốc đã có sự chuẩn bị, lên kế hoạch với các kịch bản khác nhau cho thị trường. Từ đó, đưa ra các giải pháp ứng phó trong ngắn hạn, trung và dài hạn một cách phù hợp nhất.
Trao đổi với phóng viên, bà Hoàng Lài, Phó tổng giám đốc La Luna Resort cho biết, làm việc trực tuyến là lựa chọn hàng đầu của công ty bà trong thời kỳ dịch bệnh, bởi nó giúp hạn chế tiếp xúc trực tiếp. Ngoài ra, các công việc được giải quyết cũng thuận tiện hơn.
Điều này cũng diễn ra tương tự tại nhiều doanh nghiệp bất động sản, khi một mặt vừa tuân thủ tốt yêu cầu giãn cách xã hội, mặt khác, vừa duy trì công việc, duy trì “sự sống” cho doanh nghiệp.
“Chúng tôi đã thay đổi phương thức từ việc đến văn phòng hàng ngày sang làm online, các bộ phận bắt buộc phải đến văn phòng sẽ bố trí luân phiên, chuyển các cuộc họp với đối tác nước ngoài sang họp trực tuyến”, ông Nguyễn Lê Hải Đăng, Giám đốc cấp cao Bộ phận Huấn luyện và Phát triển chiến lược Meyland cho biết.
Tương tự, đại diện AVLand Group cho biết, doanh nghiệp này cũng thực hiện việc online hóa các khâu trong quy trình làm việc và chỉ duy trì việc có mặt tại văn phòng với những bộ phận đặc thù.
Đến sự sàng lọc lớn
Cũng trong suốt thời gian diễn ra Covid-19, khi trao đổi với các chuyên gia, đại diện doanh nghiệp, một điểm chung mà người viết ghi nhận được, đó là việc có nhiều ý kiến cho rằng, đại dịch chính là một liều thuốc thử hạng nặng, đo lường khả năng phòng vệ, ứng phó của các doanh nghiệp ngành địa ốc.
Liều thuốc thử hạng nặng Covid-19 có lẽ thể hiện rõ nhất ở lĩnh vực phân phối. Báo cáo mới đây của Bộ Xây dựng cho thấy, cả nước chỉ còn khoảng 200 sàn giao dịch bất động sản hoạt động cầm chừng. Trước đó, đã có trên 800 sàn đóng cửa hoặc tạm ngừng hoạt động. Thực tế phũ phàng này cho thấy, sức đề kháng của phần lớn các doanh nghiệp ngành môi giới là ở mức yếu.
Nhìn nhận về câu chuyện các sàn mọc lên như nấm sau mưa khi thị trường tốt và buộc phải đóng cửa khi thị trường gặp khó, ông Giáp Văn Kiểm, Chủ tịch HĐQT AVLand Group ví von, nếu coi Covid-19 như một cơn bão tràn qua và các doanh nghiệp ngành phân phối là các phương tiện đang lưu thông trên cùng một con đường, thì việc có đến khoảng 80% phương tiện yếu, mỏng manh và bị cơn bão quét đi, về mặt tích cực đó là sự sàng lọc của thị trường, loại bỏ những doanh nghiệp bé, làm ăn chộp giật, giữ lại những doanh nghiệp lớn, chuyên nghiệp.
“Đường vắng rồi thì các 'xe' còn lại có thể đi nhanh hơn”, ông Kiểm nhấn mạnh.
Cùng quan điểm, ông Đăng cho rằng, nếu nhìn dịch Covid-19 từ góc độ tích cực chúng ta sẽ thấy tình hình hiện nay sẽ là một đợt thanh lọc thị trường cần thiết. Những doanh nghiệp có thực lực vững mạnh sẽ chứng tỏ được mình, đồng thời thị trường cũng sẽ thanh lọc nhà đầu tư. Những nhà đầu tư lướt sóng, “ăn xổi” sẽ không còn cơ hội.
“Bây giờ sẽ là thời của những nhà đầu tư có tầm nhìn dài hạn, hiểu biết thị trường và có vốn liếng thực sự. Tôi được biết, giới đầu tư không hề “ngủ đông” như nhiều người nghĩ. Ngược lại, thời gian này là khoảng lùi cần thiết để họ nhìn nhận lại thị trường để có quyết định sáng suốt hơn”, ông Đăng nói.
Trong khi đó, trao đổi với người viết, ông Phùng Chu Cường, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Địa ốc Phú Long cho biết, doanh nghiệp của ông đang sắp xếp lại bộ máy, tăng cường hiệu quả quản trị, tính toán, điều chỉnh sản phẩm và chiến lược để tăng khả năng thích ứng với một thế giới nhiều biến động.
“Sự vận động của thị trường làm doanh nghiệp đối mặt với nhiều thách thức hơn, nhưng nó cũng sẽ tạo ra nhiều cơ hội hơn khi sự cạnh tranh sẽ làm doanh nghiệp buộc phải thay đổi mình để tạo ra được những sản phẩm giá trị hơn, phù hợp hơn với nhu cầu của thị trường”, ông Cường nhấn mạnh.
Và yêu cầu đổi mới sản phẩm
Covid-19 đã và sẽ mang đến nhiều thay đổi trong cách vận hành thị trường và mỗi doanh nghiệp. Các chuyên gia cho rằng, nhu cầu làm việc tại nhà, làm việc online sau dịp này sẽ được kích hoạt và trở nên phổ biến hơn. Do đó, ngoài câu chuyện của sự đào thải, hậu Covid-19 cũng mang đến cả đòi hỏi đổi thay về thiết kế sản phẩm.
Hãy thử hình dung, một gia đình gồm 2 vợ chồng, một con nhỏ ở độ tuổi tiểu học đều cần phải làm việc, học tập trực tuyến sẽ đòi hỏi điều gì? Chí ít, để đáp ứng được điều này, căn hộ cũng phải có các khu vực làm việc riêng, độc lập cho cả 3 thành viên gia đình, tối thiểu là đường truyền internet phải ổn định, thông suốt, khả năng cách âm tốt của các phòng, căn hộ. Và cao hơn nữa, là các yêu cầu dạng văn phòng tối thiểu. Rõ ràng, không ai trong chúng ta muốn hình ảnh một phòng ngủ, hay phòng khách bừa bộn chăn gối, đồ đạc xuất hiện trong màn hình họp trực tuyến của mình với đồng nghiệp, đối tác.
Do đó, một yêu cầu không kém phần cấp thiết là sự thay đổi trong thiết kế căn hộ để phục vụ tốt hơn nhu cầu làm việc tại nhà của các gia đình. Bởi rất có thể trong tương lai, các sự kiện tương tự, có thể ở cấp độ thấp hoặc cao hơn so với đại dịch vừa qua sẽ tiếp tục xảy ra, và không chỉ các doanh nghiệp cần coi đây là đợt tập dượt để thích nghi tốt hơn, mà bản thân các sản phẩm cũng cần được thiết kế theo hướng đáp ứng tốt nhu cầu cách ly, đòi hỏi làm việc tại gia, dù lần này mới chỉ là một phép thử.
Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com