Covid-19 thúc đẩy các chính phủ toàn cầu giải quyết khoảng cách giàu nghèo

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Các chính phủ trên toàn thế giới đang đối mặt với sự thật rằng, Covid-19 đã làm gia tăng khoảng cách giàu nghèo cũng như phá hủy nền kinh tế.
Covid-19 thúc đẩy các chính phủ toàn cầu giải quyết khoảng cách giàu nghèo

Do đó, các chính phủ đã mở rộng mạng lưới an sinh xã hội và trong một số trường hợp bắt đầu khám phá những cách thức táo bạo hơn để giải quyết sự mất cân bằng.

Việc áp dụng nhiều biện pháp kích thích tài chính và tiền tệ cùng những ý tưởng như tăng thuế đối với người giàu và hỗ trợ thu nhập cơ bản cho người nghèo có khả năng tạo ra sự thay đổi chủ nghĩa quân bình lớn nhất kể từ khi các quốc gia với phúc lợi hào phóng xuất hiện ở Tây Âu sau Thế chiến thứ hai.

Các chương trình phục hồi sau đại dịch đã đặt nhiều nền kinh tế lớn trên con đường phục hồi nhanh chóng sau năm 2020 khắc nghiệt và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã ước tính GDP toàn cầu sẽ tăng 6% trong năm nay, một tốc độ chưa từng thấy kể từ những năm 1970. Nhưng đằng sau dòng tiêu đề khích lệ đó là sự chia rẽ đang ngày càng mở rộng.

Mỹ là một trong số ít quốc gia cung cấp dữ liệu kinh tế về dân tộc. Số liệu tháng 4 cho thấy tỷ lệ thất nghiệp ở người da trắng giảm từ 14,1% một năm trước xuống còn 5,3% trong khi tỷ lệ thất nghiệp của người da đen chỉ giảm từ 16,7% xuống 9,7%.

Khoảng cách tỷ lệ thất nghiệp giữa người da trắng và người da đen ở Mỹ

Khoảng cách tỷ lệ thất nghiệp giữa người da trắng và người da đen ở Mỹ

Một báo cáo vào tháng 3 về khoảng cách giới của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) kết luận rằng, trung bình sẽ mất 135,6 năm để phụ nữ đạt được bình đẳng với nam giới trên một loạt yếu tố, bao gồm cơ hội kinh tế và quyền lực chính trị.

Con số này tăng so với con số 99,5 năm được nêu trong báo cáo năm 2020 và đánh dấu mức tăng 36 năm.

Trong khi đó, sự thống trị của các nước phát triển trong việc tiếp cận vắc xin để giảm bớt các hạn chế, giúp nền kinh tế hồi phục đã dẫn đến những cảnh báo khẩn cấp rằng sự chênh lệch giữa các quốc gia giàu và nghèo sẽ ngày càng tăng.

Một nền kinh tế mới?

Với việc đại dịch đã làm nổi bật những bất bình đẳng hiện có như những người lao động được trả lương thấp hơn chủ yếu tập trung trong các công việc thuộc lĩnh vực dịch vụ bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi các đợt phong toả do đại dịch. Tuy nhiên, một số dấu hiệu cho thấy một phản ứng chính sách quyết liệt hơn đang xuất hiện.

“Một nơi quan trọng mà điều đó thực sự đang xảy ra là Mỹ, nơi chính quyền Biden thể hiện một sự phá vỡ nghiêm trọng so với quá khứ”, Francisco Ferreira, giám đốc tại Viện Bất bình đẳng Quốc tế tại Trường Kinh tế London (LSE) cho biết.

Kế hoạch Gia đình Mỹ trị giá 1.800 tỷ USD của Tổng thống Biden dự kiến ​​sẽ giúp hơn 5 triệu trẻ em thoát khỏi đói nghèo và bao gồm các đề xuất cho gia đình được trả lương và y tế.

Việc chính quyền Biden thúc đẩy mức thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu ở mức 15% cũng đang thu hút được sức hút rộng rãi.

Bên cạnh đó, IMF có kế hoạch giải quyết tốt hơn các rủi ro liên quan đến vấn đề biến đổi khí hậu, bất bình đẳng và nhân khẩu học trong các đánh giá kinh tế của mình.

IMF đã thúc giục các nền kinh tế tiên tiến sử dụng thuế lũy tiến để giảm bớt sự bất bình đẳng từ Covid-19. Số liệu được Oxfam trích dẫn cho thấy, các tỷ phú trên thế giới đã kiếm được hơn 3.900 tỷ USD từ tháng 3/2020 đến tháng 12/2020 và có thể áp dụng thuế luỹ tiến đối với tài sản.

Các ngân hàng trung ương đã tìm cách xoa dịu những lời chỉ trích rằng thông qua các chương trình mua trái phiếu đã làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng bằng cách tăng giá nhà và tài sản khác ngoài tầm với của nhiều người, điều này đang thể hiện sự quan tâm rõ ràng hơn đến các vấn đề xã hội.

Bảng cân đối kế toán của các ngân hàng trung ương và diễn biến chỉ số MSCI toàn cầu
Bảng cân đối kế toán của các ngân hàng trung ương và diễn biến chỉ số MSCI toàn cầu

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã cam kết toàn dụng lao động với lý do là lực cản đối với tiềm năng kinh tế từ các nhóm yếu thế và bất bình đẳng thu nhập. Bên cạnh đó, vấn đề giải quyết bất bình đẳng cũng nằm trong tầm ngắm của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).

Mối đe doạ từ chủ nghĩa dân tuý

Tuy nhiên, bất kỳ điều nào trong số đó sẽ dẫn đến sự thay đổi thực sự hay không vẫn còn đang tranh cãi. Và một số người cho rằng hiện trạng có thể không bền vững về mặt chính trị.

Tina Fordham, người đứng đầu chiến lược chính trị toàn cầu tại Công ty tư vấn Avonhurst cho biết: “Ý tưởng một cuộc khủng hoảng có thể là một bước ngoặt và còn quá sớm để đánh giá liệu các chính sách có mang tính chuyển đổi hay không. Nhưng nếu chúng ta không tận dụng cơ hội do cuộc khủng hoảng đại dịch mang lại để xây dựng trở lại tốt hơn, thì chúng ta rất lo ngại về sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân túy không chỉ giới hạn trong 12 tháng tới mà còn trong một đến hai chu kỳ bầu cử tiếp theo”.

Bất bình đẳng gia tăng thường được xem là một yếu tố đằng sau chủ nghĩa dân túy gia tăng kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và tiếp thêm động lực cho các cuộc biểu tình Black Lives Matter nổ ra vào năm ngoái.

Nhưng trong khi một cuộc khủng hoảng có thể là chất xúc tác cho sự thay đổi, thì phạm vi sự thay đổi có thể gây thất vọng là rất lớn khi những cuộc trao đổi trong quá khứ về các hình thức chủ nghĩa tư bản thường tạo ra một số kết quả dễ nhìn thấy hơn.

Hạc Hiên
Theo báo chí nước ngoài

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục