Fintech không cạnh tranh với ngân hàng
Ông Nguyễn Bảo Hoàng, Tổng giám đốc Timo Plus. |
Thời gian qua, có nhiều bàn luận xoay quanh vai trò của công ty tài chính công nghệ (Fintech) trong việc thay đổi kênh dịch vụ tài chính truyền thống.
Tuy nhiên, chúng tôi không cho rằng đây là sự cạnh tranh.
Thực tế, thị trường dịch vụ tài chính tại Việt Nam đang trong giai đoạn phát triển nên còn nhiều dư địa phát triển.
Hiện còn nhiều người tiêu dùng vẫn chưa sử dụng hoặc tận dụng hết các dịch vụ ngân hàng, cho nên vai trò của ngân hàng truyền thống trong việc tiếp cận nhóm khách hàng này rất quan trọng.
Về cơ bản, Timo Plus đang cố gắng giải quyết các vấn đề người tiêu dùng gặp phải, đó là giúp cho việc sử dụng và quản lý dịch vụ tài chính - ngân hàng trở nên đơn giản, dễ dàng hơn. Công nghệ sẽ là công cụ giúp tối ưu hóa việc này.
Tuy nhiên, bản thân công nghệ không phải là giải pháp, mà giải pháp thực sự nằm ở việc thấu hiểu nhu cầu khách hàng và bảo đảm công nghệ đáp ứng được điều đó. Dù cho một ngân hàng truyền thống bắt đầu quá trình chuyển hóa số thì các dịch vụ của ngân hàng đó vẫn cần được vận hành để đáp ứng nhu cầu cần thiết của các doanh nghiệp.
Trong thực tế, những khách hàng của Timo Plus vẫn đang sở hữu nhiều hơn một tài khoản.
Điều này nói lên rằng, thị trường vẫn có nhiều nhu cầu về dịch vụ tài chính mà ngân hàng truyền thống có thể khai thác, và Timo Plus cũng có kênh dịch vụ và nhóm khách hàng riêng để nhắm đến.
Trong khủng hoảng, “hoàn hảo” là kẻ thù của “tốt”
Bà Trần Thị Phương Hồng, Chủ tịch TechX. |
Khi dịch Covid-19 lan rộng, các nhà lãnh đạo đối mặt với các tình huống không thể lường trước, nên hiện là thời điểm thích hợp để khuyến khích quyền chủ động và quyền quyết định ở tất cả các cấp của tổ chức.
Nhà lãnh đạo cần tin tưởng vào các cá nhân có hiểu biết sâu sắc, bám sát một bối cảnh cụ thể nhằm đưa ra những phương pháp tiếp cận sáng tạo để giải quyết các vấn đề và hoạch định các kế hoạch trong cả ngắn và dài hạn.
Sự tin tưởng lẫn nhau trong một tổ chức bắt đầu bằng sự minh bạch: Nói những gì mình biết và thừa nhận những gì mình không biết. Niềm tin cũng đến từ mức độ hiểu biết nhau giữa lãnh đạo và nhân viên, giữa khách hàng và doanh nghiệp.
Trong thời kỳ mọi thứ đều không chắc chắn, lòng tin ngày càng được xây dựng bằng cách thể hiện khả năng giải quyết các tình huống không lường trước và giữ được sự cân bằng trong mối quan hệ của tất cả các bên liên quan theo cách tốt nhất có thể.
Điều quan trọng nữa là các nhà lãnh đạo phải luôn nhận ra và giải quyết cảm xúc của tất cả các bên liên quan, đảm bảo tất cả mọi người trong nhóm hay tổ chức đồng lòng đi theo một mục tiêu được xác định để đạt được tốc độ nhanh nhất trong giải quyết vấn đề và tận dụng cơ hội, chứ không phải là đạt được sự “lịch thiệp” với nhau như trong thời bình.
Chuyển đổi số là trụ cột trong chiến lược phát triển
Bà Nguyễn Đức Thạch Diễm, Tổng giám đốc Sacombank. |
Hiện nay, chuyển đổi số được xem là vấn đề sống còn của ngành ngân hàng.
Các ngân hàng đã đưa số hóa trở thành một trong những mục tiêu quan trọng nhất trong kế hoạch phát triển nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng, cũng như tạo lợi thế cạnh tranh cho chính mình.
Với Sacombank, chúng tôi đã sớm xác định công nghệ là trụ cột trong chiến lược phát triển, đặc biệt chú trọng việc đầu tư để chuyển đổi số, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển diện của Ngân hàng phù hợp với xu hướng cách mạng công nghiệp 4.0.
Việc sớm đẩy mạnh chuyển đổi số đã tạo nên sự chuyển mình, mang lại hiệu quả trong các mặt hoạt động của Sacombank.
Đơn cử, về kết quả kinh doanh, kết thúc 9 tháng đầu năm 2020, Sacombank đã hoàn thành 90% chỉ tiêu lợi nhuận đưa ra cho cả năm và dự kiến cả năm sẽ vượt 20% chỉ tiêu (ngang bằng với mức thực hiện của năm 2019).
Sacombank đã xử lý được hơn 11.000 tỷ đồng nợ xấu, tỷ lệ nợ xấu nội bảng được kiểm soát ở mức 1,85%. Kết quả này còn ý nghĩa hơn trong bổi cảnh Sacombank cũng như toàn ngành ngân hàng nỗ lực đẩy mạnh tái cơ cấu nợ, miễn giảm lãi, phí cho khách hàng gặp khó khăn bởi đại dịch Covid-19 theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN.
Tính đến 30/9/2020, tín dụng Ngân hàng tăng trưởng 9% và nhu cầu vốn của khách hàng đang tăng trở lại, nhất là khi mặt bằng lãi suất tiếp tục trong xu hướng giảm.
Sacombank đã được Ngân hàng Nhà nước cho nới hạn mức tăng trưởng tín dụng lên 13,5% để có thêm dư địa phát triển tín dụng trong quý còn lại của năm, đáp ứng cầu vốn của khách hàng.
Không có quản trị tốt, rõ ràng sẽ đi đến suy kiệt rất nhanh
Ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch TTC Group. |
Khác với những cuộc khủng hoảng trước đây, khủng hoảng do đại dịch Covid-19 lần này đã tàn phá cả về chính trị, kinh tế - xã hội, thậm chí thay đổi cả thói quen sinh hoạt và đời sống của người dân.
Đây là một thách thức lớn đối với những doanh nhân đang điều hành doanh nghiệp.
Khi đại dịch covid-19 xảy ra trên thế giới và tại Việt Nam, tất cả các doanh nghiệp, đặc biệt là giới doanh nhân rất lo lắng, vì thực sự đây là một đại dịch.
Tuy nhiên, khi trải qua các cuộc khủng hoảng, sự đào thải và nhất là đại dịch năm nay, các doanh nhân trong đó có bản thân tôi lại càng củng cố niềm tin, công tác quản trị, kiểm soát điều hành.
Tới hôm nay, chúng ta cũng đã sống chung với đại dịch khoảng 10 tháng và phải đối diện với nó trong điều kiện “bình thường mới”.
Nhiều quốc gia đã có chính sách táo bạo, mở cửa từng phần hoặc mở cửa toàn diện để phát triển trở lại.
Chính phủ Việt Nam đã có những quyết sách phù hợp, thông minh, vừa giữ được tăng trưởng kinh tế trong thời kỳ “bình thường mới” vừa đảm bảo được sức khỏe của người dân.
Đây là một điều hết sức nỗ lực và không chỉ Việt Nam đánh giá, mà cả thế giới đánh giá cao công tác phòng chống dịch và duy trì phát triển kinh tế ổn định của Việt Nam. Điều này cũng rất đáng mừng cho Việt Nam.
Với vai trò là một doanh nhân, theo tôi, phải qua khủng hoảng, khó khăn mới lộ diện, mới thấy rõ được thế nào là quản trị, thế nào là kiểm soát, điều hành.
Trải qua những khủng hoảng, thách thức và khó khăn, nếu doanh nghiệp không có quản trị tốt, rõ ràng sẽ đi đến suy kiệt rất nhanh. Ngược lại, nếu doanh nghiệp có quản trị tốt thì họ sẽ sớm vượt qua, cho dù có bị tác động.
Cần vượt qua thói quen “tuân thủ quá mức”
Ông Ngô Quang Trung, Tổng giám đốc Viet Capital Bank. |
Đại dịch Covid-19 tác động tới toàn nền kinh tế, bao gồm cả doanh nghiệp và ngân hàng.
Tuy nhiên, để chia sẻ khó khăn và hỗ trợ khách hàng vượt qua khó khăn, Viet Capital Bank đã đẩy mạnh tái cơ cấu, giãn nợ cho khách hàng theo quy định của Thông tư 01/2020/TT-NHNN.
Tính đến hết tháng 9/2020, tín dụng của Viet Capital Bank tăng trưởng khoảng 9% và tiếp tục thúc đẩy cho vay trong những tháng cuối năm trên cơ sở kiếm soát chặt chất lượng tín dụng.
Song song với đó, Viet Capital Bank cũng đẩy mạnh đầu tư công nghệ trước làn sóng số hóa ngân hàng.
Thực tế, Ngân hàng đã sớm triển khai áp dụng eKYC, tăng cường hợp tác với các công ty tài chính công nghệ (Fintech) và phải thừa nhận rằng, đây là một thách thức không nhỏ.
Hiện tất cả các ngân hàng đều muốn phát triển nhanh ngân hàng số. Song điều này không nghĩa là ngân hàng muốn từ bỏ mô hình ngân hàng truyền thống và thay thế bằng ngân hàng số, mà sẽ kết hợp giữa chi nhánh ngân hàng và dịch vụ số - được gọi là mô hình “phygital” trong phát triển kinh doanh.
Đây là sân chơi mà các ngân hàng cần thích nghi với lối tư duy mới và mô hình kinh doanh mới, cần vượt qua thói quen “tuân thủ quá mức” hay các tập quán mang nặng tính truyền thống mà ít chú trọng tới trải nghiệm của khách hàng.
Covid-19, “hàn thử biểu” cho doanh nghiệp Việt
Bà Nguyễn Thùy Dương, Chủ tịch EY Việt Nam. |
Thực tế hiện nay, lãnh đạo nhiều doanh nghiệp trong ngành du lịch, hàng không, nhà hàng, thậm chí cả ngân hàng… đều cho biết họ lạc quan với tương lai, cho dù tình hình hiện tại còn nhiều khó khăn.
Nguyên nhân là bởi trước đây vì nhiều lý do nên họ chưa dành thời gian xem lại chính mình, rà soát lại công việc để đảm bảo hạ tầng, quy trình, nghiệp vụ, cơ cấu tổ chức, hệ thống quản lý được chuẩn chỉnh.
Và đại dịch là cơ hội rất tốt để dành thời gian cải thiện, chuyển đổi mô hình kinh doanh, hay thực hiện một số dự án công nghệ thông tin trọng điểm mà trước kia chưa thực hiện.
Với tư cách là một nhà tư vấn, đây là điều đáng mừng bởi tôi có biết trước đây dù muốn nhưng họ không có thời gian để làm, còn bây giờ thì không cần tư vấn mà họ vẫn làm.
Khủng hoảng do Covid-19 mang lại thực sự là “hàn thử biểu” chứng minh doanh nghiệp nào bền gan hơn. Nếu tập trung vào phát triển bền vững và chỉ có phát triển bền vững thì doanh nghiệp sẽ không chỉ tồn tại, mà còn phát triển mạnh mẽ.
Fintech Việt còn trăn trở về pháp lý
Ông Nguyễn Bá Diệp, Phó chủ tịch Ví MoMo. |
Đại dịch Covid-19 bất ngờ ập đến khiến nhiều doanh nghiệp buộc phải thay đổi mô hình hoạt động, cắt giảm bớt nhân sự và hợp tác với các công ty tài chính công nghệ (Fintech) để hỗ trợ hoạt động của doanh nghiệp.
Đây được xem là cơ hội để các công ty Fintech đẩy mạnh cung cấp sản phẩm, dịch vụ ra thị trường.
Bên cạnh đó, dịch bệnh cũng khiến việc gặp gỡ trực tiếp buộc phải hạn chế, tạo điều kiện thúc đẩy những giao dịch không tiếp xúc, nên những hoạt động liên quan đến trực tuyến - vốn là thế mạnh của các công ty Fintech, đều có cơ hội phát triển.
Đồng thời, làn sóng cách mạng công nghiệp 4.0 lan tỏa mạnh mẽ khiến lượng người sử dụng công nghệ ngày một tăng và các công ty Fintech dần trở thành một phần tất yếu của cuộc sống hàng ngày.
Có thể nói, hiện có nhiều yếu tố hỗ trợ cho các công ty Fintech. Tuy nhiên, yếu tố quan trọng nhất là nền tảng pháp lý lại chưa được hoàn thiện và đây là điều các công ty Fintech đang rất trăn trở.
Để giúp các doanh nghiệp đổi mới, sáng tạo nói chung, các Fintech nói riêng có thể phát triển mạnh mẽ, cần sớm hoàn thiện hành lang pháp lý cho lĩnh vực này theo hướng cởi mở hơn.