Theo Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc, toàn bộ ca Covid-19 trong cộng đồng ở nước này ghi nhận trong ngày 1/6 đều ở Quảng Đông - tỉnh đông dân nhất của Trung Quốc.
Số ca lây nhiễm trong cộng đồng ở Quảng Đông bất ngờ tăng mạnh khoảng 2 tuần trở lại đây. Kể từ ngày 21/5 đến ngày 1/6, riêng thành phố Quảng Châu ghi nhận 41 ca cộng đồng, Phật Sơn ghi nhận 6 ca.
Hai thành phố này của Quảng Đông đã yêu cầu người dân ở một số khu vực tự cách ly tại nhà và yêu cầu những người rời thành phố bằng máy bay, tàu hỏa, xe buýt chặng dài đều phải có chứng nhận kết quả xét nghiệm Covid-19 âm tính trong vòng 3 ngày.
Tuy nhiên, tại Phật Sơn, nhu cầu xét nghiệm lớn khiến các cơ sở xét nghiệm không đáp ứng được hết nhu cầu. Một nhân viên y tế ở một bệnh viện ở Phật Sơn cho biết, lượng người đổ đến đây làm xét nghiệm rất lớn, nhiều người phải chờ hàng giờ đồng hồ mới đến lượt xét nghiệm.
Lễ tân của một khách sạn ở Phật Sơn nói với Thời báo Hoàn Cầu rằng, kể từ tuần trước, khách sạn phải tiến hành khử khuẩn nhiều hơn trước lo ngại dịch bùng phát. "Hiện giờ chúng tôi khử khuẩn khách sạn 8 lần mỗi ngày", lễ tân này cho hay.
Trong bối cảnh dịch bùng phát mạnh trở lại, người dân ở Quảng Châu đã đổ xô tới các điểm tiêm chủng vắc xin ngừa Covid-19. Cơ quan y tế địa phương buộc phải tạm ngừng tiêm cho người dân để tiêm cho các nhóm ưu tiên, trong đó có đội ngũ y tế.
Tại Thâm Quyến, thủ phủ công nghệ ở Quảng Đông, cũng ghi nhận thêm 2 ca Covid-19 không triệu chứng trong ngày 1/6, nâng tổng số ca không triệu chứng ở thành phố này từ ngày 21/5 đến nay lên 15 ca. Ở Mậu Danh, một thành phố khác của Quảng Đông, giới chức y tế cũng phát hiện các ca Covid-19 không triệu chứng.
Quảng Châu hiện là tâm dịch trong đợt bùng phát mới ở Trung Quốc. Tính đến ngày 1/6,Trung Quốc ghi nhận tổng cộng 91.146 ca Covid-19, số ca tử vong không đổi là 4.636 ca.
Đợt bùng phát lần này ở Quảng Đông được cho là liên quan đến biến chủng phát hiện lần đầu ở Ấn Độ hay còn gọi là B.1617, biến chủng dễ lây lan hơn của virus SARS-CoV-2. Đợt bùng dịch làm dấy lên câu hỏi liệu vắc xin hiện tại ở Trung Quốc có hiệu quả phòng ngừa với biến chủng từ Ấn Độ hay không.
Ông Gao Fu, một chuyên gia của Học viện Khoa học Trung Quốc và là Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc, mới đây nói rằng nếu một người đã tiêm chủng vắc xin vẫn mắc Covid-19 thì có thể là virus đã biến chủng giống như virus cúm. "Có thể chúng ta cần phải tiêm chủng ngừa Covid-19 hàng năm, giống như cách chúng ta sống chung với cúm", ông Gao nói.
Trong bối cảnh virus SARS-CoV-2 biến chủng nhanh, Trung Quốc đã và đang đẩy nhanh chiến dịch tiêm chủng cho người dân. Tính đến cuối tháng 5, nước này đã tiêm chủng hơn 661 triệu liều vắc xin ngừa Covid-19, trong đó, chỉ riêng ngày 31/5 ghi nhận hơn 22,3 triệu mũi. Tỷ lệ tiêm chủng hàng ngày ở Trung Quốc hiện cao gấp 2,5 lần so với cách đây 1 tháng.
Chính phủ Trung Quốc đặt mục tiêu tiêm chủng đầy đủ cho 40% dân số, tương đương khoảng 560 triệu người, trước cuối tháng 6. Trung Quốc đã phê duyệt sử dụng khẩn cấp 4 loại vắc xin nội địa.