Giao dịch mua vào cổ phiếu quỹ của Coteccons nhằm mục đích chuẩn bị nguồn cổ phiếu cho đợt phát hành ESOP tiếp theo, gia tăng lợi ích cổ đông.
Doanh nghiệp cho biết sẽ thực hiện sau khi có công văn chấp thuận của Uỷ ban chứng khoán Nhà nước, dự kiến là trong quý IV/2020.
Với giá đóng cửa ngày 10/12 là 70.500 đồng/cổ phiếu, ước tính doanh nghiệp có thể sẽ bỏ ra 345,45 tỷ đồng để thực hiện mua vào lượng cổ phiếu quỹ trên, tỷ lệ mua vào tương đương 6,18% vốn điều lệ.
Trong 9 tháng, Coteccons đạt doanh thu thuần 10.301 tỷ đồng, giảm 37% cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế hơn 369 tỷ đồng, giảm 23%. So với kế hoạch năm, Công ty đã thực hiện 64% doanh thu và 62% lợi nhuận.
Trong năm 2020, doanh nghiệp đặt kế hoạch doanh thu 16.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 600 tỷ đồng, lần lượt giảm 32,6% và 15,5% so với thực hiện năm 2019.
Tính tới 30/9/2020, tổng tài sản của CTD giảm 13,2% về 14.056 tỷ đồng. Trong đó, tài sản chủ yếu khoản phải thu ngắn hạn đạt 7.453,8 tỷ đồng, chiếm 53% tổng tài sản; tiền và đầu tư tài chính ngắn hạn đạt 3.557,4 tỷ đồng, chiếm 25,3% tổng tài sản; tồn kho đạt 1.457,8 tỷ đồng, chiếm 10,4% tổng tài sản; tài sản cố định đạt 628,9 tỷ đồng, chiếm 4,5% tổng tài sản.
Theo báo cáo tài chính quý III/2020, hiện tại doanh nghiệp sở hữu 3.557,4 tỷ đồng tiền và đầu tư tài chính ngắn hạn, trong khi chỉ có 77,2 triệu cổ phiếu đang lưu hành, tương đương với giá trị tiền và đầu tư tài chính trên số lượng cổ phiếu lưu hành là 46.080 đồng/cổ phiếu.
Như vậy, đây là một quỹ tiền mặt tương đối lớn, trong khi doanh nghiệp không vay nợ, điều này sẽ là lợi thế nhất định để tận dụng các cơ hội M&A dự án, hoặc trực tiếp triển khai dự án, điều mà các đối thủ cạnh tranh không làm được do vay nợ lớn, quỹ tiền mặt hạn chế đang niêm yết trên sàn.