Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý III/022, doanh thu hợp nhất CTD đạt 3.113 tỷ đồng, tăng đến 191% so với cùng kỳ (cũng là giai đoạn giãn cách xã hội khiến nhiều công trình buộc phải dừng thi công).
Giá vốn hàng bán lên tới 3.081 tỷ đồng, tốc độ tăng giá vốn nhanh hơn so với tốc độ tăng doanh thu, khiến biên lợi nhuận Công ty giảm từ 1,57% xuống còn 1,06%.
Theo giải trình của CTD, chủ yếu do giá cả nguyên vật liệu và nhân công tăng cao cùng với việc Ban điều hành chủ động đánh giá và trích lập dự phòng đối với các dự án có rủi ro cao là nguyên nhân khiến biên lãi gộp giảm.
Đáng chú ý, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 14% so với cùng kỳ, ghi nhận 103 tỷ đồng, chủ yếu do chi phí dự phòng. Chi phí tài chính cũng tăng mạnh từ mức 2,4 tỷ đồng lên 44 tỷ đồng. Hệ quả, CTD lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh gần 37 tỷ đồng.
Trong kỳ, CTD có khoản lợi nhuận khác gần 34 tỷ đồng chủ yếu do hoàn nhập chi phí công trình phải trả lớn hơn chi phí thực tế phát sinh và một phần từ hoàn nhập chi phí dự phòng bảo hành công trình.
Nhờ vậy, CTD giảm lỗ, ghi nhận lỗ ròng 3,5 tỷ đồng quý III/2022, cùng kỳ năm ngoái lỗ gần 12 tỷ.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, CTD đạt 8.307 tỷ đồng doanh thu, tăng 34%, nhưng lãi ròng chỉ vỏn vẹn 1,8 tỷ đồng, hoàn thành 9,6% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm.
Dòng tiền từ hoạt động kinh doanh của CTD âm gần 2.000 tỷ đồng do Công ty tăng mạnh hàng tồn kho, phải thu và đầu tư chứng khoán kinh doanh 255 tỷ đồng.
Tại thời điểm 30/9/2022, tổng tài sản CTD 17.757 tỷ đồng, tăng 18%, chủ yếu do tăng khoản phải thu và hàng tồn kho.
Chiếm tỷ trọng lớn nhất là phải thu ngắn hạn (thu từ khách hàng) 10.310 tỷ đồng, tăng gần 12% so với quý II/2022, và tăng 20% so với đầu năm.
Đáng chú ý, CTD có khoản nợ xấu phải thu 484 tỷ đồng đối với Công ty TNHH Đầu tư bất động sản Ngôi sao Việt – đơn vị thành viên của Tân Hoàng Minh; 122 tỷ đồng nợ xấu ở CTCP Đầu tư Minh Việt; và 540 tỷ đồng ở nhóm khách hàng khác.
CTD đã phải trích lập dự phòng đến 961 tỷ đồng tại thời điểm cuối quý III/2022.
nguồn BCTC hợp nhất quý 3/2022 CTD |
Bên cạnh đó, CTD còn có khoản phải thu về cho vay 650 tỷ đồng, tăng 13,5% so với đầu kỳ, lớn nhất là phải thu đối với CTCP Quốc Lộc Phát 500 tỷ đồng.
Theo thuyết minh, đây là khoản vốn hợp tác đầu tư theo hợp đồng hợp tác kinh doanh ngày 30/11/2021. Theo đó, lợi nhuận sẽ được phân chia cho tập đoàn cố định với lãi suất 11%/năm trên giá trị vốn thực góp với thời hạn 12 tháng.
CTD cũng có khoản phải thu khác góp vốn theo hợp đồng hợp tác kinh doanh 524,6 tỷ đồng, là khoản góp vốn hợp tác đầu tư dự án Khu căn hộ Ngọc Lục Bảo 68 (the Emerald 68) theo hợp đồng hợp tác kinh doanh 8/7/2022. Theo đó CTD được phân chia lợi nhuận hàng năm theo tỷ lệ góp vốn tương ứng.
Khoản mục chú ý khác của CTD là đầu tư ngắn hạn hơn 2.221 tỷ đồng, giảm 200 tỷ đồng so với đầu năm, trong đó, CTD phát sinh khoản đầu tư chứng khoán kinh doanh hơn 255,4 tỷ đồng so với đầu năm, và khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn hơn 2.002 tỷ đồng (giảm gần 400 tỷ đồng so với đầu kỳ, đây là khoản tiền gửi ngân hàng có kỳ hạn 1.235,55 tỷ đồng, và đầu tư trái phiếu 766,6 tỷ đồng).
nguồn BCTC hợp nhất quý 3/2022 CTD |
Thuyết minh cho thấy, danh mục đầu tư chứng khoán của CTD gồm chứng chỉ quỹ ETF KIM GROWTH VN30, giá gốc đầu tư gần 40 tỷ đồng và đang phải trích lập 5 tỷ đồng; TCB giá gốc đầu tư 30,4 tỷ đồng, đang trích lập 9,6 tỷ đồng; rót 27,77 tỷ đồng đầu tư cổ phiếu FPT, và đầu tư các công ty khác 157,3 tỷ đồng, trích lập 22 tỷ đồng.
Tổng cộng, CTD đang trích lập 37 tỷ đồng cho danh mục đầu tư chứng khoán.
Trong quý 3, CTD thu được 43 tỷ đồng lãi từ cho vay, đầu tư trái phiếu, góp vốn khác và trong 9 tháng đầu năm, thu được hơn 120 tỷ đồng từ các khoản này.