Copy trade: “May nhờ, rủi chịu”

(ĐTCK) Hoạt động copy trade (sao chép giao dịch) dần trở nên phổ biến, khi một số công ty chứng khoán hợp thức hoá thành dịch vụ cung cấp cho nhà đầu tư.
Sử dụng dịch vụ copy trade tại các công ty chứng khoán có tính an toàn, minh bạch hơn so với việc tham gia các đội nhóm tự phát. Sử dụng dịch vụ copy trade tại các công ty chứng khoán có tính an toàn, minh bạch hơn so với việc tham gia các đội nhóm tự phát.

Từ “chợ giời” tới dịch vụ chuyên nghiệp

Copy trade là thuật ngữ phổ biến đối với cộng đồng nhà đầu tư trên thế giới và gần đây dần “phủ sóng” tại thị trường Việt Nam, trước tiên ở nhóm đầu tư tài sản số, sau đó là sản phẩm cổ phiếu.

Hoạt động copy trade là hành vi sao chép giao dịch của một nhà đầu tư (được xem là chuyên nghiệp - pro trader/master, hoặc các cá nhân có sức ảnh hưởng - KOL) trên thị trường, từ đó thiết lập danh mục đầu tư và có hoạt động mua - bán tương tự nhà đầu tư này.

Ví dụ, nhà đầu tư A nhận thấy nhà đầu tư B có tỷ suất lợi nhuận cao trong một thời gian nhất định nên quyết định đăng ký copy trade theo nhà đầu tư B. Nhà đầu tư B tiến hành giao dịch với số vốn 1 tỷ đồng và nhà đầu tư A là 100 triệu đồng. Nhà đầu tư A thực hiện sao chép toàn bộ lệnh mua, bán, cắt lỗ và chốt lời của nhà đầu tư B.

Trong trường hợp nhà đầu tư B có khoản lợi nhuận là 10%, tương đương 100 triệu đồng; nhà đầu A sẽ có khoản lợi nhuận 10%, tương đương 10 triệu đồng. Tương tự, với trường hợp thua lỗ, cả 2 sẽ cùng lỗ với tỷ lệ tương ứng. Để có thể sao chép giao dịch, nhà đầu tư A chấp nhận nộp khoản phí nhất định cho nhà đầu tư B.

Mục tiêu của copy trade là thu lợi nhuận từ quyết định đầu tư của người khác mà không cần tốn thời gian, công sức nghiên cứu, theo dõi thị trường. Lãi hay lỗ phụ thuộc vào hiệu quả đầu tư của nhà đầu tư được sao chép.

Trên các diễn đàn, mạng xã hội (Facebook, Zalo, Telegram…), không khó để tìm thấy các group cộng đồng, nhóm nhà đầu tư tập hợp vì mục tiêu copy trade, cũng không ít cá nhân mời gọi khách hàng thực hiện copy trade với mục tiêu thu phí, nhận uỷ thác đầu tư… Bên cạnh đó, có những room kín, hoạt động dưới hình thức công bố các giao dịch mỗi ngày (show lệnh), nhà đầu tư muốn tham gia phải đóng phí hàng năm, với mức phí có thể lên tới hàng chục triệu đồng. Đây hầu hết là các cá nhân/nhóm nhà đầu tư hoạt động tự phát, khó kiểm chứng tính minh bạch…, nhà đầu tư dễ rơi vào các bẫy lừa đảo.

Nắm bắt được nhu cầu thị trường, một số công ty chứng khoán, ứng dụng đầu tư (Fintech) đã cung cấp dịch vụ copy trade, hợp thức hoá thành một sản phẩm dịch vụ chứng khoán.

Chẳng hạn, Công ty Chứng khoán MB ra mắt sản phẩm Copi24: khách hàng có thể lựa chọn đầu tư theo các nhà đầu tư tài năng (gọi là Leader) với việc bấm nút “Sao chép” và nhập số tiền muốn sao chép đầu tư cùng Leader đã chọn, giá trị uỷ thác ban đầu tối thiểu 10 triệu đồng.

Nhà đầu tư phải trả phí uỷ thác cho MBS, bao gồm phí quản lý tiểu khoản uỷ thác theo chiến lược đầu tư và phí thưởng. Trong đó, phí quản lý tiểu khoản ủy thác là 2%/năm trên giá trị tài sản ròng (NAV) tiểu khoản ủy thác, còn phí thưởng áp dụng theo thông báo trong từng thời kỳ của Công ty.

Hay Công ty Chứng khoán Techcombank có sản phẩm iCopy đang được áp dụng đối với cổ phiếu (iCopy Cơ sở) và chứng khoán phái sinh (iCopy Phái sinh). iCopy là công cụ giúp các khách hàng cá nhân (iCopier) tự động sao chép tức thời các giao dịch của một iTrader - nhà đầu tư tài năng được iCopier lựa chọn.

Sau khi chọn một iTrader và bấm nút “Sao chép”, iCopier sẽ được hệ thống tự động sao chép tức thời theo các lệnh của iTrader mỗi khi iTrader đặt lệnh và giao dịch (mua hoặc bán) chứng khoán thành công. Khoản phí ủy thác là 2%/năm trên NAV uỷ thác và phí thưởng quy định theo từng thời kỳ, từng hạng mục.

Công ty chứng khoán sẽ liệt kê danh sách các tài khoản mẫu cho nhà đầu tư lựa chọn, với các thông tin cơ bản liên quan tới hiệu quả đầu tư, tổng tài sản quản lý, số lượng người sao chép…

Một số ứng dụng đầu tư (Fintech) cũng có sản phẩm copy trade. Đơn cử, ứng dụng Anfin cung cấp dịch vụ copy trade với nội dung được quảng bá là “từ những giao dịch thật mà các nhà đầu tư khác đã chia sẻ, người dùng có thể thực hiện thao tác sao chép ngay lập tức tại bảng tin”.

Copy trade cần có tiêu chuẩn và quản lý sát sao

Dịch vụ copy trade giúp các nhà đầu tư chưa am hiểu về thị trường, thiếu kiến thức, kinh nghiệm và thời gian theo dõi thị trường có thể mua - bán theo những người thành công, từ đó gia tăng khả năng đầu tư có lời, hoặc khả năng sinh lời tốt hơn là tự đầu tư.

Copy trade là dịch vụ giúp nâng cao tính chuyên nghiệp của thị trường và phục vụ nhu cầu hiện hữu của nhà đầu tư đại chúng.

Trong khi đó, về phía nhà đầu tư được sao chép và công ty cung cấp dịch vụ, khoản phí mà khách hàng phải trả khi thực hiện copy trade chính là “phần thưởng”. Nhà đầu tư chuyên nghiệp càng giao dịch thành công thì càng có nhiều người theo dõi, từ đó gia tăng thu nhập từ phí copy trade được hưởng. Còn công ty chứng khoán nhờ có dịch vụ copy trade mà gia tăng được số lượng khách hàng, tăng nguồn thu phí.

Sử dụng dịch vụ copy trade tại các công ty chứng khoán có tính an toàn, minh bạch hơn cho nhà đầu tư so với việc tham gia các đội nhóm tự phát, thiếu tính xác thực. Tuy nhiên, đầu tư theo hình thức copy trading có thể thua lỗ. Trong trường hợp này, nhà đầu tư sao chép chịu thiệt lớn nhất, bởi công ty chứng khoán và nhà đầu tư cho sao chép (pro trader) vẫn được hưởng phí giao dịch, hoa hồng.

Các tài khoản mẫu có tần suất giao dịch lớn đồng nghĩa với việc các tài khoản sao chép sẽ phát sinh các lệnh tương tự. Theo đó, nhà đầu tư sẽ phải trả nhiều hơn các khoản phí giao dịch, thuế…, ảnh hưởng tới hiệu quả đầu tư thực tế.

Đáng lưu ý, mức phí 2%/năm trên tổng tài sản thực hiện copy trade, chưa kể phí thưởng (phí hiệu quả đầu tư vượt mức tối thiểu…) và các phí giao dịch thông thường khác là khoản đáng kể đối với các nhà đầu tư. Con số này tương đương mức phí mà các công ty quản lý quỹ đầu tư, quản lý danh mục đầu tư đang thu của khách hàng. Vậy nhưng, hiện chưa có các tiêu chuẩn đối với các tài khoản mẫu (pro trader) và các tài liệu/thông tin về tài khoản mẫu không thể đầy đủ như tài liệu về quỹ đầu tư.

Thực tế, bất kỳ cá nhân nào cũng có thể đăng ký trở thành tài khoản mẫu cung cấp dịch vụ copy trade. Một tài khoản mẫu “hot” có thể có hàng nghìn nhà đầu tư đăng ký sao chép giao dịch, mà không cần người nhập lệnh và quản lý. Có những tài khoản mẫu thuộc về chính nhân viên tư vấn, thậm chí lãnh đạo của công ty chứng khoán.

Việc mua bán với hiệu ứng số đông như copy trade có thể ảnh hưởng lớn tới cung - cầu cổ phiếu trên thị trường. Theo đó, không ngoại trừ khả năng nhà đầu tư sao chép giao dịch trở thành “nạn nhân” của các chiêu trò “làm giá” cổ phiếu.

Tại nhiều thị trường chứng khoán trên thế giới, copy trade trở nên thông dụng trong thập kỷ qua khi có sức hấp dẫn lớn đối với các nhà đầu tư cá nhân, những người thiếu cả kiến thức và kinh nghiệm đầu tư. Đây là lý do khiến hoạt động copy trade cần đi kèm các tiêu chuẩn và phải được quản lý sát sao.

Ngày 30/3/2023, Cơ quan Giám sát thị trường và chứng khoán châu Âu (ESMA) đã công bố tài liệu cập nhật quy định về dịch vụ copy trade với các yêu cầu liên quan tới quản trị sản phẩm, tiêu chuẩn đối với tài khoản mẫu và tài khoản sao chép, tính thích hợp của sản phẩm với nhà đầu tư cá nhân…

Theo đó, các yêu cầu đối với đơn vị cung cấp dịch vụ copy trade, bao gồm các công ty chứng khoán, theo hướng gia tăng. Cụ thể, công ty cung cấp dịch vụ copy trade cần có bộ tiêu chuẩn đối với chất lượng tài khoản mẫu, đảm bảo yếu tố quản trị các xung đột lợi ích giữa công ty và khách hàng, minh bạch và rõ ràng, đầy đủ các chi phí khách hàng phải trả, cũng như cung cấp thông tin về các rủi ro. Công ty chứng khoán cần có sự sàng lọc với cả nhà đầu tư đăng ký sao chép giao dịch và có chính sách để đánh giá một cách đầy đủ các hoạt động sao chép giao dịch.

Tuy nhiên, tại thị trường Việt Nam, copy trade vẫn đang là dịch vụ tự phát, chưa được pháp luật quy định.

Trịnh Hằng

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,209.52 4.55 0.38% 154,884 tỷ
HNX 226.82 -0.75 -0.33% 1,394 tỷ
UPCOM 88.66 0.33 0.37% 435 tỷ