Container Việt Nam (VSC) hủy phát hành riêng lẻ, lên kế hoạch M&A một cảng biển

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Ngày 1/11, Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Container Việt Nam (mã VSC: HOSE) đã thông qua quyết nghị hủy phương án phát hành cổ phiếu riêng lẻ để tăng vốn điều lệ với giá 20.000 đồng/cổ phần.
Container Việt Nam (VSC) hủy phát hành riêng lẻ, lên kế hoạch M&A một cảng biển

Có thể thấy đây là quyết định mang tính đột phá, đề cao quyền lợi của cổ đông hiện hữu mà HĐQT cũng như Ban điều hành VSC nỗ lực thực hiện trong thời điểm này.

Theo kế hoạch đã được Đại hội đồng cổ đông VSC thông qua, Công ty dự kiến chào bán riêng lẻ 40 triệu cổ phiếu, nhằm chi ra 600 tỷ đồng để sở hữu 49% vốn điều lệ CTCP Vận tải biển Vinaship (mã VNA), đồng thời bổ sung vốn lưu động.

Theo HĐQT VSC, Công ty đã cân đối được nguồn vốn khác thay thế cho việc huy động vốn từ phương án phát hành cổ phiếu riêng lẻ, do đó, Hội đồng quản trị nhất trí thông qua việc hủy phương án phát hành cổ phiếu để tăng vốn điều lệ năm 2022 và sẽ trình Đại hội đồng cổ đông VSC.

VSC đặt kế hoạch M&A thêm cảng biển

VSC đặt kế hoạch M&A thêm cảng biển

Mở rộng hoạt động kinh doanh cốt lõi thông qua chuỗi giá trị logistic, cảng biển là một tham vọng lớn của VSC. Công ty đang lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản về việc thực hiện chương trình đầu tư để mua cổ phần chi phối tại 1 công ty trong lĩnh vực cảng biển. Công ty mục tiêu hoạt động trong lĩnh vực cảng biển có trụ sở tại Hải Phòng, chiều dài cầu cảng thích hợp để cập các tàu container có tải trọng trung bình đến lớn, có bãi chứa container rộng để phục vụ bốc xếp container, kiểm hóa, kiểm dịch. Tổng vốn đầu tư dự kiến cho thương vụ trên là 2.250 tỷ đồng .

Việc M&A thêm một cảng biển đang là ẩn số nhưng thông tin này rất đáng quan tâm nếu việc đầu tư mở rộng này nâng tầm được thêm về quy mô cũng như khả năng khai thác của VSC trong tương lai.

Bức tranh tài chính và hoạt động của VSC có những tiến triển tích cực trong suốt thời gian qua. Báo cáo tài chính hợp nhất của Công ty cho thấy, quý III/2022, Công ty đạt 507 tỷ đồng doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ, lợi nhuận sau thuế đạt 100 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng đầu năm, Công ty đạt 1.385 tỷ đồng doanh thu và 307,3 tỷ đồng lợi nhuận, tương đương cùng kỳ năm ngoái. Đây là số liệu tích cực trong bối cảnh môi trường kinh doanh trong và ngoài nước có nhiều biến động.

Tính đến cuối quý III, nợ phải trả của Công ty là 307 tỷ đồng, giảm mạnh so với đầu năm là 819 tỷ đồng. Trong đó, nợ ngắn hạn chiếm 275 tỷ đồng. Như vậy, Công ty duy trì đòn bẩy tài chính rất thấp với nợ vay/tổng tài sản chỉ 8,5%

Vốn chủ sở hữu của VSC đã tăng từ 2.447 tỷ đồng đầu năm nay lên 3.269 tỷ đồng tính đến cuối quý III. Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối lên tới 756 tỷ đồng.

Trong giai đoạn 2022-2024, VSC kỳ vọng sẽ duy trì đà tăng trưởng của kết quả kinh doanh cùng với xu hướng tích cực của sản lượng hàng hoá thông qua cảng và nhu cầu dịch vụ logistic tại Hải Phòng cùng các khoản đầu tư mới sẽ đóng góp vào lợi nhuận.

Trong đó, nguồn thu lớn nhất của VSC đến từ cảng VIP Green với vị trí nằm tại khu vực trung nguồn sông Cấm (Hải Phòng), công suất thiết kế lên đến 600.000 TEU/ năm.

Triển vọng của VIP Green đến từ việc nhiều khu công nghiệp lớn tại miền Bắc đi vào giai đoạn hoàn tất đầu tư hạ tầng và bắt đầu đón khách thuê trong năm 2022-2023. Cùng với xu hướng thúc đẩy đầu tư công, UBND Thành phố Hải Phòng đã đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng các cảng nội thành để phục vụ các dự án giao thông. Qua đó, các cảng trung nguồn sông Cấm trong đó có VIP Green sẽ hưởng lợi từ nguồn hàng container dịch chuyển từ khu vực thượng nguồn khi các cảng container khu vực trên chuyển sang phục vụ hàng rời – thay thế cho các cảng trong nội thành hiện nay. VIP Green sở hữu lợi thế về nguồn hàng từ cổ đông chiến lược Evergreen – hãng tàu có lưu lượng hàng hóa lớn tại khu vực Hải Phòng.

Từ năm 2023, VSC sẽ có thêm đóng góp lợi nhuận từ cảng VIMC Đình Vũ. Trong năm 2021, VSC đã hoàn tất mua lại 36% cổ phần tại cảng VIMC Đình Vũ (Vinalines Đình Vũ) và chính thức trở thành cổ đông lớn thứ 2 tại cảng này chỉ sau Vinalines.

Với công suất thiết kế khoảng 500.000 TEU/ năm và bắt đầu đi vào hoạt động từ nửa cuối năm 2022, cảng VMIC Đình Vũ đóng góp vào lợi nhuận của VSC từ năm 2023 và gia tăng đáng kể hiệu quả vận hành hệ thống cảng của VSC trong các năm tới.

Là một cảng container nằm về hạ nguồn sông Cấm, sát cửa biển với độ sâu luồng nước lớn, cảng VIMC Đình Vũ có nhiều lợi thế trong việc thu hút nguồn hàng khi phần lớn hãng tàu có xu hướng gia tăng dần trọng tải đội tàu. Việc sở hữu cổ phần liên kết tại một cảng hạ nguồn mang đến cho VSC khả năng chuyển tải khi các cảng chính không thể tiếp nhận tàu, qua đó gia tăng lợi thế cạnh tranh của nhóm cảng trong việc điều động tàu.

Các kế hoạch M&A được VSC thực hiện, theo đánh giá của giới phân tích tài chính, sẽ cải thiện đáng kể quy mô doanh nghiệp và dần hoàn thiện chuỗi giá trị mà Công ty hướng tới. VSC đang dần nâng tầm doanh nghiệp thành một trong những tập đoàn logistics hàng hải có quy mô lớn, qua đó mở ra tiềm năng tăng trưởng dồi dào trong trung, dài hạn.

Thủy Anh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục