CONINCO (CNN): Điều lệ cắt quyền tổng giám đốc

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thành viên Hội đồng quản trị, cựu Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tư vấn công nghệ, thiết bị và kiểm định xây dựng CONINCO (mã CNN) mới đây đã phát thông cáo “tố” Chủ tịch Công ty ra quyết định miễn nhiệm sai.
CONINCO (CNN): Điều lệ cắt quyền tổng giám đốc

Trong thông cáo gửi Hội đồng quản trị CONINCO ngày 4/8/2022, các cơ quan quản lý có thẩm quyền, Ban tổng giám đốc và các phòng ban, các cổ đông và đối tác của công ty, cựu Tổng giám đốc CONINCO cho biết, ngày 06/6/2022, ông nhận được Quyết định miễn nhiệm chức vụ Tổng giám đốc Công ty nhiệm kỳ 2017 - 2022 do Chủ tịch Nguyễn Văn Công ký.

Ông này cho rằng việc thôi giữ chức vụ Tổng giám đốc là do hết nhiệm kỳ và do ông Công đã bầu người khác vào chức vụ này, chứ không phải ông bị “miễn nhiệm”.

Dẫn quy định tại Luật Doanh nghiệp hiện hành và Điều lệ Công ty, Tổng giám đốc chỉ bị bãi nhiệm, miễn nhiệm khi có đơn xin thôi việc hoặc không còn đủ tiêu chuẩn và điều kiện đảm nhiệm chức vụ (gây ra sai phạm hoặc không hoàn thành công việc), cựu Tổng giám đốc CONINCO cho rằng, việc Chủ tịch Hội đồng quản trị Nguyễn Văn Công ra quyết định bãi miễn trái pháp luật đã làm ảnh hưởng đến danh dự, uy tín cá nhân mình nên phải ra “thông cáo” để ngăn chặn những hiểu nhầm và tiêu cực không đáng có.

Hàng loạt quy định trong Điều lệ Công ty có dấu hiệu mâu thuẫn Luật Doanh nghiệp

CONINCO có 19,7% cổ phần thuộc sở hữu Nhà nước. Đại diện quản lý phần vốn Nhà nước là Tổng công ty Tư vấn xây dựng Việt Nam – CTCP (VNCC), doanh nghiệp có 87% vốn do Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) quản lý.

Ông Nguyễn Xuân Hải, Phó tổng giám đốc VNCC là người đại diện cho 15% cổ phần Nhà nước, làm Ủy viên Hội đồng quản trị CONINCO và ông Nguyễn Văn Công đại diện cho 4,7% cổ phần còn lại, làm Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty.

Bên cạnh thông cáo của cựu Tổng giám đốc Coninco, Báo Đầu tư Chứng khoán còn nhận được phản ánh của nhiều cổ đông CONINCO cho biết, Điều lệ Công ty có nhiều điểm không tuân thủ Luật Doanh nghiệp.

Cụ thể, theo quy định tại Điều 162, Luật Doanh nghiệp 2020, tổng giám đốc là người điều hành các hoạt động kinh doanh hàng ngày của doanh nghiệp, nhưng Điều lệ của Công ty lại quy định “Chủ tịch Công ty là người đại diện theo pháp luật của Công ty, chỉ đạo điều hành và ủy quyền điều hành hoạt động của Công ty”.

Tổng giám đốc là người điều hành công việc kinh doanh hàng ngày của công ty, nhưng chức năng này đã bị điều lệ CONINCO cắt bỏ.

Điều 28, Điều lệ Công ty còn quy định, Chủ tịch Hội đồng quản trị là người có quyền quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm, bãi nhiệm, ký hợp đồng lao động, đối với các chức danh quản lý quan trọng trong Công ty, mà không cần đưa ra Hội đồng quản trị. Trong khi đó, theo khoản 2, điểm (i), Điều 153, Luật Doanh nghiệp 2020, Hội đồng quản trị mới là cơ quan được trao quyền này.

Điều 34, Điều lệ CONINCO quy định: “Tổng giám đốc quyết định các vấn đề liên quan đến hoạt động của Công ty trong phạm vi lĩnh vực được giao phụ trách, ủy quyền điều hành từ Chủ tịch Hội đồng quản trị theo quy chế và hợp đồng lao động bao gồm: triển khai nghị quyết của Hội đồng quản trị theo nhiệm vụ phân công; xây dựng kế hoạch, lập phương án sản xuất - kinh doanh và các lĩnh vực khác theo lĩnh vực được phân công; tuyển dụng, sử dụng, quản lý người lao động, quyết định mức lương và phụ cấp người lao động theo phạm vi được phân công phụ trách; ký các loại hợp đồng, giao dịch theo phân công nhiệm vụ và quy chế của Công ty. Các nhiệm vụ và quyền hạn khác theo phân công cụ thể tại hợp đồng lao động và quy chế quản lý của Công ty”.

Trong khi đó, Điều 162, Luật Doanh nghiệp quy định Tổng giám đốc có quyền và nghĩa vụ: “Quyết định các vấn đề liên quan đến công việc kinh doanh hằng ngày của công ty mà không thuộc thẩm quyền của Hội đồng quản trị; tổ chức thực hiện các nghị quyết, quyết định của Hội đồng quản trị; tổ chức thực hiện kế hoạch kinh doanh và phương án đầu tư của công ty; kiến nghị phương án cơ cấu tổ chức, quy chế quản lý nội bộ của công ty; bổ nhiệm, miễn nhiệm, bãi nhiệm các chức danh quản lý trong công ty, trừ các chức danh thuộc thẩm quyền của Hội đồng quản trị…”.

Theo Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Đoàn luật sư Thành phố Hà Nội, quản trị và điều hành là hai chức năng tách bạch trong công ty cổ phần.

Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty không phải là một cấp quản lý, mà chỉ điều phối hoạt động của Hội đồng quản trị, nên không có thẩm quyền bổ nhiệm hay tự quyết định những việc quan trọng, mà chỉ thay mặt Hội đồng quản trị ký các văn bản của Hội đồng quản trị hoặc văn bản mang tính chất hành chính, thủ tục liên quan đến việc tổ chức các hoạt động của Hội đồng quản trị.

Điều lệ của CONINCO quy định như trên “rất trái với quy định của Luật Doanh nghiệp và nguyên lý cơ bản của quản trị doanh nghiệp, có sự nhập nhèm, tiếm quyền”, luật sư Đức nhận xét.

Ông Đức phân tích, Luật quy định tổng giám đốc là người điều hành nhưng điều lệ CONINCO đã truất quyền của tổng giám đốc để trao cho người quản trị, vô hiệu hóa vai trò trung tâm của tổng giám đốc.

Cụ thể, Điều 162, Luật Doanh nghiệp quy định, tổng giám đốc có ít nhất 8 quyền và nghĩa vụ, cộng với quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của điều lệ công ty, trong khi Điều lệ CONINCO cắt đi một nửa, gồm những quyền, nghĩa vụ quan trọng nhất.

Tổng giám đốc là người điều hành công việc kinh doanh hàng ngày của công ty và quyết định các vấn đề liên quan đến công việc kinh doanh hàng ngày, nhưng chức năng này đã bị điều lệ CONINCO cắt bỏ thì tổng giám đốc không còn là tổng giám đốc, không còn vai trò của người điều hành.

Luật sư Đức cũng cho rằng “Điều lệ CONINCO trái với quy định tại điểm e, khoản 2, Điều 77 “Điều lệ của pháp nhân” của Bộ Luật Dân sự 2015. Theo đó, Luật quy định “Điều lệ của pháp nhân cần có cơ cấu tổ chức; thể thức cử, bầu, bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức, nhiệm vụ và quyền hạn của các chức danh của cơ quan điều hành và các cơ quan khác”, chứ không phải tất cả nằm trong quyền hạn của Chủ tịch Hội đồng quản trị như tại CONINCO.

Đáng lưu ý, tại điểm j, Điều 28 của Điều lệ CONINCO có ghi: “Chủ tịch Hội đồng quản trị được quyền quyết định tất cả các giao dịch hợp đồng mua bán, vay tài sản dưới 35% tổng giá trị tài sản của Công ty”. Theo đó, có gần 20% vốn của VNCC tại CONINCO (VNCC là doanh nghiệp nhà nước) đang nằm trong quyền định đoạt của Chủ tịch CONINCO.

Báo cáo tài chính tổng hợp đã được kiểm toán cho năm tài chính kết thúc vào ngày 31/12/2021 của CONINCO cho thấy, tổng giá trị tài sản của doanh nghiệp đến cuối kỳ đạt hơn 800 tỷ đồng. Như vậy, giá trị phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp thời điểm cuối năm 2021 là gần 160 tỷ đồng.

Theo ý kiến của một số cổ đông CONINCO, việc Chủ tịch Công ty có thể tự quyết định các giao dịch có giá trị đến 35% tổng tài sản của CONINCO, tương đương gần 300 tỷ đồng (lớn hơn cả phần tài sản Nhà nước trong Công ty) mà không cần thông qua bất cứ ai, tiềm ẩn rủi ro lạm quyền và ảnh hưởng tới quyền lợi của các cổ đông, trong đó có cổ đông Nhà nước.

Thành viên Hội đồng quản trị độc lập nhưng “không độc lập”

Theo Điều 24, Điều lệ Công ty CONINCO, Hội đồng quản trị cần có 5 thành viên, trong đó 1 thành viên không tham gia điều hành và 1 thành viên Hội đồng quản trị độc lập.

Trong báo cáo quản trị bán niên 2022 mà CONINCO gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội có báo cáo ông Nguyễn Xuân Hải là Ủy viên Hội đồng quản trị độc lập.

Tuy nhiên, ông Hải hiện đang là Phó tổng giám đốc VNCC và đại diện cho VNCC sở hữu 15% cổ phần Nhà nước tại CONINCO, nên không đáp ứng điều kiện thành viên độc lập theo quy định tại khoản 2, Điều 155, Luật Doanh nghiệp 2020.

Chủ tịch không đủ sức khỏe đại diện vốn?

Ông Nguyễn Văn Công nắm nhiều quyền như vậy, song theo phản ánh của cổ đông Coninco, hiện ông Công đang bị bệnh hiểm nghèo. Dẫn quy định tại khoản 2, Điều 46, Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp và khoản 4, Điều 46, Nghị định số 159/2020/NĐ-CP về quản lý người giữ chức danh, chức vụ và người đại diện phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, người quản lý phần vốn Nhà nước tại công ty cổ phần phải có đủ sức khỏe để thực hiện nhiệm vụ được giao, cổ đông Coninco cho rằng ông Công không đảm bảo sức khỏe để quản lý doanh nghiệp, thực hiện các nhiệm vụ được giao.

Được biết, khoản 4, Điều 49, Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp cũng quy định rõ, người đại diện quản lý vốn không được tiếp tục làm người đại diện khi không còn đáp ứng tiêu chuẩn của người đại diện.

Liên quan đến vấn đề trên, cổ đông Coninco cho rằng, khoản 1, Điều 48, Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp quy định trách nhiệm của đại diện quản lý phần vốn Nhà nước là phải báo cáo, xin ý kiến cơ quan đại diện chủ sở hữu trước khi tham gia ý kiến, biểu quyết và quyết định tại đại hội cổ đông, cuộc họp của hội đồng quản trị, hội đồng thành viên tại doanh nghiệp. Như vậy, ông Nguyễn Xuân Hải và ông Nguyễn Văn Công phải có trách nhiệm báo cáo VNCC trước khi tham gia ý kiến, biểu quyết và quyết định tại Đại hội cổ đông, cuộc họp của Hội đồng quản trị CONINCO.

“Không rõ VNCC có được hai ông Hải và Công báo cáo hay không, nhưng cổ đông không hiểu vì sao VNCC vẫn để ông Công là người đại diện quản lý phần vốn Nhà nước trong điều kiện sức khỏe như vậy và còn tiếp tục bầu ông này làm thành viên Hội đồng quản trị Công ty CONINCO tại Đại hội vừa qua, sau đó là bầu vào vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị?”, đơn phản ánh của cổ đông nêu vấn đề.

Phản ánh của cổ đông CONINCO và những vấn đề xảy ra ở doanh nghiệp này đã được Báo Đầu tư Chứng khoán gửi tới CONINCO, VNCC và SCIC để làm rõ, tiếp tục thông tin tới bạn đọc.

Anh Việt - Hải Lâm

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục