Ngành công nghiệp số mới nổi
An ninh mạng đang là ngành công nghiệp số có tốc độ tăng trưởng nhanh tại Việt Nam. Nếu như năm 2019, tổng doanh thu ngành an ninh mạng mới đạt 1.500 tỷ đồng, thì đến năm 2024, con số này đạt gần 7.200 tỷ đồng.
Việt Nam đã hình thành các doanh nghiệp có thương hiệu, uy tín và đủ sức cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài, như Công ty An ninh mạng
Viettel (Viettel Cyber Security - VCS) đã và đang đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường nước ngoài. VCS đang phục vụ hơn 200 khách hàng tại 15 quốc gia. Còn CTCP Công nghệ an ninh không gian mạng Việt Nam (VNCS) hợp tác với các đối tác quốc tế và cung cấp dịch vụ cho khách hàng tại Nhật Bản, Hàn Quốc và ASEAN...
Số liệu từ Công ty nghiên cứu thị trường Modor Intelligence cho thấy, quy mô thị trường an ninh mạng toàn cầu ước đạt hơn 203 tỷ USD vào năm 2024 và dự kiến đạt trên 350 tỷ USD vào năm 2029. Tại Việt Nam, thị trường dự kiến đạt tốc độ tăng trưởng hàng năm là 11,73%, giá trị thị trường đạt khoảng 511 triệu USD vào năm 2029.
Ông Ngô Tuấn Anh, CEO SafeGate đánh giá, với xu hướng tăng trưởng mạnh mẽ như hiện nay, an ninh mạng là thị trường hấp dẫn với quy mô lớn, dịch vụ đa dạng và luôn có cơ hội cho người chơi mới. Doanh nghiệp an ninh mạng Việt Nam có thế mạnh về nhân sự chuyên môn tốt, dịch vụ đa dạng, giá cả cạnh tranh.
Với năng lực ngày càng hoàn thiện và nhu cầu ngày càng gia tăng, các công ty an ninh mạng đang hướng tới thị trường quốc tế. Trong bối cảnh đó, việc Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua Công ước Hà Nội về tội phạm mạng không chỉ là một công cụ pháp lý toàn cầu mang tính đột phá, đánh dấu vị thế, vai trò quan trọng của Việt Nam, mà còn là một cơ hội lớn để ngành công nghiệp an ninh mạng của Việt Nam bước lên một nấc thang mới.
Mở thêm nhiều cánh cửa xuất khẩu
Công ước Hà Nội gồm 9 chương và 71 điều, là kết quả của gần 4 năm thương lượng liên tục (2021 – 2024) giữa các quốc gia thành viên, nhằm xây dựng một khung khổ pháp lý đa phương toàn diện để đấu tranh chống tội phạm mạng.
Các thành viên Liên hợp quốc nhất trí lựa chọn Hà Nội là nơi tổ chức lễ ký công ước trong năm 2025. Từ nay, địa danh Hà Nội sẽ gắn liền với một văn kiện pháp lý quốc tế quan trọng để giải quyết một trong những thách thức của thế kỷ XXI.
Ông Vũ Ngọc Sơn, Trưởng ban Nghiên cứu, tư vấn, phát triển công nghệ và Hợp tác quốc tế (Hiệp hội An ninh mạng quốc gia - NCA) đánh giá, Công ước Hà Nội được kỳ vọng sẽ mang lại rất nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp, các tổ chức về an ninh mạng tại Việt Nam. Việt Nam đang rất cố gắng phát triển ngành công nghiệp an ninh mạng và ghi dấu ấn thị trường quốc tế. Tuy nhiên, một trong những nguyên nhân mà các doanh nghiệp Việt Nam gặp khó khi đưa sản phẩm, dịch vụ ra nước ngoài là những vấn đề liên quan đến pháp lý tại các thị trường nước ngoài.
“Chúng tôi rất hy vọng, Công ước Hà Nội sẽ giúp khoảng cách pháp lý của quốc gia sẽ được kéo lại gần nhau hơn. Việt Nam sẽ tiếp cận được các tiêu chuẩn an ninh mạng mang tính quốc tế. Từ đó, các sản phẩm, dịch vụ Việt Nam có thể đáp ứng được các tiêu chuẩn, yêu cầu tại các quốc gia khác. Vì vậy, việc xuất khẩu sản phẩm, dịch vụ an ninh mạng của Việt Nam sẽ thuận lợi hơn rất nhiều”, ông Sơn chia sẻ.
Khi Công ước Hà Nội được ký kết ở Việt Nam, sẽ có nhiều doanh nghiệp, tổ chức quốc tế đến Việt Nam. Đây cũng là cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam giới thiệu các sản phẩm, dịch vụ của mình tới nhiều quốc gia khác, mở ra cơ hội để thâm nhập thị trường quốc tế.
Đại diện Viettel Cyber Security cho biết, việc mở rộng hoạt động tại châu Âu là một bước tiến chiến lược trong hành trình phát triển toàn cầu của Viettel Cyber Security, khẳng định vị thế của Viettel không chỉ là một tập đoàn viễn thông, mà còn là một doanh nghiệp công nghệ hàng đầu thế giới. Đây cũng là minh chứng cho năng lực của Việt Nam trong việc cung cấp các giải pháp an ninh mạng đẳng cấp quốc tế, sánh ngang các nhà cung cấp bảo mật hàng đầu thế giới.
Theo ông Mai Xuân Cường, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ an toàn thông tin VCS, mục tiêu của VCS là cung cấp các dịch vụ an ninh mạng mang tính chuyên gia toàn cầu, với chất lượng chuyên nghiệp; không để nước ngoài nhìn mình theo kiểu chỉ là gia công, làm thuê kiểu “outsource”. Người Việt Nam hoàn toàn có khả năng làm và cung cấp các dịch vụ an ninh mạng chất lượng, tốt nhất cho khách hàng toàn cầu.
Ông Đỗ Ngọc Duy Trác, CEO VinCSS kỳ vọng, Việt Nam sẽ sớm có các chính sách và chương trình hỗ trợ cụ thể để doanh nghiệp an ninh mạng Việt Nam vươn ra ngoài khu vực như cách Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản… đã và đang làm. Nếu có sự chuẩn bị nghiêm túc và chuyên nghiệp, cùng với sự hỗ trợ của nhà nước, thì doanh nghiệp an ninh mạng Việt Nam hoàn toàn có thể tự tin từng bước gây dựng uy tín và chinh phục thị trường quốc tế.
“Chúng tôi mong muốn mở rộng thị trường quốc tế không chỉ để phát triển kinh doanh, mà còn để học hỏi kinh nghiệm, làm tốt hơn và thu về nhiều ý tưởng mới để có thể quay về giải quyết những bài toán trong nước và đóng góp cho Việt Nam”, ông Trác chia sẻ.