Đầu năm 2016, việc Tổng công ty Vận tải Thủy (VIVASO) chi 32,5 tỷ đồng để nắm giữ 65% cổ phần trong Hãng phim truyện Việt Nam đã gây xôn xao dư luận. Nguyên nhân là vì hãng phim này đang quản lý sử dụng khoảng 5.000 m2 đất vàng sát Hồ Tây, 900 m2 tại đường Hoàng Hoa Thám (quận Ba Đình, Hà Nội) và một số khu đất khác ở Hà Nội, cũng như TP.HCM.
Tuy nhiên, Hãng phim truyện Việt Nam chỉ là một trong nhiều doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa có đất vàng. Đại gia về quỹ đất phải kể đến Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Hà Nội. Bản công bố thông tin vào thời điểm cổ phần hóa cho thấy, công ty này đang quản lý và sử dụng quỹ đất 560.000 m2 tại Hà Nội và nhiều tỉnh, thành khác.
Là một đơn vị trực thuộc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Hà Nội chủ yếu kinh doanh vận tải hành khách, hàng hoá bằng đường sắt. Trong bối cảnh vận tải đường sắt bị cạnh tranh mạnh mẽ, thiết bị máy móc lại cũ kỹ, những năm gần đây, Công ty đã phải đổi mới trong công tác điều hành sản xuất - kinh doanh để thu hút được khách.
Địa bàn Tổng công ty Đường sắt Việt Nam giao cho Công ty Vận tải đường sắt Hà Nội khá lớn, có nhiều đường nhánh ngoài tuyến chính, phía Nam từ Hà Nội đến ga Kim Liên (Đà Nẵng), phía Bắc có tuyến Hà Nội - Hải Phòng, Hà Nội - Đồng Đăng, Hà Nội - Lào Cai, Gia Lâm - Quán Triều, Yên Viên - Hạ Long. Tuyến đường sắt Thống Nhất chạy tàu khách địa phương có các khu đoạn Hà Nội - Vinh; Hà Nội - Đà Nẵng, Vinh - Đồng Hới, Đồng Hới - Huế và các đôi tàu khách Thống Nhất giữa Hà Nội - Sài Gòn.
Công ty hiện đang quản lý 594 toa xe khách khổ đường 1.000 mm và 8 toa xe khách khổ đường 1.435 mm, trong đó có 363 toa xe lắp điều hòa không khí khổ đường 1.000mm, hệ thống kho -bãi, hệ thống nhà xưởng...
Về đất đai, công ty này đang quản lý sử dụng 117 khu đất với tổng diện tích gần 560.000 m2 tại Hà Nội, Yên Bái, Thanh Hóa, Hải Phòng, Lào Cai, Huế, Quảng Bình, Nghệ An… để làm trụ sở, phân xưởng, nhà lưu trú, trạm khám chữa toa xe hàng, trạm đầu máy… của Công ty và các xí nghiệp thuộc Công ty, trong đó có nhiều khu đất ở vị trí đẹp ở trung tâm Hà Nội với diện tích rất lớn.
Chẳng hạn, Công ty có 667 m2 tại 130 Lê Duẩn, được sử dụng làm trụ sở của Xí nghiệp Vận dụng toa xe hàng. Tại số 2A Khâm Thiên (Hà Nội), Công ty quản lý và sử dụng 734 m2 đất, xây dựng thành nhiều ngôi nhà, có hàng chục mét mặt phố Khâm Thiên.
Tại cuộc họp Ban chỉ đạo Sắp xếp, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước của Hà Nội, Bộ Tài chính có ý kiến đồng ý để Công ty tiếp tục sử dụng theo quy hoạch đường sắt, nhưng phải chấm dứt việc cho thuê. Hiện Công ty Vận tải đường sắt Hà Nội đang cho Công ty TNHH Casa, Công ty cổ phần Phát triển vận tải Trandeco thuê một phần diện tích. Ngoài ra, còn cho cửa hàng kinh doanh bia hơi thuê.
Cũng trên phố Khâm Thiên, Xí nghiệp Đầu máy Hà Nội đang quản lý và sử dụng hơn 41.000 m2 làm trụ sở và nơi sản xuất kinh doanh. Còn tại 14 Nguyễn Khuyến (Hà Nội), Công ty đang sử dụng nhà lưu trú gồm 77 căn hộ, trong đó 10 căn hộ Công ty tiếp tục sử dụng, 6 căn chuyển trả cho Tổng công ty Đường sắt Việt Nam và 61 căn chuyển trả địa phương quản lý.
Xí nghiệp Vận dụng toa xe khách Hà Nội quản lý và sử dụng hơn 11.000 m2 tại số 1 Trần Quý Cáp (Hà Nội) theo hình thức giao đất, tuy nhiên khu đất này nằm trong quy hoạch phát triển đường sắt. Xí nghiệp Sửa chữa toa xe Hà Nội quản lý và sử dụng hơn 12.000 m2 tại số 122 Lê Duẩn (Hà Nội) làm trụ sở và nơi sản xuất kinh doanh theo hình thức giao đất.
Tại Yên Viên, Gia Lâm (Hà Nội), Công ty có cơ sở nhà đất với diện tích 2.119 m2 được sử dụng làm nhà lưu trú. Chi nhánh Bắc Giang của Công ty cũng có cơ sở đất tại số 16 Yên Viên, Gia Lâm, diện tích 1.723 m2, bao gồm 12 ngôi nhà được sử dụng làm nhà lưu trú, kho vật tư, nhà ở cán bộ công nhân viên.
Tại huyện Đông Anh (Hà Nội), Chi nhánh Đông Anh của Công ty đang quản lý sử dụng khu đất với diện tích khoảng 700 m2 làm trụ sở, nhà bảo vệ, gara.
Doanh nghiệp này còn quản lý và sử dụng nhiều diện tích đất tại các địa phương khác. Tuy nhiên, vấn đề khai thác khả năng sinh lời của đất đai còn phụ thuộc vào quy hoạch đường sắt. Các khu đất với diện tích lớn ở Lê Duẩn (12.000 m2), Khâm Thiên (41.000 m2)..., đều nằm trong đất dành cho đường sắt, được quy hoạch phát triển đường sắt.
Tuy nhiên, vẫn có một số khu đất ở trung tâm nằm ngoài đất dành cho đường sắt, chỉ có chung ranh giới với khu ga đường sắt như khu đất ở 2A Khâm Thiên, 130 Lê Duẩn...
Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com