Công ty tài chính vẫn “méo mặt”

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Mùa mua sắm năm nay trầm lắng hơn hẳn các năm trước, hoạt động của các công ty tài chính vì thế chưa thoát cảnh “đìu hiu”.
Đẩy mạnh tín dụng tiêu dùng không dễ trong bối cảnh nền kinh tế chưa hết khó khăn Đẩy mạnh tín dụng tiêu dùng không dễ trong bối cảnh nền kinh tế chưa hết khó khăn

Chưa hết chật vật

Năm nay, gia đình chị Nguyễn Phương Vy (Thủ Đức, TP.HCM) có nhu cầu đổi tủ lạnh, ti vi mới. Dù các cửa hàng điện máy có liên kết với một số công ty tài chính sẵn sàng cho chị vay trả góp với lãi suất 0%, nhưng chị vẫn phân vân. Nguyên nhân là thu nhập của vợ chồng chị từ đầu năm 2023 tới nay sụt giảm và dự báo chưa thể sớm cải thiện do đơn hàng của công ty anh chị làm vẫn chưa dồi dào, nếu đi vay để mua sắm thì áp lực trả nợ sẽ nặng nề.

Nhiều người lao động khác cũng có chung nỗi niềm với chị Vy, khó khăn tài chính khiến họ cân nhắc rất kỹ trong chi tiêu.

Tổng giám đốc một công ty tài chính tiêu dùng cho hay, trước bối cảnh thị trường hiện nay, muốn đẩy mạnh cho vay tiêu dùng cũng không dễ. Người dân chi tiêu tiết kiệm hơn, không tìm đến vốn tín dụng hỗ trợ mua sắm, tiêu dùng, kể cả dịp cuối năm. Phía đơn vị cung ứng vốn cũng phải thận trọng trong cho vay để kiểm soát nợ xấu.

Ông Lê Phương Hải, Phó tổng giám đốc VietCredit cũng cho hay, tín dụng tiêu dùng hiện có phân khúc sáng, có phân khúc sẽ yếu đi. Trong đó, phân khúc thẻ tín dụng, nhất là thẻ tín dụng nội địa sẽ tăng trưởng tốt. Phân khúc cho vay tiêu dùng mua thiết bị phục vụ nhà cửa, đời sống, mua xe máy, điện thoại sẽ khó tăng trưởng hơn.

Theo ông Hải, với các dự báo kinh tế dần hồi phục và các chính sách kích cầu tiêu dùng nội địa, các công ty tài chính có kế hoạch đẩy mạnh cho vay trong năm 2024, với mức tăng khoảng 30 - 40%. Nhưng đó là kế hoạch ước tính, còn năm nay, Ngân hàng Nhà nước chỉ cấp room tăng trưởng tín dụng theo các tiêu chí đã định ở mức 12%.

Báo cáo tài chính quý IV/2023 của VietCredit cho thấy, năm 2023, Công ty ghi nhận lợi nhuận trước thuế 25,7 tỷ đồng, giảm gần 66% so với năm trước đó. Đây cũng là kết quả tất yếu trong bối cảnh Công ty phải đối diện với những khó khăn chung của ngành. Theo thông tin từ Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA), tốc độ giải ngân cho vay tiêu dùng trong năm 2023 đạt thấp nhất trong vòng 5 năm qua. Tính đến cuối năm 2023, tổng tài sản của VietCredit ghi nhận 6.852 tỷ đồng, cho vay khách hàng đạt 4.184 tỷ đồng.

Đến thời điểm này, hai công ty tài chính lớn trong ngành (FE Credit, HD Saison) chưa công bố kết quả kinh doanh quý IV cũng như cả năm 2023. Số liệu cập nhất nhất tại HD Saison (báo cáo tài chính quý III/2023) cho thấy, dư nợ cho vay của Công ty tính đến cuối tháng 9/2023 giảm 12% so với đầu năm; tổng thu nhập hoạt động tăng 28,2%; lãi trước thuế giảm trên 60% so với cùng kỳ, xuống còn hơn 400 tỷ đồng.

Với FE Credit, trải qua giai đoạn đầu tái cơ cấu, các khoản lỗ giảm dần và quý III/2023 có lãi trở lại. Trước đó, công ty này báo lỗ gần 3.000 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2023. Tuy nhiên, các nhận định đưa ra, tăng trưởng dư nợ tài chính tiêu dùng của Công ty khó tăng cao.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký VNBA cho hay, tại Việt Nam, có 16 công ty tài chính được Ngân hàng Nhà nước cấp phép, song giá trị tích cực mà các công ty này hướng đến đang bị pha loãng bởi hàng trăm công ty tín dụng “đen”. Các công ty tài chính đang gặp nhiều khó khăn, do nợ xấu ngày càng tăng cao. Ngoài nguyên nhân kinh tế khó khăn, khách hàng suy giảm khả năng thanh toán thì còn có nguyên nhân “rất nguy hiểm” mà chưa có chế tài xử lý. Đó là khách hàng cố tình không trả nợ, “bùng nợ”.

Nỗ lực kích vốn, kiểm soát nợ xấu

Trước bối cảnh tăng trưởng dư nợ tiêu dùng chưa mấy cải thiện, các công ty tài chính nỗ lực kích cầu vốn. Chẳng hạn, FE Credit đẩy mạnh cho vay trả góp mua xe máy, đồ gia dụng (tủ lạnh, máy giặt), điện thoại, máy tính… với hạn mức lên đến 70 triệu đồng. Các khoản vay này có lãi suất 0%. Ngoài ra, từ nay đến 31/3/2024, khách hàng đăng ký vay trả góp của FE Credit để mua hàng tại FPT Shop trên toàn quốc được giảm 200.000 đồng trên hóa đơn.

Trong tháng 1/2024, Home Credit hợp tác với NextPay và Ngân Lượng (trực thuộc Tập đoàn NextTech) cung cấp dịch vụ mua trước, trả sau Home PayLater cho khách hàng tại Việt Nam, với mức thanh toán trả góp tối thiểu chỉ từ 50.000 đồng, hạn mức thanh toán đến 25 triệu đồng. Home Credit cùng NextTech đặt mục tiêu mở rộng mạng lưới điểm chấp nhận thanh toán mua trước trả sau Home PayLater lên 100.000 điểm mới trong năm 2024. Bên cạnh đó, Home Credit cũng đặt mục tiêu đưa Home PayLater trở thành một phương thức thanh toán mới tại hơn 200.000 website đang sử dụng dịch vụ cổng thanh toán của Ngân Lượng trong năm 2024.

Theo ông Phạm Ngọc Khang, Giám đốc Tài chính Home Credit Việt Nam, năm 2023, nền kinh tế toàn cầu và trong nước gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến thị trường tài chính tiêu dùng, vì đối tượng khách hàng chính là công nhân, nhân viên có thu nhập thấp.

Mới đây, Ngân hàng Nhà nước đã có Văn bản 9668/NHNN-CSTT gửi các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài về việc đẩy mạnh cho vay phục vụ đời sống, tiêu dùng. Văn bản nêu rõ, để tiếp tục triển khai chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện 766/CĐ-TTg ngày 24/8/2023 về việc tăng cường các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý hoạt động tín dụng đen, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện nhiều giải pháp, như chủ động cân đối nguồn vốn, đẩy mạnh các chương trình, sản phẩm tín dụng phù hợp với nhu cầu của từng nhóm đối tượng, phân khúc khách hàng, nhất là nhu cầu vay vốn phục vụ đời sống, tiêu dùng của người dân… Thế nhưng, trước bối cảnh thị trường khó khăn hiện nay, để kích cầu tín dụng tiêu dùng không dễ, kể cả công ty tài chính tiêu dùng.

Số liệu của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, tăng trưởng tín dụng tiêu dùng của các công ty tài chính giảm mạnh trong thời gian gần đây. Cụ thể, dư nợ tín dụng tiêu dùng của các công ty tài chính năm qua giảm khoảng 40% so cuối năm 2022. Tính đến cuối tháng 9/2023, tổng dư nợ cho vay của các công ty tài chính chỉ còn 134.000 tỷ đồng, trong khi nợ xấu phân khúc này tăng 10 - 15%. Tín dụng tiêu dùng tăng chậm, nhưng nợ xấu không dễ kiểm soát, đồng thời tình trạng “bùng nợ” không được xử lý khiến các công ty tài chính “chùn tay”.

Ông Marcin Figlus, Giám đốc Khối Quản trị rủi ro, Công ty Tài chính FE Credit cho hay, sau 2 năm chống chọi với đại dịch Covid-19, trên nguyên tắc linh hoạt và thích ứng để duy trì hoạt động kinh doanh hiệu quả, Công ty đặt nhiều kỳ vọng vào sự phục hồi của nền kinh tế và nhiều lĩnh vực như dịch vụ, bán lẻ…, từ đó kích cầu vay tiêu dùng và cải thiện hoạt động thu hồi nợ. Tuy nhiên, thực tế, nền kinh tế phục hồi chậm hơn kỳ vọng, trong khi lãi suất leo thang cuối năm 2022 và đầu năm 2023, ảnh hưởng đến đà tăng trưởng của FE Credit.

“FE Credit và các công ty tài chính tiêu dùng được Ngân hàng Nhà nước cấp phép đang đối mặt với vấn đề nan giải chung trong công tác thu hồi nợ. Với tỷ lệ khách hàng vay mà không trả gia tăng nhanh chóng, trong khi chế tài xử phạt chưa có và hoạt động khởi kiện gặp khó với các khoản vay giá trị thấp, các công ty tài chính tiêu dùng buộc phải trích lập dự phòng theo tình hình nợ xấu tăng cao”, ông Marcin nói thêm.

Vân Linh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục