Công ty tài chính kỳ vọng bớt khó

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sau một năm 2023 khó khăn, lợi nhuận suy giảm mạnh, thậm chí thua lỗ, hoạt động của các công ty tài chính kỳ vọng sẽ khởi sắc hơn trong năm 2024.
Hoạt động cho vay tiêu dùng có tương quan chặt chẽ với sức cầu tiêu dùng Hoạt động cho vay tiêu dùng có tương quan chặt chẽ với sức cầu tiêu dùng

2023, năm khó khăn của các công ty tài chính

Là công ty tài chính có thị phần lớn nhất thị trường, song FE Credit không còn là “gà đẻ trứng vàng” cho ngân hàng mẹ VPBank trong hai năm gần đây. Theo báo cáo mới nhất của MBS Research, năm 2023, FE Credit lỗ trước thuế 3.529 tỷ đồng, cao hơn 408 tỷ đồng so với mức lỗ của năm 2022.

Tương tự, Shinhan Finance vừa công bố tình hình tài chính năm 2023, với lỗ sau thuế hơn 462,7 tỷ đồng (trong khi năm 2022 lãi 312,2 tỷ đồng). Đây là khoản lỗ đầu tiên kể từ khi ra mắt thương hiệu Shinhan Finance tại thị trường Việt Nam vào năm 2019.

Tính đến cuối năm 2023, vốn chủ sở hữu của Shinhan Finance đạt gần 2.450 tỷ đồng, giảm hơn 462 tỷ đồng so với đầu năm 2023; tổng tài sản ước đạt 11.808 tỷ đồng, giảm 4,6% so với đầu năm. Ngoài ra, tỷ lệ an toàn vốn theo quy định của Shinhan Finance cũng giảm từ 26,16% hồi đầu năm xuống 21,41%.

Công ty Tài chính TNHH MTV Mirae Asset (Việt Nam) cũng công bố năm 2023 lỗ sau thuế 963 tỷ đồng, trong khi năm 2022 lãi 127 tỷ đồng.

Bên cạnh các công ty tài chính báo lỗ, nhiều công ty khác trong ngành ghi nhận kết quả kinh doanh năm 2023 lao dốc mạnh. Cụ thể, Công ty Tài chính TNHH MB Shinsei (Mcredit) chỉ đạt lợi nhuận 240 tỷ đồng trong năm qua, giảm đến 75% so với mức lãi 960 tỷ đồng của năm 2022. HD Saison lãi trước thuế 660 tỷ đồng trong năm 2023, giảm gần 42% so với kết quả năm 2022.

Trong khi đó, VietCredit chỉ đạt lợi nhuận sau thuế hơn 19,2 tỷ đồng trong năm qua, giảm gần 70% so với mức lãi hơn 63,3 tỷ đồng của năm 2022. Báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2023 của VietCredit thể hiện, thu nhập lãi thuần của Công ty có sự sụt giảm xuống còn 915,8 tỷ đồng. Theo Viet Credit, sự giảm sút này một phần đã được bù đắp thông qua thu nhập từ hoạt động xử lý nợ xấu, điều này cho thấy Công ty đã tập trung vào việc quản lý và giảm thiểu rủi ro tín dụng tích cực, một chiến lược có thể coi là phù hợp trong bối cảnh thị trường bất định.

Về cơ cấu tài sản, VietCredit ghi nhận sự tăng trưởng ổn định với tổng tài sản cuối 2023 đạt 6.849 tỷ đồng, tăng gần 5% so với năm 2022. Cho vay khách hàng cũng tăng khoảng 4,6%, đạt 4.621 tỷ đồng. Tuy nhiên, do tình hình tín dụng tăng trưởng chậm và cầu vốn tiêu dùng giảm nên Công ty VietCredit chỉ đạt 20,8% mục tiêu kế hoạch kinh doanh năm 2023.

Home Credit Việt Nam cũng không tránh khỏi vòng xoáy khó khăn của thị trường tài chính tiêu dùng, với việc ghi nhận lợi nhuận sau thuế năm 2023 giảm hơn 68% so với năm 2022, xuống còn hơn 375 tỷ đồng. Tính đến cuối năm 2023, vốn chủ sở hữu của Home Credit Việt Nam đạt 6.753 tỷ đồng, tăng 6% so với thời điểm đầu năm; chỉ tiêu an toàn vốn đạt 24,94%.

Theo PGS.TS. Nguyễn Hữu Huân, giảng viên Đại học Kinh tế TP.HCM, nguyên nhân các công ty tài chính thua lỗ hay giảm mạnh lợi nhuận chủ yếu do trích lập dự phòng rủi ro tín dụng, vì nợ xấu gia tăng. Các công ty tài chính chủ yếu cho vay tín chấp, khách hàng tập trung ở nhóm người lao động có thu nhập không ổn định. Thêm vào đó, kinh tế còn khó khăn nhất định, khả năng trả nợ cũng suy giảm. Cùng đó, hiện tượng rủ nhau “bùng nợ” từ một bộ phận khách hàng không chỉ làm tăng nợ xấu mà còn khiến các hoạt động giải ngân cho vay tiêu dùng phải quản trị rủi ro chặt chẽ hơn. Tỷ lệ khách hàng vay không trả nợ ngày càng cao, trong khi chế tài với khách vay chưa đầy đủ, việc khởi kiện lại rất khó với khoản nợ giá trị thấp…

Kỳ vọng cải thiện trong năm nay

Theo đánh giá của MBS Research, việc FE Credit ghi nhận lợi nhuận trước thuế dương trong 2 quý liên tiếp cuối năm 2023 và chất lượng tài sản có dấu hiệu tạo đáy cho thấy áp lực trích lập trong những quý tiếp theo sẽ giảm dần. Ngoài ra, đà giảm của tăng trưởng dư nợ bắt đầu chậm lại và tạo đáy trong quý III/2023 cũng làm gia tăng kỳ vọng FE Credit có thể lấy lại đà tăng trưởng dương trong năm 2024. Vì thế, MBS Research dự báo tăng trưởng dư nợ của FE Credit có thể đạt 16,1% trong năm 2024.

Năm nay, VPBank đặt mục tiêu lợi nhuận hợp nhất trước thuế tăng 114% so với năm 2023, tương đương 23.165 tỷ đồng. Trong đó, riêng ngân hàng mẹ dự kiến đóng góp 20.709 tỷ đồng, Công ty Chứng khoán VPBankS góp 1.902 tỷ đồng và Công ty Bảo hiểm OPES đóng góp 873 tỷ đồng. Công ty tài chính tiêu dùng FE Credit cũng được kỳ vọng có sự trở lại mạnh mẽ sau hai năm liền thua lỗ, với mức lợi nhuận hợp nhất trước thuế dự kiến là 1.200 tỷ đồng trong năm 2024.

VietCredit vừa công bố báo cáo tài chính quý I/2024 với lợi nhuận dương, phản ánh sự bình ổn trở lại của hoạt động tài chính cũng như tiềm năng tăng trưởng dài hạn. Theo đó, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ quý I/2024 của VietCredit đạt 64,3 tỷ đồng, tăng 26,4% so với cùng kỳ năm trước. Tổng tài sản của Công ty tính đến cuối tháng 3/2024 ghi nhận 6.317 tỷ đồng; trong đó, cho vay khách hàng đạt 4.151 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế đạt 8,8 tỷ đồng, dù chỉ tương đương 16,3% cùng kỳ năm trước, nhưng đây là quý thứ hai liên tiếp công ty này ghi nhận lợi nhuận dương sau chuỗi báo lỗ trước đó.

Lãnh đạo VietCredit cho biết, trong thời gian tới, Công ty tiếp tục theo đuổi các biện pháp quản trị rủi ro thông minh và kiểm soát chi phí một cách chặt chẽ. Đồng thời, Công ty sẽ tập trung phát triển khách hàng mục tiêu và đẩy mạnh bán mới các sản phẩm trọng tâm có sự cân bằng tốt nhất giữa các yếu tố: biên lợi nhuận - tỷ lệ phê duyệt - hiệu suất bán hàng của đội ngũ bán hàng - cạnh tranh với các đối thủ - phù hợp với các yếu tố vĩ mô. Trong năm 2024, VietCredit đặt mục tiêu dư nợ cấp tín dụng đạt 5.183 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 51 tỷ đồng, lần lượt tăng trưởng 12,2% và 131,5% so với năm trước.

Đại hội cổ đông thường niên 2024 của Công ty Tài chính EVNFinance đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm nay với lợi nhuận trước thuế đạt 585 tỷ đồng, tăng 43% so với kết quả năm ngoái.

Tuy đã lạc quan hơn về bối cảnh thị trường cho vay tiêu dùng, song Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho rằng, các tổ chức tín dụng sẽ không đẩy mạnh cho vay nhỏ lẻ bằng mọi giá, mà vẫn thận trọng trước xu hướng nợ khó đòi có thể tiếp tục tăng nhanh, hành lang pháp lý cho thu hồi, xử lý nợ vẫn còn nhiều trở ngại. Bên cạnh chính sách thúc đẩy giải ngân tín dụng, các chuyên gia kỳ vọng công tác thu hồi nợ sẽ sớm thuận lợi hơn cho các ngân hàng, công ty tài chính khi dữ liệu có thể sớm được liên kết trực tiếp dữ liệu Bộ Công an.

Hồi cuối năm 2023, Ngân hàng Nhà nước đã có Văn bản 9668/NHNN-CSTT gửi các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài về việc đẩy mạnh cho vay phục vụ đời sống, tiêu dùng. Phó thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cũng có yêu cầu đối với các ngân hàng cần đẩy mạnh cho vay tiêu dùng trong năm nay để kích cầu tiêu dùng, sức mua, từ đó đầu ra sản phẩm của doanh nghiệp được khơi thông thì cầu vốn của khách hàng tăng trở lại..., thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, song phải kiểm soát được rủi ro. Hiện đã có hai ngân hàng là HDBank và VPBank tham gia gói cho vay tiêu dùng 20.000 tỷ đồng, qua hai công ty tài chính trực thuộc của các ngân hàng này lần lượt là HD Saison và FE Credit. Tính đến cuối năm 2023, hai ngân hàng này đã giải ngân được khoảng 50% gói vốn.

Thùy Vinh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục