Tính chuyện lập quỹ mới
Công ty Quản lý quỹ Việt Nam (VFM) vừa nộp hồ sơ lên Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) xin phép phát hành chứng chỉ quỹ ra công chúng để thành lập quỹ đầu tư chỉ số (ETF), hy vọng đây sẽ là ETF “made-in-Vietnam” đầu tiên trên TTCK Việt Nam.
Chia sẻ thông tin này tại Hội nghị đầu tư Vietnam Access Day 2014 do Viet Capital tổ chức, đang diễn ra tại TP. HCM (từ 18 - 21/3), bà Lương Thị Mỹ Hạnh, Phó tổng giám đốc VFM nói: “Nếu không có gì trở ngại, VFM sẽ chào bán chứng chỉ quỹ lần đầu ra công chúng để thành lập quỹ ETF và niêm yết trên Sở GDCK TP. HCM ngay trong quý II/2014”.
VFM đã chuẩn bị cho việc thành lập quỹ này từ 2 năm trước và đây là thời điểm thích hợp để ra mắt, vì ETF đang là chủ đề nóng, được nhiều nhà đầu tư quan tâm. Quỹ ETF sẽ mô phỏng theo chỉ số VN30, với 95% danh mục là các cổ phiếu thuộc rổ VN30.
Bà Hạnh tin rằng, quỹ sẽ hấp dẫn nhà đầu tư, với các ưu điểm: nhà đầu tư có thể giao dịch trên sàn hoặc đến trực tiếp công ty quản lý quỹ để đăng ký hoặc bán lại. Đây cũng chính là đặc trưng của ETF - vừa là quỹ mở, vừa là quỹ đóng. Hơn nữa, tính minh bạch của quỹ rất cao, vì nhà đầu tư có thể kiểm tra giá trị tài sản ròng (NAV) của quỹ bất cứ lúc nào và cập nhật danh mục của quỹ hàng ngày. Đặc biệt, nhà đầu tư nước ngoài không bị giới hạn về tỷ lệ sở hữu.
Cùng tham gia diễn đàn thảo luận về các sản phẩm mới cho nhà đầu tư nhỏ lẻ, còn có các công ty quản lý quỹ như VinaCapital, Vietcombank Fund Management (VCBF), Eastspring Investments, VAM Vietnam Fund Management và Viet Capital Asset Management.
VCBF là liên doanh giữa Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) và Franklin Templeton Investments (FTI) có trụ sở tại Mỹ. Ông Avinash Satwalekar, Tổng giám đốc kiêm Giám đốc Đầu tư VCBF, đồng thời là đại diện FTI tại Việt Nam cho biết: “FTI đã đầu tư vào Việt Nam từ 15 năm nay. Do số lượng nhà đầu tư đang tăng lên nên chúng tôi tính mở thêm một vài quỹ mới”.
Chia sẻ về việc thành lập quỹ ETF, bà Nguyễn Hoài Thu, Tổng giám đốc VAM nói: “Chúng tôi có một kinh nghiệm khá thú vị, đó là các nhà đầu tư Nhật Bản khi đầu tư vào thị trường Việt Nam thường chọn cách đầu tư thụ động, tức thông qua các quỹ, thay vì mua cổ phiếu trực tiếp trên thị trường. ETF sẽ rất phù hợp với họ”.
Tuy nhiên, bà Thu cho biết, mục tiêu của VAM trong năm 2014 là thành lập 2 quỹ mở mới đầu tư vào Việt Nam, một quỹ nhắm đến nhà đầu tư châu Âu với quy mô 50 triệu euro và một quỹ nội địa với quy mô ban đầu là 50 tỷ đồng. Dự kiến, VAM sẽ hoàn thành các bước chuẩn bị trong quý II/2014 và các quỹ mới có thể đi vào hoạt động từ quý III/2014.
Trong khi đó, ông Phạm Gia Tuấn, Tổng giám đốc Viet Capital Asset Management cho hay, trong tháng 4 tới, Công ty sẽ ra mắt một quỹ mở, nhắm đến các nhà tư nhỏ lẻ trong nước và một số ít nhà đầu tư tổ chức. Công ty đang thăm dò mức độ quan tâm của nhà đầu tư nên chưa thể công bố quy mô cụ thể của quỹ.
Hiện Viet Capital Asset Management đang quản lý hai quỹ đầu tư, trong đó một quỹ chuyên đầu tư vào lĩnh vực y tế có quy mô 500 tỷ đồng và quỹ còn lại đầu tư vào lĩnh vực giáo dục có quy mô 200 tỷ đồng.
… và kế hoạch hành động
Ông Andy Ho, Giám đốc điều hành VinaCapital đặt vấn đề: “Có nên nghĩ đến việc thành lập một quỹ dạng đầu tư chung (mutual fund) hay dạng mở với danh mục chỉ có một vài cổ phiếu yêu thích như Vinamilk, Kinh Đô…, qua đó giúp các nhà đầu tư nước ngoài có thể tiếp cận với các cổ phiếu đã hết room này?”.
Ông Avinash cho rằng, nếu thành lập mutual fund để làm việc đó thì không thể, vì luật không cho phép mutual fund sở hữu chỉ có 5 cổ phiếu. Trong khi đó, đại diện các quỹ tranh luận về việc nhà đầu tư nước ngoài nắm trên 49% chứng chỉ quỹ của một quỹ đầu tư, thì quỹ đó sẽ được coi như quỹ nước ngoài, khi đó sẽ không thể đầu tư vào những cổ phiếu đã hết “room”.
Về vấn đề này, bà Hạnh nói: “Thông tư 183 (hướng dẫn về việc thành lập quỹ mở) không quy định cụ thể trường hợp nhà đầu tư nước ngoài sở hữu vượt quá 49% một quỹ mở thì quỹ đó có được xem là quỹ nước ngoài hay không, nhưng theo tôi biết, một nửa trong số 10 quỹ mở trong nước hiện nay có tỷ lệ này vượt 49%. Thực tế, cơ quan quản lý không thể giám sát được tỷ lệ này, vì chúng không giao dịch qua sàn”.
Tuy nhiên, bà Hạnh cho biết, quy định về tỷ lệ sở hữu đối với ETF rất rõ ràng, cho phép nhà đầu tư nước ngoài được nắm đến 100% chứng chỉ quỹ.
Đề cập đến các loại hình quỹ mới khác như quỹ hưu trí (pension fund), quỹ bất động sản (REIT)…, một số nhà quản lý quỹ cho hay, họ đang “lobby” cơ quan chức năng ban hành các quy định cụ thể, cũng như cho phép thành lập các loại quỹ này. Thậm chí, họ còn “nói nhỏ” là tất cả cùng lên tiếng sẽ hiệu quả hơn, thay vì mạnh ai nấy làm, đồng thời thông qua Câu lạc bộ Quản lý quỹ Việt Nam kiến nghị cơ quan chức năng có chính sách ưu đãi thuế thu nhập cho cá nhân và tổ chức đầu tư vào các loại quỹ mới.
Ngoài các vấn đề về khung pháp lý và chính sách, các nhà quản lý quỹ còn bàn đến chuyện làm sao để các sản phẩm mới có thể tiếp cận các nhà đầu tư.
Bà Thu chia sẻ: “Kinh nghiệm trước đây của VAM khi làm chung với đối tác Hong Leong Group huy động vốn tại Malaysia để thành lập quỹ đầu tư vào Việt Nam, phía Hong Leong đã sử dụng kênh phân phối là mạng lưới của ngân hàng mình và của cả ngân hàng đối tác như Maybank để đưa sản phẩm quỹ đến với đông đảo nhà đầu tư”.
Tuy nhiên, bà Thu cho rằng, nếu làm theo cách này ở Việt Nam thì cũng khó, vì thu nhập có được từ chênh lệch lãi suất động huy động và cho vay của các ngân hàng Việt Nam hiện nay khá cao, nên họ không có động cơ để bán thêm sản phẩm cho các công ty quản lý quỹ. “Nhưng tôi nghĩ, trong tương lai, các ngân hàng sẽ đưa thêm sản phẩm này vào kênh phân phối của mình”, bà Thu nói.
Ông Avinash thì cho rằng, vấn đề quan trọng còn nằm ở chỗ, các nhà đầu tư nhỏ lẻ chưa biết nhiều về những sản phẩm mới, trong khi nhân viên ngân hàng không đủ kiến thức để giúp nhà đầu tư hiểu và mua sản phẩm. Theo ông Avinash, yếu tố quan trọng đầu tiên để có thể thành công khi thực hiện một đợt chào bán chứng chỉ quỹ, nhất là các loại quỹ mới, là phải giúp nhà đầu tư hiểu về sản phẩm.
Các nhà quản lý quỹ cũng chia sẻ cách thuyết phục nhà đầu tư là phải cho họ thấy được tính hấp dẫn của sản phẩm, những ưu điểm so với các sản phẩm khác, cụ thể suất sinh lợi có thể “cam kết” ở mức nào, phí quản lý cao hay thấp…
Liên quan đến vấn đề đưa sản phẩm quỹ đến với nhà đầu tư, bà Thu chia sẻ thêm, phân phối qua mạng cũng là một kênh hiệu quả mà nhiều nước đã làm. “UBCK hay Sở GDCK nên lập một website riêng, trên đó liệt kê danh sách tất cả các sản phẩm quỹ để nhà đầu tư có thể vào lựa chọn và đăng ký mua. Ở nước ngoài, người ta đã làm việc này và có thể nói, nếu bây giờ mình làm thì cũng đã chậm hơn họ 10 năm, nhưng thà chậm còn hơn không làm”, bà Thu nhấn mạnh.
Mặc dù có nhiều triển vọng với các sản phẩm quỹ mới, nhưng các nhà quản lý quỹ tại sự kiện Vietnam Access Day 2014 đều nhận định, để nhà đầu tư hiểu và chấp nhận một sản phẩm mới, vẫn cần có thêm thời gian.