Công ty Nhật Cường “ngồi không” cũng “hốt bạc”

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Không có năng lực nhưng nhờ vào sự “ưu ái” của cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội, Công ty Nhật Cường trúng gói thầu số hóa tài liệu, hồ sơ đăng ký doanh nghiệp, hốt bạc 19 tỷ đồng mà không hề “nhúng tay” vào công việc.
Ảnh Internet Ảnh Internet

“Thổi phồng” năng lực kinh nghiệm

Công ty TNHH Nhật Cường được thành lập năm 2001 với vốn điều lệ 600 triệu đồng, chuyên kinh doanh mua bán điện thoại, linh kiện... Năm 2019, Công ty thay đổi đăng ký kinh doanh lần thứ thứ 28, vốn điều lệ tăng lên 38 tỷ đồng. Toàn bộ vốn do Bùi Quang Huy (giữ chức Giám đốc, hiện đang bỏ trốn) sở hữu.

Bùi Quang Huy là Tổng giám đốc và đại diện pháp luật Công ty Nhật Cường.

Trong phiên tòa xét xử diễn ra hồi tháng 5/2021, một số nhân viên của Công ty Nhật Cường thừa nhận, từ năm 2014 - 2019, Công ty Nhật Cường đã nhập lậu hàng hóa nước ngoài, thu lời bất chính 222 tỷ đồng. Đây là “mảng tối” giúp Công ty Nhật Cường ngày càng "bành trướng" trên thị trường.

Theo kết luận điều tra, năm 2015, khi Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hà Nội triển khai dự án số hóa tài liệu, hồ sơ đăng ký doanh nghiệp, Bùi Quang Huy có 2 lần gửi email cho ông Nguyễn Đức Chung để “tác động” dừng thầu nhằm mục đích chuẩn bị hồ sơ, đưa liên danh Công ty Nhật Cường – Đông Kinh tham gia.

Năm 2018, liên danh này trúng thầu và ký hợp đồng với Sở Kế hoạch và Đầu tư thực hiện dự án.

Lời khai của ông Trần Ngọc Ánh, Phó tổng giám đốc Công ty Nhật Cường thể hiện, Công ty chuyên về mua bán điện thoại, không có năng lực về số hóa. Ông Ánh là người ký hợp đồng với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Công ty Đông Kinh nhưng không tham gia việc dự thầu, thực hiện hợp đồng, không biết việc triển khai gói thầu.

Còn ông Võ Minh Hiếu (cựu Giám đốc Công ty Nhật Cường SoftWare) khai nhận được Huy giao soạn thảo email để gửi cho ông Nguyễn Đức Chung. Nội dung email có “gợi ý” ông Chung lấy lý do phải đưa công nghệ mới vào gói thầu để dừng việc đấu thầu. Điều này còn tạo lợi thế cho Công ty Nhật Cường vì công ty là đơn vị độc quyền phân phối công nghệ mới tại Việt Nam.

Ông Hiếu thừa nhận Nhật Cường Software không có năng lực, chuyên môn số hóa.

Do không có năng lực nên trong hồ sơ dự thầu, Công ty Nhật Cường đã “cài thêm” hợp đồng cung cấp và triển khai phần mềm ERP với Công ty Minh Hoa (do bà Nguyễn Thị Trúc Chi Hoa, vợ ông Nguyễn Đức Chung làm Giám đốc). Phần mềm ERP áp dụng công nghệ số hóa, bóc tách thông tin tự động của hãng ABYY.

Ông Hiếu khai nhận, đây là hợp đồng khống làm hồ sơ kinh nghiệm để xét thầu. Thực tế, Bùi Quang Huy chỉ đạo ông Hiếu “cài miễn phí” phần mềm tặng cho Công ty Minh Hoa.

Ông Nguyễn Đức Chung khai gì?

Kết quả hỏi cung bị can, ông Nguyễn Đức Chung khai nhận có gọi điện cho ông Nguyễn Văn Tứ (cựu Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội) để chỉ đạo đình chỉ thầu. Việc này không được họp bàn thông qua UBND TP. Hà Nội. Lý do đình chỉ là vì Sở Kế hoạch và Đầu tư không thực hiện đúng quy định và chỉ đạo của UBND TP Hà Nội.

Ông Chung khai nhận thân quen với Bùi Quang Huy từ năm 2005 - 2006, khi ông còn làm ở Phòng Cảnh sát Hình sự Công an TP Hà Nội.

Ông Chung thừa nhận không kiểm tra nội dung email gửi đến do không có thời gian. Đồng thời phủ nhận việc chỉ đạo đình chỉ theo theo đề nghị của Bùi Quang Huy. Sau khi cơ quan điều tra khởi tố vụ án, ông Chung khai nhận mới biết việc hợp đồng kinh tế giữa Công ty Minh Hoa và Công ty Nhật Cường.

Bị can Nguyễn Văn Tứ khai nhận, có biết việc Công ty Nhật Cường là đối tác tin cậy, có quan hệ mật thiết với UBND TP Hà Nội nên gạt Công ty FSI (đơn vị trúng thầu năm 2015). Mặc dù biết Công ty Nhật Cường không đạt yêu cầu nhưng ông Tứ chỉ đạo cấp dưới cập nhật công nghệ vào hồ sơ mời thầu sửa đổi để tạo lợi thế cho Liên danh Nhật Cường - Đông Kinh trúng thầu.

Hồ sơ vụ án thể hiện, Công ty Nhật Cường và Công ty Đông Kinh không có năng lực kinh nghiệm. Sau khi trúng thầu, ông chủ Nhật Cường lập tức chuyển nhượng hợp đồng cho Công ty Đông Kinh thực hiện dự án. Mặc dù “ngồi không” nhưng ông chủ Nhật Cường “hốt bạc” 19,8 tỷ đồng.

Về phía Công ty Đông Kinh có hành vi thông thầu, rút phần công việc hiệu đính dẫn đến chỉ có 45% tài liệu hồ sơ được đẩy lên Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp; còn nhà nước thiệt hại hơn 26,5 tỷ đồng.

Đỗ Mến

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục