Công ty nhà nước: Yếu kém sẽ lộ tẩy?

(ĐTCK-online) Tất cả các công ty nhà nước độc lập (trừ DN hoạt động trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán), tổng công ty nhà nước (TCT), tập đoàn kinh tế, công ty thành viên hạch toán độc lập thuộc TCT, công ty TNHH một thành viên do Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ, CTCP, công ty TNHH có vốn góp chi phối của Nhà nước sẽ phải giám sát và đánh giá hiệu quả hoạt động theo quy định mới, thay vì quy định tại Thông tư 42/2004/TT-BTC.
Hàng năm, chủ sở hữu thực hiện phân tích, đánh giá toàn diện hoạt động kinh doanh của DN. Hàng năm, chủ sở hữu thực hiện phân tích, đánh giá toàn diện hoạt động kinh doanh của DN.

Theo quy định mới, chậm nhất 60 ngày kể từ ngày kết thúc quý, bộ quản lý ngành, UBND cấp tỉnh phải tổng hợp tình hình hoạt động sản xuất - kinh doanh hàng quý của DN trực thuộc và gửi báo cáo về Bộ Tài chính (BTC). Hàng năm, DN căn cứ vào hệ thống chỉ tiêu đánh giá hiệu quả vừa được BTC ban hành tại Thông tư 115/2007/TT-BTC để tự đánh giá, xếp loại DN mình, kết quả quản lý của HĐQT, điều hành của ban giám đốc và gửi đánh giá về bộ quản lý ngành, UBND cấp tỉnh và BTC. Trước ngày 30/6 năm sau, bộ quản lý ngành, UBND cấp tỉnh, HĐQT các TCT phải gửi báo cáo tổng hợp kết quả xếp loại DN hàng năm về BTC để tổng hợp và báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Kết quả đánh giá, xếp loại DN sẽ được công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng và trên website của các đơn vị.

Nhằm giám sát thực trạng hoạt động của DNNN, BTC yêu cầu, hàng năm, chủ sở hữu thực hiện phân tích, đánh giá toàn diện hoạt động kinh doanh của DN. Trong đó, tập trung chủ yếu vào đánh giá tình hình tài chính và khả năng thanh toán nợ như: hệ số nợ phải trả trên vốn nhà nước, khả năng thanh toán nợ đến hạn, nợ quá hạn phải trả, nguyên nhân và giải pháp khắc phục; tài sản tồn đọng và việc xử lý tài sản tồn đọng; nợ phải thu, nợ phải thu khó đòi và nợ không có khả năng thu hồi… 

Theo Quy chế giám sát và đánh giá hoạt động của DNNN (ban hành kèm theo Quyết định 224/2006/QĐ-TTg) thì DN hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh, dịch vụ (trừ ngành dầu khí, than, điện và xi măng) nếu có doanh thu và thu nhập khác tăng từ 5% trở lên được xếp loại A, tăng/giảm dưới 5% xếp loại B và giảm từ 5% trở lên xếp loại C. Đối với ngành công nghiệp chế biến, sản xuất và phân phối điện, khí đốt, vận tải kho bãi, thông tin liên lạc… có doanh thu và thu nhập khác tăng từ 7% trở lên xếp loại A; tăng dưới 7%, giảm dưới 3% xếp loại B; giảm từ 3% trở lên xếp loại C. Đối với DN hoạt động sản xuất - kinh doanh có lãi, nếu tỷ suất lợi nhuận thực hiện/vốn nhà nước tăng hơn so với năm trước được xếp loại A; tỷ suất lợi nhuận thực hiện/vốn nhà nước bằng hoặc thấp hơn năm trước được xếp loại B; tất cả các doanh nghiệp bị lỗ đều phải xếp loại C trừ những DN có lỗ theo kế hoạch. DN được xếp loại A phải bảo đảm không có chỉ tiêu xếp loại C, trong đó lợi nhuận thực hiện và tỷ suất lợi nhuận/vốn nhà nước (chỉ tiêu 2) và việc chấp hành các quy định của Nhà nước (chỉ tiêu 4) phải được xếp loại A. DN xếp loại C là DN có chỉ tiêu 2 hoặc có 3 chỉ tiêu xếp loại C. TCT, tập đoàn kinh tế chỉ được xếp loại A khi các DN thành viên được xếp loại A chiếm hơn 50% doanh thu của toàn TCT, tập đoàn và kết quả kinh doanh của toàn TCT, tập đoàn phải có lãi.

Mới đây, BTC báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc xếp loại DNNN 2005. Cụ thể, năm 2005 có 44% DN (trong đó có 281 CTCP) được xếp loại A; 40% DN (trong đó có 155 CTCP) xếp loại B và chỉ có 16% DN bị xếp loại C; 61% TCT xếp loại A, 33% TCT xếp loại B và chỉ có 6% TCT xếp loại C.

Theo kết quả này, hoạt động sản xuất - kinh doanh của DNNN ở trên có vẻ khá sáng sủa, tuy nhiên, theo kết quả kiểm toán năm 2005 vừa được Kiểm toán Nhà nước (KTNN) công bố thì bức tranh trên còn khá nhiều mảng tối. Trả lời ĐTCK về sự khác nhau giữa báo cáo của BTC và báo cáo của KTNN, ông Vương Đình Huệ, Tổng KTNN giải thích, KTNN thực hiện kiểm toán các TCT theo hình thức chọn mẫu, tại TCT lại chọn mẫu một số DN thành viên và tiến hành kiểm toán trực tiếp, trong khi báo cáo của cơ quan quản lý nhà nước lại “tổng hợp” toàn bộ hoạt động của TCT. “Nếu đánh giá hoạt động của toàn TCT, tập đoàn trên cơ sở báo cáo hợp nhất thì độ chính xác không cao, bởi trong một TCT, tập đoàn có đơn vị lỗ, đơn vị lãi”, ông Huệ cho biết.

Theo ông Lê Huy Trọng, Vụ trưởng Vụ Quan hệ quốc tế (KTNN), kết quả kiểm toán hàng chục TCT, tập đoàn kinh tế nhà nước của KTNN cho thấy, vẫn còn khá nhiều DN hoạt động sản xuất - kinh doanh kém hiệu quả; tình trạng hạch toán sai lệch giá trị tài sản, công nợ, vốn kinh doanh, doanh thu, chi phí, kết quả kinh doanh còn diễn ra khá phổ biến; không ít TCT báo cáo với cơ quan quản lý nhà nước là lãi, nhưng khi kiểm toán thì cho kết quả ngược lại. “Tình trạng tài sản cố định sử dụng không hết công suất, công nợ dây dưa tồn đọng lớn đang là gánh nặng trong hoạt động của nhiều DN, hậu quả là giá thành sản phẩm của DNNN cao, sức cạnh tranh thấp. Cơ chế quản lý DNNN còn bất cập, sự gắn kết giữa TCT với đơn vị thành viên chủ yếu vẫn theo lối hành chính; chế độ phân phối lợi nhuận, cơ chế quản lý chi phí, giá thành, tiền lương… chưa phù hợp, chưa tạo ra tính chủ động trong sản xuất - kinh doanh của DN”, ông Trọng nhấn mạnh.

Nam Kinh
Nam Kinh

Tin cùng chuyên mục