Chiến tranh thương mại với Mỹ, hàng rào thuế quan được Tổng thống Trump dựng lên là những gánh nặng mới nhất mà các doanh nghiệp Trung Quốc phải gánh chịu, bên cạnh áp lực từ việc nền kinh tế nội địa giảm tốc, xu hướng dịch chuyển hoạt động sản xuất - kinh doanh sang các khu vực có chi phí thấp hơn của các doanh nghiệp đa quốc gia.
Wei Jianguo, cựu Thứ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc cho rằng, cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung sẽ kéo dài. Do đó, Trung Quốc cần có sự chuẩn bị để hạn chế các tác động tiêu cực ảnh hưởng tới nền kinh tế trong nước.
Dự kiến, một số biện pháp tạo bệ đỡ cho hoạt động của doanh nghiệp nội địa sẽ được đưa ra: Thứ nhất, gia tăng hỗ trợ từ chính phủ; thứ hai, mở rộng các kênh thâm nhập thị trường quốc tế thông qua các chương trình như khu vực kinh tế tự do, đẩy mạnh sáng kiến “một vành đai, một con đường” - vốn đang triển khai nhiều dự án cơ sở hạ tầng lớn; thứ ba, tạo môi trường kinh doanh thông thoáng hơn cho các doanh nghiệp nước ngoài, cũng như doanh nghiệp nội địa; thứ tư, áp dụng các chính sách thuế và lãi suất mới.
Trong khi đó, theo giới phân tích, các công ty Trung Quốc đã tìm kiếm những cơ hội kinh doanh mới kể từ khi xung đột thương mại Mỹ - Trung leo thang.
“Trong ngắn hạn, việc Mỹ nâng hàng rào thuế quan với hàng hóa từ Trung Quốc sẽ tác động tiêu cực tới lợi nhuận của các doanh nghiệp Ðại lục. Trong dài hạn, nếu các xung đột tiếp tục kéo dài, toàn bộ hệ thống phân phối trên toàn cầu sẽ bị ảnh hưởng”, Wang Zhe, nhà kinh tế trưởng tại Caixin Insight nói và cho biết thêm, điều này buộc các công ty Trung Quốc phải thay đổi phương pháp sản xuất, đẩy mạnh cải tiến sản phẩm và nâng cao hệ thống hoạt động.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, hệ quả của chiến tranh thương mại có thể là các doanh nghiệp Ðại lục sẽ chiếm thị phần lớn hơn, trong khi các công ty Mỹ phải trả giá. Các số liệu và báo cáo từ doanh nghiệp Trung Quốc cho thấy, họ đã bắt đầu chuyển việc mua các sản phẩm nông nghiệp từ Mỹ sang các quốc gia khác, đặc biệt là khu vực Mỹ Latinh.
Hiện tại, chính quyền Tổng thống Trump đang sử dụng thuế như công cụ cơ bản để tham chiến, nhưng hiện vẫn chưa rõ tác động của biện pháp này tới “ngân quỹ” của các doanh nghiệp Trung Quốc như thế nào.
Theo Chris Rogers, nhà nghiên cứu tại Panjiva, bộ phận nghiên cứu thuộc S&P Global Market Intelligence, các khảo sát mới nhất cho thấy giá cả của một số loại hàng hóa, nhất là sản phẩm hóa chất và đồ nội thất đã giảm xuống khi hàng rào thuế quan được thiết lập.
Trong khi đó, Jake Parker, Phó chủ tịch bộ phận Trung Quốc tại Hội đồng Kinh tế Mỹ - Trung (U.S - China Business Council) cho biết, đa phần các doanh nghiệp vẫn đang ước lượng thời gian hàng rào thuế quan có hiệu lực trước khi đưa ra các quyết định lớn liên quan tới việc sản xuất, kinh doanh.
“Các công ty với hoạt động xuất khẩu chủ lực đang cân nhắc lựa chọn của mình. Một số sẽ thay đổi nguồn cung, số khác duy trì hệ thống cung cấp và chấp nhận hy sinh một phần lợi nhuận, hoặc chuyển toàn bộ phận chi phí gia tăng sang khách hàng”, Jake Parker cho biết.
Tuy nhiên, một điều dễ nhận thấy là các chi phí gia tăng từ hàng rào thuế không dễ để hấp thụ hết và các doanh nghiệp Trung Quốc vẫn đang chờ đợi giải pháp được đưa ra từ các cuộc đàm phán thương mại.