Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Cường Thuận (CTI – HOSE), công ty mẹ của Công ty cổ phần Đầu tư Đồng Thuận, chủ đầu tư dự án BOT tuyến tránh TP. Biên Hòa vừa có báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2017 với phần lãi từ thu phí các tuyến BOT chiếm hơn một nửa lợi nhuận.
Theo đó, trong quý này, tổng doanh thu của CTI đạt hơn 305 tỷ đồng, tăng 20,1% so với cùng kỳ.
Doanh thu từ hoạt động tài chính giảm hơn 57% còn 1,84 tỷ đồng, trong khi chi phí tài chính, chủ yếu là chi phí trả lãi tăng lên 54,1 tỷ đồng.
Qua đó, quý III/2017, lợi nhuận sau thuế của CTI ghi nhận hơn 33,6 tỷ đồng, tăng 16,67% so với cùng kỳ.
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2017, CTI đạt 867,8 tỷ đồng doanh thu, tăng 6% và 109,7 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 26,3% so với cùng kỳ. Các chỉ tiêu này cũng lần lượt hoàn thành 62,1% và 77,8% kế hoạch doanh thu và lợi nhuận đề ra.
Trong cơ cấu doanh thu trong 9 tháng đầu năm của CTI, đóng góp lớn nhất là doanh thu cung cấp bê tông nhựa nóng, dịch vụ và xây lắp hơn 392 tỷ đồng.
Khoản doanh thu lớn thứ 2 đến từ thu phí BOT đoạn tránh TP. Biên Hòa hơn 202 tỷ đồng, và doanh thu BOT từ trạm thu phí trên Quốc lộ 91 đoạn Km50+889 (BOT Cần Thơ - An Giang) hơn 107,9 tỷ đồng.
Sau khi trừ đi giá vốn, riêng 2 tuyến thu phí này đã mang về cho CTI lần lượt 108,3 tỷ đồng và 80,2 tỷ đồng lợi nhuận gộp, chiếm tổng cộng gần 53% lợi nhuận gộp từ đầu năm.
Tại thời điểm 30/9/2017, tổng tài sản của CTI ở mức 4.564,6 tỷ đồng, phần lớn trong số đó được hình thành từ từ tài sản cố định vô hình nguyên giá là Quyền thu phí trên tuyến tránh TP. Biên Hòa hơn 1.404 tỷ đồng; Quyền thu phí BOT Cần Thơ – An Giang 1.240 tỷ đồng, và Quyền thu phí tỉnh lộ 16 cùng phần mềm máy tính hơn 85 tỷ đồng.
2 quyền thu phí này được dùng để đảm bảo cho các khoản vay và nợ dài hạn hơn 2.533 tỷ đồng.
Tại thời điểm 30/9/2017, tổng nợ phải trả của Công ty là gần 3.200 tỷ đồng bao gồm nợ ngắn hạn gần 630 tỷ đồng, và nợ dài hạn hơn 2.569 tỷ đồng.
Trong khoản mục nợ dài hạn, chủ yếu là vay nợ thuê tài chính hạn hơn 2.533 tỷ đồng, phần lớn đến từ khoản vay hơn 2.093 tỷ đồng từ Ngân hàng Công thương Nhơn Trạch.
Cùng với đó là gần 400 tỷ đồng vốn đối ứng ngân sách dự án khu tái định cư tại xã Bình Minh và xã Phước Tân, TP. Biên Hòa.
Trong 9 tháng đầu năm, khoản chi phí tài chính, trong đó chủ yếu là tiền để trả lãi vay của CTI ở mức hơn 156 tỷ đồng, tăng 25% so với đầu kỳ.
Kể từ đầu năm nay, bên cạnh các dự án đang được triển khai và tăng vốn xây dựng, CTI cũng đã đầu tư một số dự án giao thông và cơ sở hạ tầng mới.
Cụ thể, CTI nâng suất đầu tư dự án đường vận chuyển vật liệu xây dựng tại xã Phước Tân và xã Tam Phước từ 28 tỷ đồng lên 98,3 tỷ đồng.
Dự án tái định cư tại xã Phước Tân từ 221,8 tỷ đồng lên 285,2 tỷ đồng.
Cùng với đó là chi phí các quyền sử dụng đất trong thời gian chuyển đổi mục đích sử dụng và sang tên từ 118,6 tỷ đồng lên 226 tỷ đồng (trong đó, quyền sử dụng đất của Trạm đăng kiểm với giá trị 16,32 tỷ đồng được được CTI thế chấp cho khoản vay của TP Bank, chi nhánh Bến Thành).
CTI cũng đã đầu tư hoàn toàn mới dự án đầu tư, nâng cấp Quốc lộ 91 Cần Thơ - An Giang 177,5 tỷ đồng, cùng một số hạng mục nhỏ khác và khoản chi phí xây dựng cơ bản khác hơn 32 tỷ đồng.
Tổng cộng, xây dựng cơ bản tăng từ 626 tỷ đồng lên 1.109 tỷ đồng tính đến ngày 30/9/2017.
Báo cáo cũng cho biết, thu nhập trong năm bao gồm thù lao và tiền thưởng của HĐQT và ban Tổng giám đốc tăng mạnh từ 1,85 tỷ đồng lên 8,15 tỷ đồng.
Năm 2016, CTI đạt doanh thu từ thu phí 293 tỷ đồng, lợi nhận lợi nhuận ròng 190 tỷ đồng từ trạm BOT tuyến tránh TP. Biên Hoà, tăng 31% so với năm 2015.
Kể từ khi đi vào vận hành giữa năm 2014 đến cuối tháng 6/2017, trạm BOT TP. Biên Hoà đã mang về cho CTI 730 tỷ đồng doanh thu và gần 500 tỷ đồng lợi nhuận. Trong đó, riêng 6 tháng đầu năm 2017, doanh thu từ trạm này là 143 tỷ đồng, lãi gộp sau khi trừ đi giá vốn là 78,7 tỷ đồng.
Mới đây, trạm BOT TP. Biên Hoà này nằm trong số các dự án bị Bộ GTVT rút ngắn thời gian thu phí (giảm 4 tháng, còn 12 năm 9 tháng).