Công ty kinh doanh vận tải đang bị “ngáng chân”

0:00 / 0:00
0:00
Chi phí tăng, nhưng nhu cầu vận chuyển hàng hóa giảm mạnh, ùn tắc đăng kiểm vẫn diễn ra phổ biến… là những vướng mắc đang “ngáng chân” doanh nghiệp kinh doanh vận tải.
Đăng kiểm xe mất nhiều thời gian khiến các doanh nghiệp vận tải càng thêm khó khăn. Ảnh: Hải Phong Đăng kiểm xe mất nhiều thời gian khiến các doanh nghiệp vận tải càng thêm khó khăn. Ảnh: Hải Phong

Vận tải biển gặp nhiều sóng gió

Nhìn vào kế hoạch kinh doanh của các doanh nghiệp kinh doanh vận tải biển mới đây, có thể thấy, họ khá thận trọng trong việc đặt mục tiêu tăng trưởng. Đơn cử, Công ty Vận tải và Xếp dỡ Hải An (Hà Nội) lên kế hoạch sản xuất, kinh doanh năm 2023 đi lùi, với tổng doanh thu dự kiến đạt 2.960 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế công ty mẹ đạt 492 tỷ đồng, lần lượt giảm 8% và 40% so với thực hiện năm ngoái.

Tương tự, Công ty cổ phần Vận tải biển Việt Nam (VOSCO) cũng đặt mục tiêu doanh thu năm 2023 dự kiến là 1.597 tỷ đồng, giảm 37,7% so với cùng kỳ, lợi nhuận trước thuế ở mức 197,7 tỷ đồng, giảm hơn 67% so với năm 2022.

Còn tại Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC), kế hoạch cả doanh thu và lợi nhuận trong năm 2023 cũng giảm. Cụ thể, kế hoạch doanh thu hợp nhất năm 2023 dự kiến là 13.354 tỷ đồng (bằng 87% thực hiện năm 2022), lợi nhuận hợp nhất dự kiến là 2.330 tỷ đồng (bằng 76% mức thực hiện năm 2022).

Lý giải về kế hoạch đi lùi của doanh nghiệp, ông Nguyễn Cảnh Tĩnh, Tổng giám đốc VIMC cho hay, trong năm 2023, các doanh nghiệp kinh doanh vận tải biển vẫn phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. Lạm phát cao và gia tăng ở nhiều quốc gia làm tăng gánh nặng lên nền kinh tế thế giới. Việc đóng cửa nền kinh tế để phòng ngừa dịch bệnh ở một số nước khiến nhu cầu tiêu năng lượng hóa thạch như than sụt giảm mạnh.

Chưa kể, nguồn cung tàu tăng trưởng mạnh ở cả thị trường vận tải tàu hàng rời và tàu container. Thị trường tàu dầu còn tiềm ẩn nhiều rủi ro trong năm 2023 bởi việc áp giá trần đối với dầu của Nga đến từ các quốc gia phương Tây; tình trạng bất ổn nguồn cung dầu của Nga, sự thay đổi trong chính sách cũng như nhu cầu tiêu thụ dầu của Trung Quốc… Do đó, nhiều doanh nghiệp đặt mục tiêu doanh thu và lợi nhuận giảm khá sâu so với năm trước.

Đường bộ gặp khó vì đăng kiểm

Nếu những khó khăn của doanh nghiệp vận tải không được giải quyết ngay, thì chỉ trong thời gian ngắn nữa, ngành này sẽ tê liệt, ảnh hưởng rất lớn đến huyết mạch của nền kinh tế.

Bên cạnh những khó khăn chung của thị trường thì doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường bộ còn phải đối mặt với thách thức không nhỏ liên quan tới vấn đề đăng kiểm. Tình trạng ùn tắc khi đi đăng kiểm vẫn diễn ra phổ biến, gây nản lòng các công ty vận tải.

Đại diện một doanh nghiệp cho biết, đã chủ động đi đăng ký lịch đăng kiểm lại phương tiện trước khi hết hạn theo sổ kiểm định 15 - 30 ngày. Song được hẹn gần 1 tháng sau mới được vào đăng kiểm, cũng không có thông tin hỗ trợ việc phương tiện trong thời gian chờ đợi được lưu hành tạm.

Do đó, cộng đồng doanh nghiệp vận tải kiến nghị, cần có giải pháp ưu tiên cho phương tiện kinh doanh vận tải gần hết hạn, hoặc đã hết hạn đăng kiểm đăng ký lịch hẹn trước. Xem xét hỗ trợ về việc xe được lưu hành tạm trong khi chờ đến lượt vào đăng kiểm lại.

Ngoài ra, cần nghiên cứu kéo giãn thêm chu kỳ đăng kiểm nếu hệ số an toàn vẫn còn có thể đáp ứng. Thông báo lỗi, khiếm khuyết, hư hỏng cần khắc phục trong 1 lần để tránh trường hợp xe phải đi sửa chữa, quay ra quay vào trạm nhiều lần.

“Hiện ngành vận tải đang rất khó khăn khi chi phí tăng, nhưng nhu cầu vận chuyển hàng hóa giảm mạnh, giá thành vận chuyển rất cạnh tranh. Do đó, thêm khó khăn từ đăng kiểm khiến các doanh nghiệp đang bị áp lực lớn, nhiều đơn vị phải tạm ngưng hoạt động. Vì vậy, cần thiết có ứng dụng đặt lịch đăng kiểm chính thống và riêng của TP.HCM để doanh nghiệp dễ dàng hơn trong việc hẹn lịch đăng kiểm. Trường hợp đơn vị có số thứ tự nhưng không đến đăng kiểm, cần thông báo để số liền kề biết và đôn lên, tránh mất thời gian”, ông Bùi Văn Quản, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM kiến nghị.

Bên cạnh đó, Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM cũng kiến nghị về phần “Phụ lục II - Nội dung kiểm tra, phương pháp kiểm tra và khiếm khuyết, hư hỏng” của Thông tư số 02/2023/TT-BGTVT vì còn một số mục quá khắt khe, thiếu thực tế.

Các doanh nghiệp vận tải cho rằng, có trường hợp nhân viên đăng kiểm giải thích số khung không đúng vị trí theo quy định, nhưng mới mua về, chủ xe không có can thiệp vào phần số khung của xe; số khung thuộc thẩm quyền kiểm tra và quản lý của Công an Thành phố khi cấp giấy chứng nhận đăng ký.

Hay việc gắn thùng chứa dụng cụ đồ nghề lên nhằm tuân thủ các tiêu chí an toàn, không ảnh hưởng đến kết cấu xe. Tuy nhiên, khi đăng kiểm thì các trung tâm bắt buộc phải tháo dỡ thùng chứa dụng cụ đồ nghề mới cho kiểm định. Ngoài ra, các quy định khác liên quan đến đèn pha, lốp đắp, chắn bùn, màu sơn... cũng khắt khe quá mức cần thiết và không thực tế.

Theo đó, cơ quan chức năng cần xem xét, đánh giá lại đối với danh sách các hạng mục khiếm khuyết, hư hỏng quan trọng nào thật sự ảnh hưởng đến chức năng hoạt động, an toàn kỹ thuật, bảo vệ môi trường. Tránh trường hợp có quá nhiều tiêu chí và yêu cầu quá khắt khe, nhưng không có sự tác động nguy hại, gây lãng phí trong việc cải tạo, sửa chữa để đáp ứng theo quy định.

Việt Dũng
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục