Mới đây, kiểm toán viên của Công ty TNHH Kiểm toán Tư vấn Đất Việt tại Hà Nội đã đưa ra ý kiến ngoại trừ đối với báo cáo tài chính năm 2021 của Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Quảng Bình (mã QBS). Lý do là công ty kiểm toán này được bổ nhiệm kiểm toán sau ngày 31/12/2021 nên không được tham gia chứng kiến kiểm kê hàng tồn kho và cũng không thể thực hiện các thủ tục thay thế. Chính vì vậy, kiểm toán không thể đánh giá được tính hiện hữu và chính xác của các khoản mục tồn kho trị giá 652 triệu đồng.
Được biết, năm 2020, báo cáo tài chính của QBS được kiểm toán bởi Công ty TNHH Kiểm toán và thẩm định giá Việt Nam, khác với đơn vị kiểm toán năm 2021.
Khoản mục tồn kho giá trị không lớn nên việc đưa ra ý kiến loại trừ thể hiện sự cẩn trọng của kiểm toán viên.
Có không ít trường hợp khi doanh nghiệp gặp sự cố, lãnh đạo dính lao lý hay kiểm toán để M&A, nhóm cổ đông mới kiểm toán lại… thì những vấn đề trong báo cáo tài chính mới lộ ra, dẫn đến công ty kiểm toán phải đưa ý kiến loại trừ hoặc không thể xác nhận.
Các trường hợp lớn có thể nhắc tới là việc hàng tồn kho của Công ty cổ phần Kỹ nghệ gỗ Trường Thành (mã TTF) bốc hơi 980 tỷ đồng năm 2016 và các khoản phải thu của Công ty cổ phần Thiết bị y tế Việt Nhật (mã JVC) bốc hơi 552 tỷ đồng khi lãnh đạo dính vào lao lý.
Hay trường hợp Công ty cổ phần Phát triển Nhà Thủ Đức (mã TDH), nhóm cổ đông mới đã trích lập hơn 630 tỷ đồng khoản thuế tạm nộp cho Cục Thuế liên quan đến khoản thuế xuất khẩu linh kiện điện tử và nông sản trong khi ban lãnh đạo cũ vẫn ghi nhận đó là khoản phải thu. Tùy theo mức độ cẩn trọng của Ban lãnh đạo thì ghi nhận khoản mục này khác nhau. Nhưng nếu không trích lập dự phòng thì công ty kiểm toán cần có ý kiến lưu ý về khoản mục này trên quan điểm cẩn trọng.
Cũng trên quan điểm cẩn trọng thì chắc rằng báo cáo kiểm toán của doanh nghiệp niêm yết có hàng tồn kho cao, phải thu lớn tồn tại nhiều năm mà dòng tiền kém sẽ phải thêm các ý kiến lưu ý, chứ không thể ngắn gọn như hiện nay.
Mới đây, cơ quan quản lý đã phát đi thông điệp đẩy mạnh quá trình thanh tra, giám sát hoạt động của các đơn vị kiểm toán đối với doanh nghiệp niêm yết để bảo vệ người sử dụng báo cáo kiểm toán như nhà đầu tư, ngân hàng và các đối tượng liên quan.
Cụ thể, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, thực hiện chỉ đạo của Bộ Tài chính, Ủy ban đang tăng cường rà soát các báo cáo tài chính kiểm toán trên thị trường chứng khoán. Cơ quan này cũng đã có kế hoạch kiểm tra một loạt công ty kiểm toán trong năm 2022, nếu phát hiện sai phạm sẽ xử lý nghiêm theo quy định, với tinh thần là “sai đến đâu, xử lý đến đó”.
Trong nhiều năm trở lại đây, những sai phạm trên thị trường liên quan tới kiểm toán thường diễn ra ở hai khoản mục chính là tồn kho và khoản phải thu. Trong đó, các công ty niêm yết sử dụng các giao dịch mua bán chịu giữa tổ chức với tổ chức, hoặc với cá nhân để gia tăng doanh thu hàng năm và giúp bức tranh lợi nhuận khả quan. Tuy nhiên, thực tế đây chủ yếu là giao dịch qua lại, không phát sinh dòng tiền thực tế.
Tương tự như vậy, các công ty thực hiện huy động vốn để mở rộng kinh doanh bằng việc tăng tồn kho như nguyên vật liệu, sản phẩm, hàng hoá…
Hiện nay, yêu cầu công bố thông tin đối với doanh nghiệp niêm yết chủ yếu công bố báo cáo tài chính, thuyết minh một số khoản mục đáng chú ý trong báo cáo tài chính và không phải thuyết minh chi tiết các giao dịch, dẫn tới nhà đầu tư tài chính bên ngoài khó kiểm tra được chất lượng khoản phải thu và tồn kho thực tế của các doanh nghiệp niêm yết.
Thực tế, chỉ có đơn vị kiểm toán mới có khả năng kiểm toán, tra soát các khoản phải thu để đánh giá khả năng thu hồi vốn và kiểm kê tồn kho thực tế mà doanh nghiệp đang sở hữu.
Nếu kiểm toán vẫn còn dễ dãi thì những người điều hành doanh nghiệp vẫn sử dụng chiêu này để làm đẹp báo cáo tài chính. Vì thế, việc rà soát báo cáo tài chính kiểm toán và kiểm tra các công ty kiểm toán của cơ quan chức năng rất cần thiết ở thời điểm này để thúc đẩy sàng lọc, nâng cao chất lượng cổ phiếu niêm yết.