Sốc với MTM
Trước khi bị tạm ngừng giao dịch kể từ ngày 20/6, cổ phiếu MTM có khối lượng giao dịch hàng triệu đơn vị/phiên (xem bảng). Những nhà đầu tư tham gia mua cổ phiếu MTM thời gian qua đang bị “mắc kẹt”.
Dữ liệu của Tổng cục Thuế cho thấy, MTM hiện đã ngừng hoạt động nhưng chưa hoàn thành thủ tục đóng mã số thuế; trụ sở là một quán ăn, địa chỉ chi nhánh tại Hà Nội là một phòng khám răng hàm mặt… khiến nhà đầu tư hoang mang. Vậy tại sao MTM lại đang hoạt động trên UPCoM?
Thông tư 180/2015/TT-BTC ngày 13/11/2015 hướng dẫn về đăng ký giao dịch chứng khoán trên hệ thống giao dịch cho chứng khoán chưa niêm yết quy định, đối tượng đăng ký giao dịch trên UPCoM bao gồm: công ty đại chúng không đủ điều kiện niêm yết; công ty đại chúng đủ điều kiện niêm yết, nhưng chưa niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán; công ty hủy niêm yết nếu vẫn là công ty đại chúng; doanh nghiệp nhà nước đã chào bán chứng khoán ra công chúng nếu chưa thực hiện niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán.
Như vậy, để đăng ký giao dịch trên UPCoM thì điều kiện rất đơn giản, chỉ cần doanh nghiệp đang là công ty đại chúng, tức có vốn điều lệ từ 10 tỷ đồng trở lên và có từ 100 nhà đầu tư trở lên. Đây là quy định rất lỏng so với điều kiện niêm yết: ngoài đáp ứng yêu cầu công ty đại chúng, doanh nghiệp phải tối thiểu có lãi năm liền trước với chỉ tiêu lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) từ 5% trở lên, không có lỗ lũy kế, hoạt động dưới hình thức công ty cổ phần, các yêu cầu về tỷ lệ sở hữu bởi các nhà đầu tư đại chúng cũng như vốn điều lệ cao hơn (vốn điều lệ từ 30 tỷ đồng trở lên nếu niêm yết trên HNX)… Yêu cầu chi tiết sẽ cao nếu niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán TP. HCM.
Khi đưa UPCoM vào hoạt động, điều cơ quan quản lý kỳ vọng nhất là tạo thuận lợi cho nhà đầu tư trong việc giao dịch cổ phiếu tập trung, thay vì tình trạng hình thành các “chợ” giao dịch cổ phiếu tự phát trước đó.
Vì thế, câu chuyện với MTM nên được hiểu: đây đơn giản là công ty đại chúng, lên UPCoM là theo đăng ký, chứ không phải là doanh nghiệp đáp ứng được các yêu cầu khắt khe về tài chính được HNX chấp thuận.
Cần làm rõ dấu hiệu gian dối tại MTM
Thống kê dữ liệu của HNX cho thấy, hiện có khoảng 30 doanh nghiệp trên UPCoM có vốn chủ sở hữu không dương! Các doanh nghiệp này thuộc danh sách 39 doanh nghiệp HNX đưa vào phân bảng Cảnh báo nhà đầu tư trên sàn. Để giúp nhà đầu tư nhận diện chất lượng hàng hóa UPCoM, gần đây HNX đã đưa ra 2 phân bảng trên UPCoM là UPCoM Premium, với những mã chứng khoán mà doanh nghiệp phát hành được đánh giá cao và phân bảng Cảnh báo nhà đầu tư, với những doanh nghiệp có tình hình hoạt động bê bết.
Nếu coi UPCoM là một nơi để nhà đầu tư thuận tiện hơn trong tìm kiếm người mua, người bán, an toàn hơn trong đảm bảo giao dịch (mang tính kỹ thuật khớp lệnh), thì 2 vấn đề quan trọng nhất đối với UPCoM chính là: sự kỹ lưỡng của người mua trong chọn hàng và trách nhiệm của Ban lãnh đạo doanh nghiệp.
Tuy nhiên, trường hợp MTM, thị trường đang nghiêng về hướng có sự không trung thực, thậm chí là những vi phạm pháp luật nghiêm trọng từ phía doanh nghiệp.
Với điều kiện cho phép doanh nghiệp đại chúng đăng ký trên UPCoM, HNX, hay Ủy ban Chứng khoán Nhà nước hiện không kiểm soát chất lượng hoạt động của doanh nghiệp. Thế nhưng, trách nhiệm bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư, với việc thanh tra, giám sát và có thể tiến đến bước cao hơn là phối hợp với cơ quan điều tra để làm rõ liệu MTM có hành vi gian dối, lừa dối nhà đầu tư hay không, là điều cần thiết.
UPCoM đang dần trở nên hấp dẫn, khi ngày càng có nhiều doanh nghiệp lớn, hoạt động hiệu quả đăng ký giao dịch cổ phiếu. Hiện trên sàn này có 86 mã chứng khoán đáp ứng được điều kiện niêm yết và những mã này luôn được các nhà đầu tư quan tâm. Thậm chí, có doanh nghiệp trên UPCoM thời gian gần đây liên tục phải từ chối yêu cầu tiếp kiến của các quỹ ngoại vì lịch quá dày đặc. Tuy nhiên, dấu hiệu vi phạm của MTM nêu trên nếu không được làm rõ, xử lý mạnh tay, có thể sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến niềm tin trên thị trường chứng khoán, nhất là những nhà đầu tư cá nhân có quan niệm, cổ phiếu lên sàn, dù là sàn nào, đều là hàng đạt chất lượng.