Công ty cổ phần Dược Sơn Lâm: Mạnh tay chi “hoa hồng” để trúng thầu

Phạm Văn Cách, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Dược Sơn Lâm đã chi “hoa hồng” 10 - 25% cho các bệnh viện y học cổ truyền, trung tâm y tế trong quá trình đấu thầu cung cấp dược liệu.
Phạm Văn Cách, cựu Chủ tịch Công ty Dược Sơn Lâm và Nguyễn Mạnh Quyền, cựu Chủ tịch Công ty LanQ (bên phải)

Lợi dụng sơ hở trong quy định về đấu thầu

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an vừa hoàn tất kết luận điều tra, chuyển toàn bộ hồ sơ đến Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, đề nghị truy tố đối với 23 bị can trong vụ án liên quan tới các sai phạm trong hoạt động đấu thầu, cung cấp thuốc, dược liệu cho các bệnh viện, cơ sở y tế.

Đây là vụ án tham nhũng trong lĩnh vực y tế, bảo hiểm xã hội xảy ra trên nhiều tỉnh, thành phố từ Bắc đến Nam, có tính chất đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp; hoạt động tội phạm diễn ra từ năm 2015 đến nay mới bị phát hiện nên khó khăn trong việc điều tra, xử lý.

Trong vụ án, các đối tượng đã lợi dụng sơ hở, thiếu sót trong quy định về tổ chức đấu thầu và việc kiểm tra, giám sát của cơ quan chức năng trong quá trình thực hiện hợp đồng mua bán vị thuốc cổ truyền, dược liệu để thông đồng, cấu kết, dùng thủ đoạn gian dối, tinh vi chiếm đoạt tiền của bảo hiểm xã hội.

Quá trình điều tra còn làm rõ một số cá nhân có thẩm quyền thuộc nhiều bệnh viện, trung tâm y tế đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao trong quá trình ký kết, thực hiện hợp đồng mua sắm vị thuốc cổ truyền, dược liệu phục vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế để trục lợi, nhận tiền của doanh nghiệp, gây ảnh hưởng xấu đến công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực y tế, y học dân tộc và bảo hiểm xã hội.

Trong số các bị can, Phạm Văn Cách, cựu Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Dược Sơn Lâm (Công ty Dược Sơn Lâm) và Nguyễn Mạnh Quyền, cựu Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Y dược LanQ; Lê Văn Tình, Phó giám đốc, cùng bị đề nghị truy tố tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Đưa hối lộ”.

Bị can Tống Viết Phải, cựu Tổng giám đốc Công ty cổ phần Dược - Thiết bị y tế Đà Nẵng bị đề nghị truy tố tội “Đưa hối lộ”.

Các bị can còn lại là cựu lãnh đạo, cán bộ tại các bệnh viện y học cổ truyền, cơ sở y tế, đều bị truy tố tội “Nhận hối lộ”, trong đó có Huỳnh Nguyễn Lộc, cựu Viện trưởng Viện Y dược học dân tộc TP.HCM; Trương Thị Thu Hương, cựu Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền Thái Nguyên; Đinh Thị Mộng Thanh, cựu Phó giám đốc phụ trách và Cao Hữu Hạng, cựu Phó giám đốc Bệnh viện Y dược học cổ truyền tỉnh Tây Ninh; Võ Thị Kim Loan, cựu Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh Bến Tre; Nguyễn Văn Trịnh, cựu Phó giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền Phạm Ngọc Thạch (tỉnh Lâm Đồng); Nguyễn Văn Trung, cựu Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền Bảo Lộc…

Cựu Viện trưởng hưởng lợi bất chính 47 tỷ đồng

Theo cơ quan điều tra, từ năm 2017 đến năm 2023, Công ty Dược Sơn Lâm đã trúng thầu, ký kết, thực hiện 10 hợp đồng cung cấp dược liệu cho Viện Y dược học dân tộc TP.HCM để phục vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế, với tổng giá trị theo hóa đơn mua bán là gần 233 tỷ đồng.

Là Viện trưởng thời điểm này, Huỳnh Nguyễn Lộc có vai trò quyết định trong việc lựa chọn nhà thầu, thực hiện các hợp đồng mua bán dược liệu tại Viện Y dược học dân tộc TP.HCM. Lộc giao cho “tay chân” thân tín là Phạm Văn Chuân, yêu cầu Phạm Văn Cách chi tiền “phí hoa hồng” từ 20% đến 25% khi thực hiện các hoạt động cung cấp dược liệu.

Từ năm 2018 đến năm 2023, sau mỗi lần Viện Y dược học dân tộc TP.HCM thanh toán hoặc khi Lộc cần tiền, Phạm Văn Cách đã chỉ đạo người thân, nhân viên Công ty Dược Sơn Lâm chuyển tiền cho Lộc hoặc Chuân, với tổng số tiền hơn 47 tỷ đồng.

Năm 2021, bị can Huỳnh Nguyễn Lộc đã nộp gần 41 tỷ đồng vào tài khoản của Hội Đông y TP.HCM để ủng hộ công tác phòng, chống Covid-19; trong đó, Lộc khai có 37 tỷ đồng nằm trong số tiền đã nhận từ Công ty Dược Sơn Lâm. Tuy nhiên, kết quả điều tra không có cơ sở xác định nội dung này.

Trong quá trình điều tra, Hội Đông y TP.HCM đã nộp lại gần 15 tỷ đồng, là số tiền Huỳnh Nguyễn Lộc đã nộp nhưng còn dư, chưa sử dụng.

Thêm vào đó, sau khi Phạm Văn Cách bị khởi tố, cựu Viện trưởng Viện Y dược học dân tộc TP.HCM cũng “gửi trả lại” 9 tỷ đồng, thông qua tài khoản con dâu của bị can Cách, trong đó có 7 tỷ đồng tiền hoa hồng và 2 tỷ đồng để trả nợ tiền vay trước đó.

Hàng loạt lãnh đạo, cán bộ bệnh viện, trung tâm y tế “ăn” hoa hồng

Không chỉ tại Viện Y dược học dân tộc TP.HCM, hàng loạt bệnh viện y học cổ truyền, trung tâm y tế tại nhiều tỉnh, thành phố khác cũng được xác định có vi phạm liên quan tới các gói thầu cung cấp dược liệu của Công ty Dược Sơn Lâm.

Cụ thể, tại Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh Thái Nguyên, quá trình điều tra xác định, từ năm 2015 đến năm 2023, Công ty Dược Sơn Lâm ký kết, thực hiện 28 hợp đồng cung cấp vị thuốc, dược liệu phục vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế, với tổng giá trị hơn 54 tỷ đồng.

Với vai trò là Giám đốc Bệnh viện, Trương Thị Thu Hương yêu cầu phải chi hoa hồng từ 10% đến 30% trên mỗi hóa đơn (chưa tính thuế VAT). Sau mỗi đợt thanh toán, Công ty Dược Sơn Lâm phải chuyển tiền vào tài khoản của Hương hoặc em gái. Số tiền bị can này đã nhận lên tới hơn 10 tỷ đồng.

Tại Bệnh viện Y Dược cổ truyền tỉnh Tây Ninh, từ năm 2017 đến 2020, Công ty Dược Sơn Lâm đã ký kết, thực hiện 6 hợp đồng cung cấp dược liệu, vị thuốc cổ truyền phục vụ hoạt động khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế, với tổng giá trị gần 17 tỷ đồng.

Có vai trò phụ trách duyệt dự trù và tham gia hội đồng kiểm nhập thuốc, bị can Đinh Thị Mộng Thanh, cựu Phó giám đốc phụ trách Bệnh viện Y Dược cổ truyền tỉnh Tây Ninh đã yêu cầu nhà thầu phải chi 20% cho mình; đồng thời chi 17% cho Nguyễn Thị Hiệu, Trưởng phòng Tài chính kế toán và Cao Hữu Hạng, Phó giám đốc, cũng yêu cầu chi từ 1% đến 3% số tiền trên mỗi hóa đơn.

Phía Công ty Dược Sơn Lâm sau đó đã chuyển tổng cộng hơn 2,3 tỷ đồng vào tài khoản của chồng Đinh Thị Mộng Thanh; gần 2,7 tỷ đồng vào tài khoản của Nguyễn Thị Hiệu và 188 triệu đồng cho Cao Hữu Hạng.

Cũng với thủ đoạn tương tự, nhiều cựu lãnh đạo, cán bộ của các bệnh viện, cơ sở y tế khác cũng “ăn” hoa hồng từ các gói thầu, hợp đồng cung cấp dược liệu của Công ty Dược Sơn Lâm, như: Bị can Võ Thị Kim Loan, cựu Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh Bến Tre nhận 940 triệu đồng; Nguyễn Văn Trịnh, cựu Phó giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền Phạm Ngọc Thạch nhận 955 triệu đồng.

Các bị can Quách Thị Lịch, cựu Trưởng phòng Tài chính kế toán Bệnh viện Y dược cổ truyền tỉnh Hưng Yên; Nguyễn Duy Thanh, cựu Phó trưởng khoa Dược, Trung tâm Y tế thị xã Mỹ Hào; Vũ Thị Ngát, cựu Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Khoái Châu; Vũ Đức Thắng, cựu Trưởng khoa Dược, Trung tâm Y tế huyện Kim Động; Nguyễn Văn Trung, cựu Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền Bảo Lộc; Lê Phước Nin, cựu Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền và phục hồi chức năng tỉnh Bình Định… cũng được xác định đã nhận từ 200 triệu đồng đến hơn 500 triệu đồng.

Trục lợi thuốc bảo hiểm y tế

Quá trình điều tra, cơ quan chức năng cũng xác định, Công ty cổ phần Y dược LanQ (doanh nghiệp sở hữu Bệnh viện Y học cổ truyền LanQ, có địa chỉ tại phường Trần Phú, TP. Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang) đã bắt tay với Công ty Dược Sơn Lâm để trục lợi tiền thuốc bảo hiểm y tế.

Theo đó, cuối năm 2019, sau khi Bộ Y tế cho phép các cơ sở y tế tư nhân được phép tự lựa chọn đơn vị cung cấp thuốc, Công ty cổ phần Y dược LanQ do Nguyễn Mạnh Quyền làm Giám đốc, đã tổ chức đấu thầu, lựa chọn đơn vị cung cấp thuốc.

Nguyễn Mạnh Quyền đã trao đổi, thỏa thuận với Phạm Văn Cách để Công ty Dược Sơn Lâm là doanh nghiệp duy nhất trúng thầu với giá thuốc đã được nâng khống, nhằm trục lợi.

Sau đó, hai bên đã ký kết các hợp đồng và phụ lục với tổng số tiền gần 65 tỷ đồng. Quá trình thực hiện, Công ty Dược Sơn Lâm chỉ cung cấp một phần nhỏ thuốc, còn lại đi mua thuốc giá rẻ, không có hóa đơn chứng từ của Công ty cổ phần Đông dược Hà Nội CQB.

Phạm Văn Cách đã thỏa thuận với Nguyễn Mạnh Quyền, đồng thời chỉ đạo nhân viên nâng giá số thuốc này, xuất hóa đơn khống để hợp thức đầu vào cho Công ty cổ phần Y dược LanQ.

Sau khi được thanh toán tiền theo hóa đơn, phía Công ty Dược Sơn Lâm rút tiền mặt, chuyển trả lại cho Nguyễn Mạnh Quyền thông qua tài khoản kế toán hoặc công ty của Quyền.

Cơ quan tố tụng xác định, tổng số tiền bị can Nguyễn Mạnh Quyền đã hưởng lợi bất chính từ nguồn chi trả của bảo hiểm xã hội và người bệnh lên tới hơn 18 tỷ đồng.

Huệ Nguyễn
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục