HVA tiền thân là Công ty cổ phần Đầu tư xây lắp An Hưng, thành lập tháng 5/2010, vốn điều lệ 4,5 tỷ đồng, hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực xây lắp.
Năm 2014, Công ty tăng vốn lên 50 tỷ đồng và đổi tên thành Công ty cổ phần Nông nghiệp xanh Hưng Việt, ngành nghề kinh doanh chuyển sang chăn nuôi, trồng trọt và đến tháng 7/2015, HVA niêm yết trên HNX. Cuối năm 2017, Công ty đổi tên thành Công ty cổ phần Đầu tư HVA, định hướng hoạt động chuyển sang lĩnh vực mới là tư vấn và đầu tư tài chính.
Sau đó, HVA nhanh chóng công bố các dự án mới trên nền tảng tài sản số. Một trong số đó là khai trương Cổng thông tin khởi nghiệp và Gọi vốn cộng đồng “FundGo.vn” vào ngày 1/1/2018. Qua đó, HVA sẽ huy động 1.000 tỷ đồng cho dự án "Cho vay ngang hàng trên nền tảng blockchain", thông qua hình thức ICO (phát hành tiền điện tử ra công chúng) trong năm 2018.
Khi quá trình ICO hoàn tất, HVA sẽ thu lợi nhuận dựa trên hai nguồn chính: một mặt, Công ty là chủ thể tham gia trên thị trường cho vay; mặt khác, Công ty đóng vai trò trung gian kết nối giữa người cho vay - đi vay và thu phí cho quá trình này.
Dự kiến, dự án sẽ lỗ trong 2 năm đầu, nhưng lãi lớn trong 4 năm tiếp theo. Tổng 6 năm triển khai, dự án kỳ vọng đem về cho HVA 1.937 tỷ đồng doanh thu và 1.134 tỷ đồng lợi nhuận, gấp 14,2 lần tổng tài sản hiện hữu của Công ty.
Cơ cấu tài sản và nguồn vốn của HVA.
Ban lãnh đạo HVA chia sẻ: “Năm 2019, HVA sẽ chuyển sang sàn HOSE và sẽ trở thành một trong những mã blue-chip hàng đầu”. Ban lãnh đạo hứng khởi, cổ đông kỳ vọng và giá cổ phiếu tăng gấp ba chỉ trong một tháng.
Sau gần một năm, đợt huy động vốn cho dự án chỉ đạt vỏn vẹn 2,3 tỷ đồng. Bên cạnh đó, 200 tỷ đồng dự kiến huy động từ cổ đông thông qua phát hành cổ phiếu với giá 10.000 đồng/cổ phiếu thất bại, do giá giao dịch trên sàn ở mức thấp.
Hoạt động kinh doanh cốt lõi của HVA ghi nhận mức lỗ mới, “cứu cánh” cho Công ty là các khoản lợi nhuận tài chính. Toàn bộ tài sản chỉ còn tồn tại dưới hai khoản mục là đầu tư tài chính và các khoản phải thu. Cổ phiếu HVA rớt giá 70% và bị đưa vào diện kiểm soát do chưa công bố báo cáo tài chính soát xét bán niên 2018.
Tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2018 tổ chức cuối tháng 8, nhóm cổ đông lớn của HVA, đứng đầu là ông Vương Lê Vĩnh Nhân, đã xóa bỏ tư cách chủ tọa của ông Nguyễn Khánh Toàn, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty. Sau đó, Công ty bầu lại toàn bộ nhân sự quản lý cấp cao, với Chủ tịch mới là ông Nhân và Tổng giám đốc mới là Trương Thế Huy.
Ban lãnh đạo mới cam kết sẽ vực dậy Công ty sau những hành động được cho là “tắc trách” từ phía Ban lãnh đạo cũ, đồng thời lên kế hoạch thu hồi các khoản đầu tư tài chính và các khoản tạm ứng không phù hợp. Trong đó, ba khoản mục lớn nhất là 28 tỷ đồng tại Công ty cổ phần Đầu tư Thương Mại Hưng Nguyên, 15,8 tỷ đồng tại Công ty cổ phần Thạch Thành Xuân và một số khoản tạm ứng trị giá gần 20 tỷ đồng.
Tuy nhiên, ngày 8/1/2019, HVA ra nghị quyết Hội đồng quản trị về việc tạm ngưng thoái vốn tại các công ty trên, nhưng không công bố lý do. Nhiều nhà đầu tư băn khoăn, liệu có phải HVA chưa nhận được sự hợp tác từ phía Ban lãnh đạo cũ, hay những khoản đầu tư và tạm ứng đó khó có khả năng thu hồi?
Trước đó, trong tháng 12/2018, HVA công bố kế hoạch phát hành 25 tỷ đồng trái phiếu Blockchain HVA, kỳ hạn 12 tháng, lãi suất 12%/năm. Số tiền này sẽ dùng để đầu tư vào các dự án: Trung tâm khởi nghiệp quốc gia - dự án chuỗi tòa nhà khởi nghiệp Blockup, chương trình "HVA Rewards", dự án gọi vốn cộng đồng Fundgo, khởi tạo nền tảng Pawnshop, nền tảng quản lý tiệm cầm đồ liên kết và dự án triển khai nền tảng quản lý cổ đông nội bộ trên ứng dụng Blockchain.
Chia sẻ về vấn đề “bình mới” nhưng “rượu” liệu có cũ tại HVA, một nhà đầu tư nói: “Từ lạc quan, kỳ vọng, tôi bắt đầu cảm thấy mơ hồ về các dự án công nghệ Blockchain”.