Công ty cổ phần Cao su Đồng Phú (DPR): Dòng tiền mạnh, vẫn ẩn chứa rủi ro

0:00 / 0:00
0:00

Việc Công ty cổ phần Cao su Đồng Phú (Doruco) chia cổ tức tiền mặt lên tới 25% là hoàn toàn có cơ sở trên nền tảng tài chính mạnh, song rủi ro tài chính của doanh nghiệp vẫn còn.

Công ty cổ phần Cao su Đồng Phú (DPR): Dòng tiền mạnh, vẫn ẩn chứa rủi ro

Thị trường bấp bênh, hào phóng chia cổ tức

Mới đây, Doruco (mã DPR, sàn HoSE) đã hé lộ các con số ước tính về tình hình kinh doanh 11 tháng đầu năm 2020, với tổng doanh thu đạt 607 tỷ đồng, bằng 81% kế hoạch; lợi nhuận kế toán trước thuế đạt 161 tỷ đồng, bằng 91% kế hoạch.

Với kết quả lợi nhuận ước tính như trên, Doruco có thể đạt xấp xỉ kế hoạch cả năm 2020 khi kết thúc 12 tháng. Tuy nhiên, các con số chi tiết về cơ cấu của các khoản thu nhập đóng góp cho lợi nhuận thể hiện trên báo cáo tài chính quý III trước đó phần nào cho thấy, lợi nhuận mà Công ty đạt được không hoàn toàn đến từ bán cao su.

Quý III/2020, Doruco đạt doanh thu thuần 334 tỷ đồng, tăng 14,4% so với cùng kỳ năm 2019; nhưng doanh thu thuần lũy kế 9 tháng tăng không đáng kể so với cùng kỳ, đạt 632 tỷ đồng (cùng kỳ là 624 tỷ đồng). Lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp đạt 130,6 tỷ đồng, tăng 11,1% so với cùng kỳ.

Lợi nhuận trong kỳ của Doruco tuy có tăng, nhưng lý do tăng chủ yếu đến từ việc Công ty có nguồn thu từ bán thanh lý cây cao su. Nguồn thu này có thể duy trì thêm vài năm nữa theo kế hoạch thanh lý cuốn chiếu của doanh nghiệp này. Việc thanh lý cây cao su có thể tạo thu nhập bán gỗ, nhưng lứa cao su trồng mới sau đó sẽ phải chờ một thời gian mới cho mủ và tạo thu nhập cho doanh nghiệp.

Trong khi đó, giá cao su bấp bênh hiện nay vẫn là nỗi lo của Doruco. Ngay trong cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên, ông Mai Huỳnh Nhật, Chủ tịch HĐQT Công ty cho biết, giá bán mủ cao su phụ thuộc hoàn toàn vào thị trường thế giới và do ảnh hưởng của Covid-19, nên giá bán mủ cao su hiện diễn biến rất khó lường.

Thị trường dù còn bấp bênh, song Doruco vẫn tỏ ra quan tâm tới thu nhập cho cổ đông, thể hiện ở kế hoạch chia cổ tức khá hào phóng với tỷ lệ lên tới 25% bằng tiền mặt. Theo đó, cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu sẽ được chi trả số tiền là 2.500 đồng.

Dòng tiền mạnh, nhưng chưa hết rủi ro

Nhìn vào cơ cấu tài chính của Doruco, có thể thấy, Công ty hoàn toàn có đủ năng lực tài chính để thực thi các kế hoạch chi trả cổ tức tỷ lệ cao. Số dư lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tính đến cuối quý III/2020 lên tới 197,7 tỷ đồng. Về dòng tiền thực tế, Công ty có tới 365 tỷ đồng tiền (và tương đương tiền). Ngoài ra, đầu tư tài chính ngắn hạn rất dồi dào, với 505,2 tỷ đồng, tất cả nằm ở dạng tiền gửi có kỳ hạn.

Với vốn điều lệ 430 tỷ đồng, Doruco sẽ phải chi 107 tỷ đồng để trả cổ tức cho các cổ đông. Cổ đông nhận được nhiều tiền nhất trong đợt trả cổ tức lần này là VRG. Với tỷ lệ cổ phiếu nắm giữ tại Doruco lên tới 59,81%, VRG sẽ được nhận về 64,3 tỷ đồng.

Trở lại bức tranh tài chính của Doruco, tuy có dòng tiền mạnh, nhưng không hẳn là không có rủi ro tài chính tiềm ẩn trong bản đồ sức khỏe tài chính của Công ty. Dự phòng các khoản phải thu ngắn hạn tại ngày 30/9/2020 là 9,8 tỷ đồng, con số khá nhỏ xét về quy mô, nhưng nếu nhìn trên tổng thể tỷ lệ với tổng các khoản phải thu, thì đó lại là con số rất đáng cảnh báo.

Cụ thể, số dư các khoản phải thu ngắn hạn tại ngày 30/9/2020 của Doruco là 86,6 tỷ đồng, theo đó, phải thu khó đòi phải trích lập dự phòng lên tới 11,3%. Tương tự, tỷ lệ các khoản đầu tư tài chính dài hạn rủi ro cao phải trích lập dự phòng cũng lên tới 11,3%, khi số dư đầu tư tài chính dài hạn là 176,3 tỷ đồng, trong khi số khó đòi lên tới 19,9 tỷ đồng.

Tình hình kinh doanh 11 tháng đầu năm 2020 của Doruco

Sản lượng cao su khai thác đạt 10.840 tấn, hoàn thành 90% kế hoạch năm;

Sản lượng cao su thu mua là 2.600 tấn, đạt 118% kế hoạch năm;

Sản lượng tiêu thụ 12.360 tấn, đạt 82% kế hoạch năm;

Giá bán bình quân 33,67 triệu đồng/tấn.

Chí Tín
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục