Công ty cổ phần Bệnh viện Giao thông - Vận tải: Nhà đầu tư mong được hoàn lại tiền

Không dễ để tìm nguồn và cơ chế hoàn lại tiền mua cổ phần Công ty cổ phần Bệnh viện Giao thông - Vận tải (GTVT) cho nhà đầu tư chiến lược là Công ty cổ phần Tập đoàn T&T, ngay cả khi lỗi thuộc về cổ đông nhà nước.
Bệnh viện Giao thông - Vận tải. Ảnh: A.M Bệnh viện Giao thông - Vận tải. Ảnh: A.M

Bồi hoàn lớn

Theo thông tin của Báo Đầu tư, Công ty cổ phần Tập đoàn T&T vừa gửi văn bản tới Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT và Bộ Tài chính, đề nghị được hoàn lại tiền mua cổ phần Công ty cổ phần Bệnh viện GTVT.

Đây là lần thứ ba, nhà đầu tư này phát văn bản xin hoàn tiền mua cổ phần, kể từ khi Văn phòng Chính phủ có Công văn số 157/TB-VPCP ngày 3/5/2018 về việc yêu cầu Bộ GTVT ngừng thoái vốn sau khi tăng vốn điều lệ tại Công ty cổ phần Bệnh viện GTVT tương ứng giá trị quyết toán Dự án ODA tòa nhà Bệnh viện.

Tại văn bản gửi Thủ tướng trong tháng 10/2019, T&T kiến nghị Nhà nước hoàn lại toàn bộ số tiền đã mua 5,04 triệu cổ phần Công ty cổ phần Bệnh viện GTVT, trong vai trò là cổ đông chiến lược với giá 11.000 đồng/cổ phần, tổng giá trị 55,44 tỷ đồng theo hợp đồng mua bán cổ phần ký kết vào ngày 6/10/2015. Nhà đầu tư này cũng kiến nghị Nhà nước hoàn lại số tiền mua 3,6 triệu cổ phần chào bán lần với giá trúng thầu là 26.000 đồng/cổ phần, tương đương 93,6 tỷ đồng. Như vậy, số tiền gốc mà T&T muốn Nhà nước hoàn lại trong vụ việc bán lại 8,64 triệu cổ phiếu Công ty cổ phần Bệnh viện GTVT lên tới 149,04 tỷ đồng.

Mặc dù T&T không đòi Nhà nước thanh toán chi phí lợi ích trong 4 năm tham gia đầu tư do khoản lỗ lũy kế của Công ty cổ phần Bệnh viện GTVT tính đến ngày 31/12/2018 đã lên tới 91 tỷ đồng, song ông Trần Đỗ Thành, thành viên HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn T&T cho biết, Nhà nước sẽ phải chi trả lãi phát sinh cho khoản tiền 149,04 tỷ đồng tính từ ngày nhà đầu tư đã thanh toán cho bên bán cho tới khi họ nhận được toàn bộ số tiền hoàn trả. Nếu tính theo lãi suất cho vay của 3 tổ chức tín dụng lớn là BIDV, VietinBank và Vietcombank hiện khoảng 11%/năm, thì lãi phát sinh trong suốt 4 năm qua sẽ là 50 - 65 tỷ đồng, tùy theo kỳ hạn áp dụng.

Điều này là có cơ sở, vì trong hợp đồng mua bán được ký bởi Công ty cổ phần Tập đoàn T&T và Bộ GTVT có quy định rõ, trong trường hợp chấm dứt hợp đồng không do lỗi của bên mua, Nhà nước sẽ phải hoàn trả số tiền đã thanh toán. Khoản tiền này sẽ được thanh toán cho bên mua trong vòng 5 ngày làm việc sau khi bên bán nhận được thông báo về việc bên mua thực hiện các quyền hủy bỏ của mình. Bên cạnh đó, bản hợp đồng cũng quy định, lãi phát sinh sẽ được tính theo lãi suất áp dụng cho tiền gửi không kỳ hạn do bên bán mở tài khoản thanh toán.

Điều đáng nói là, tính cả gốc và lãi phát sinh, số tiền mà Nhà nước sẽ phải thanh toán cho Công ty cổ phần Tập đoàn T&T có thể chiếm 55 - 71% vốn điều lệ thực tế của Công ty cổ phần Bệnh viện GTVT sau khi cân đối cả khoản lỗ lũy kế tại thời điểm ngày 31/12/2018.

Chưa rõ cơ chế

Khác với 2 lần đề nghị hoàn vốn trước đó, T&T đang ở thế buộc phải thu hồi toàn bộ số tiền đầu tư càng sớm càng tốt, nếu chiểu theo những diễn biến mới nhất trong hoạt động tại Công ty cổ phần Bệnh viện GTVT.

Được biết, vào ngày 4/9/2019, Công ty cổ phần Bệnh viện GTVT đã tiến hành họp Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2019 và đã thông qua việc thay đổi vốn điều lệ của Công ty từ 168 tỷ đồng lên 391,459 tỷ đồng qua việc hạch toán giá trị Dự án ODA tòa nhà Bệnh viện vào phần vốn nhà nước.

Do hoạt động theo mô hình công ty cổ phần, nên Bệnh viện GTVT không thể tiếp cận được gói hỗ trợ 25 tỷ đồng/năm từ ngân sách nhà nước trong vai trò là cơ sở y tế công lập, dù đang thua lỗ lớn.   

Điều này dẫn tới việc, cổ đông nhà nước từ chỗ chỉ nắm 5.498.400 cổ phiếu, chiếm 32,73% vốn điều lệ, nay tăng lên 27.844.370 cổ phiếu, tương đương 71,13% vốn điều lệ.

Trên thực tế, cuộc “hôn phối” từng được đánh giá là rất đẹp giữa Công ty cổ phần Bệnh viện GTVT và Công ty cổ phần Tập đoàn T&T đã đi đến hồi kết từ tháng 5/2018. Tại Công văn số 157/TB-VPCP, Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT chỉ đạo người đại diện phần vốn nhà nước tại Công ty cổ phần Bệnh viện GTVT thực hiện giữ nguyên tỷ lệ vốn nhà nước tại Công ty sau khi điều chỉnh tăng vốn điều lệ tương ứng với phần tăng vốn nhà nước được xác định sau khi quyết toán Dự án ODA tòa nhà Bệnh viện. Trong khi đó, tại Quyết định số 1129/QĐ-TTg ngày 21/7/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Phương án thí điểm cổ phần hóa Bệnh viện GTVT Trung ương đã nêu rõ: “Vốn điều lệ sẽ được điều chỉnh tăng phần vốn nhà nước tương ứng giá trị quyết toán Dự án ODA tòa nhà Bệnh viện, đồng thời, sẽ tiếp tục bán phần vốn nhà nước để duy trì tỷ lệ vốn điều lệ mà Nhà nước nắm giữ tại Công ty cổ phần Bệnh viện GTVT là 30%”.

Do không thực hiện thoái vốn đúng lộ trình cam kết, nên tỷ lệ nắm giữ vốn điều lệ của nhóm cổ đông còn lại (bao gồm cả cổ đông chiến lược) sau khi tiến hành tăng vốn điều lệ sẽ giảm xuống tới mức không hội đủ quyền phủ quyết các quyết định lớn của HĐQT (36%).

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, một lãnh đạo Vụ Quản lý doanh nghiệp (Bộ GTVT) cho biết, các cơ quan nhà nước đang rất lúng túng trong việc xử lý kiến nghị của Công ty cổ phần Bệnh viện GTVT do đây là việc chưa có tiền lệ. Khác với vụ cổ đông nhà nước mua lại 75,01% vốn điều lệ của Công ty cổ phần Đầu tư và Khoáng sản Hợp Thành tại Công ty cổ phần Cảng Quy Nhơn được thực hiện bằng nguồn vốn kinh doanh của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam, trường hợp Bệnh viện GTVT, Nhà nước sẽ phải xuất ngân sách bồi hoàn.

“Việc lấy từ nguồn nào, thời điểm chi trả đang là bài toàn rất khó cho các cơ quan quản lý”, vị lãnh đạo này cho biết.

Anh Minh
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục