Theo số liệu của UBCK, kết thúc năm 2010, tổng vốn điều lệ của các CTCK là 33.300 tỷ đồng, tăng 1,3 lần so với năm 2009. Có thêm 21 CTCK tham gia niêm yết, đưa số cổ phiếu ngành chứng khoán trên sàn lên 25 mã. Tổng giá trị vốn hóa các CTCK niêm yết vào cuối năm 2010 ước tính khoảng 28.000 tỷ đồng.
Nhìn vào cơ cấu cổ đông, có thể phân CTCK thành 5 dạng. Thứ nhất là cổ đông lớn đồng thời là lãnh đạo CTCK có chuyên môn về lĩnh vực tài chính, chứng khoán. Các DN tiêu biểu trong khối này như CTCK Sài Gòn (SSI), CTCK VNDirect (VND)... Khối này hoạt động khá chuyên nghiệp và có hiệu quả. Thứ hai, CTCK là công ty con hoặc có cổ phần chi phối của các tổ chức bảo hiểm, ngân hàng. Các CTCK tiêu biểu như Chứng khoán Bảo Việt, Bảo Minh… Nhiều ngân hàng có CTCK chưa thực hiện cổ phần hóa như Vietcombank, BIDV, Habubank, ACB. Mặc dù có sự hỗ trợ về tài chính, nhưng các CTCK thuộc khối này vẫn chưa thực sự hiệu quả, chưa phát huy được tiềm năng lợi thế. Điều này được giải thích là do công ty mẹ không thực sự trong ngành chứng khoán nên không dễ để điều hành. Thứ ba là khối CTCK có yếu tố nước ngoài như Kimeng, Mê Kông, Nhật Bản, VinaSecurities… Khối công ty này thời gian qua vẫn hoạt động mang tính chất thăm dò vì quy mô thị trường Việt Nam còn nhỏ, nghiệp vụ chưa nhiều. Thứ tư là khối CTCK có cổ đông lớn đứng ra và tập hợp các NĐT nhỏ lẻ thành lập công ty. Khối này đang chiếm số lượng lớn nhất. Thứ năm là khối CTCK có cổ đông chi phối là các DN sản xuất - kinh doanh thông thường, góp vốn thành lập CTCK theo trào lưu, không đóng góp gì nhiều vào chuyên môn, quản trị của các CTCK.
Với 105 CTCK đang hoạt động, nguồn lực trong lĩnh vực này (tài chính, con người) đang rất phân tán. Bên cạnh đó, với số DN niêm yết và NĐT tham gia thị trường chưa thực sự nhiều, tính thanh khoản của thị trường còn thấp nên thị phần môi giới (mảng quan trọng tại các CTCK) trở thành chiếc bánh bị chia phần quá nhỏ.
Nhìn lại năm 2010, có thể thấy TTCK gần như đi ngang với chỉ số VN-Index đầu năm và cuối năm đóng cửa xung quanh mức 500 điểm. Tỷ giá bất ổn, lãi suất cao và đặc biệt là lạm phát tăng cao trong giai đoạn cuối năm 2010 khiến dòng tiền vào TTCK trở nên khan hiếm. Điều này tạo ra rất nhiều thách thức và sự phân hóa rõ nét trong hiệu quả kinh doanh của các CTCK.
"Dư chấn" từ cuối năm 2010 đã ảnh hưởng sang giai đoạn đầu năm 2011. Nền kinh tế tiếp tục đối mặt với những khó khăn (căng thẳng tỷ giá, lãi suất tăng cao, một loạt mặt hàng thiết yếu như điện, xăng dầu… tăng giá) khiến Chính phủ phải ra Nghị quyết 11 kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Một trong nhiều giải pháp là thắt chặt tiền tệ, trong đó có hạn chế cho vay vào lĩnh vực như chứng khoán và bất động sản. Lãi suất thực vay tại các ngân hàng lên đến trên 20% khiến DN phải hết sức cân nhắc trước khi sử dụng kênh huy động vốn này. NĐT cũng không mặn mà dùng đòn bẩy khi thị trường chưa thể hiện xu hướng tăng trưởng, lãi suất cho vay tăng cao. Như vậy, mặc dù giá nhiều cổ phiếu đã xuống khá thấp (P/E xoay quanh 10 lần), nhưng lợi nhuận thu được trên cổ phiếu năm 2011 không hứa hẹn cao khiến NĐT dè dặt.
Viễn cảnh về một thị trường "lình xình" kéo dài trong năm 2011 sẽ tác động đến kết quả kinh doanh của các CTCK. Trong một năm thị trường không nhiều biến động, nguồn thu và lợi nhuận từ hoạt động dịch vụ hỗ trợ tài chính cho NĐT đóng vai trò quan trọng, thậm chí hơn hoạt động tự doanh và môi giới. Nhiều CTCK có thị phần môi giới lớn sẽ có điều kiện để tăng doanh thu thông qua việc cho vay ứng trước, hợp tác đầu tư. Theo thống kê của Stockbiz.vn, riêng Top 10 CTCK lớn năm 2010 đã chiếm 40% thị phần môi giới. Các CTCK có thị phần môi giới lớn cho thấy sự chuyên nghiệp và bài bản trong kinh doanh. Tuy nhiên, cổ phiếu chứng khoán sẽ chỉ lấy lại phong độ khi TTCK hồi phục và duy trì sự tăng trưởng ổn định. Bên cạnh đó, chỉ khi xu hướng sáp nhập các CTCK diễn ra, đưa số CTCK hoạt động trên TTCK về còn 35 - 40 công ty thì cổ phiếu chứng khoán mới hấp dẫn. Tuy nhiên, hoạt động M&A các CTCK là không dễ khi các cổ đông lớn của khối DN này vẫn kỳ vọng vào sự hồi phục của thị trường sau khi đã đầu tư số tiền không nhỏ vào công nghệ và xây dựng bộ máy.
Sau một năm làm ăn bết bát, nhiều CTCK đã thực hiện "thay tướng" với kỳ vọng sẽ cải thiện tình hình làm ăn của DN. Tuy nhiên, diễn biến khó khăn của nền kinh tế khiến TTCK èo uột là thách thức không nhỏ với các CEO chứng khoán, ngay cả với những người có kinh nghiệm trên thị trường.