Công ty chứng khoán thâm nhập thị trường OTC

(ĐTCK) Thị trường OTC (TTCK tự do) đã phát triển một cách khá hệ thống với hàng trăm môi giới trên cả nước. Trong khi đó, chưa có một sàn giao dịch chính thức nào cho giao dịch cổ phiếu chưa niêm yết. Vì thế, bằng cách này hay cách khác, một số CTCK đã tự thiết lập các sàn OTC, với phương thức hoạt động linh hoạt, khác hẳn cơ chế hoạt động như của sàn TP. HCM hay sàn Hà Nội hiện nay. Theo Luật, CTCK không được phép lập sàn giao dịch, nhưng dù phải tổ chức một sàn giao dịch "nửa vời" thì một số CTCK có nỗ lực này đã trở thành một chủ thể quan trọng trong thị trường cổ phiếu chưa niêm yết từng bùng nổ và nhiều khả năng sẽ tái bùng nổ.

Rủi ro rình rập

Thị trường giao dịch cổ phiếu chưa niêm yết hiện có hàng trăm môi giới. Trong số đó có vài chục môi giới lớn và có khoảng 10 môi giới cực lớn, gọi là các lệnh tổng. Khi lệnh mua bán được phát đi từ một môi giới, nó sẽ truyền trong hệ thống môi giới một cách nhanh chóng.

Do chưa có thị trường giao dịch chính thức nên giao dịch giữa các môi giới, giữa các khách hàng rất thô sơ; NĐT có khi đem cả bọc tiền lớn đi giao dịch. Tính hệ thống, liên kết giữa các môi giới rất cao. Một lệnh mua, lệnh bán qua nhiều môi giới mới đến người mua, rồi bản thân các môi giới cũng mua bán với nhau. Vì thế, tính rủi ro trên thị trường cổ phiếu tự do là rủi ro có hệ thống.

Ông Đoàn Trung Nguyễn, Giám đốc sàn OTC của CTCK Phố Wall tại Hà Nội dẫn chứng, tuần trước có một giao dịch 570.000 cổ phiếu MB trị giá 9 tỷ đồng. Lệnh mua này được chốt giá với hàng chục môi giới nhỏ khác có lệnh bán. Trong thời gian chờ đợi thanh toán, các môi giới nhỏ cực kỳ sốt ruột, dù đã nhận tiền cọc, vì sợ người mua không lo đủ tiền mặt để thanh toán. Cuối cùng thì giao dịch cũng đã thành công. Nhưng nếu chỉ cần một mắt xích trong hệ thống trục trặc, thì cả hệ thống dây chuyền sẽ trục trặc.

Bản thân ông Nguyễn làm môi giới cổ phiếu OTC đã nhiều năm cũng từng bị mất một lô hàng trị giá 520 triệu đồng khi làm thủ tục sang tên cổ phiếu xong mà phía mua không chuyển tiền. Phần lớn giao dịch cổ phiếu tự do là nhắn tin chốt giá qua điện thoại nên cơ quan công an không xử lý được những vụ việc này.

Một số môi giới kiêm NĐT cổ phiếu OTC vì thua lỗ, mất hàng đã dẫn đến làm liều, làm giả cổ phiếu. Có trường hợp làm giả 20 tờ giấy chứng nhận cổ phiếu MB, mới sử dụng tờ đầu tiên đã bị bắt. Nhưng còn một số trường hợp không bị phát hiện hoặc người mua chấp nhận mất tiền mà không trình báo. Đây là hiện tượng đã và đang diễn ra trên thị trường cổ phiếu tự do.

CTCK vào cuộc

Hầu hết CTCK đều có nhân viên môi giới OTC, nhưng số công ty tổ chức hoạt động môi giới OTC chính thức và công khai gọi đó là sàn OTC không nhiều. Mới đây nhất, CTCK Phố Wall đã khai trương sàn OTC. Sàn OTC của Phố Wall mới chỉ tập trung giá mua bán và giá giao dịch thành công hàng ngày của cổ phiếu MB.

Thay vì hai người mua, bán đặt cọc qua môi giới, thì người mua nộp tiền kỹ quỹ vào tài khoản của CTCK và viết ủy nhiệm chi. Còn người bán thì gửi sổ cổ đông vào CTCK hoặc ký quỹ một số tiền nhất định. Vai trò của CTCK là làm trung gian đứng ra chuyển tiền và làm thủ tục sang tên cổ phiếu. Như vậy, giao dịch OTC sẽ bớt rủi ro hơn.

Từ mấy năm nay, CTCK Đông Dương đã biến trụ sở chính của mình tại phố Nguyễn Công Trứ thành sàn OTC lớn nhất TP. HCM. Tuy không thể đánh giá tiêu chí hiện đại nhất, nhưng có thể nói đây là sàn sôi động nhất. Đông Dương chỉ có 5 nhân viên chính hoạt động môi giới cổ phiếu tự do. "Nhưng chúng tôi coi hàng trăm môi giới tự do ở sàn OTC là cùng một hệ thống, là cộng tác viên", ông Vũ Trần Dương, Giám đốc sàn OTC của CTCK Đông Dương nói.

Ông Dương cho biết, thế mạnh của CTCK là có khách hàng là các tổ chức đầu tư lớn. Đối tượng khách hàng này muốn làm việc với các pháp nhân và bảo mật lệnh mua bán của họ. Còn các môi giới tự do có hệ thống khách hàng nhỏ lẻ ở nhiều ngành nghề khác nhau. Sau một thời gian được miễn phí, các môi giới tự do đã tự nguyện đóng phí cho sàn OTC Đông Dương. Mức phí là 200.000 - 300.000 đồng/tháng với các môi giới nhỏ. Các môi giới lớn đóng vài triệu đồng/tháng.

Theo ông Dương, lợi ích thu được không chỉ là phí, mà khi khách hàng đến giao dịch OTC, Công ty sẽ chào luôn dịch vụ môi giới cổ phiếu niêm yết và dịch vụ vàng.

Một lợi ích trông thấy, dù không CTCK nào nói ra, là CTCK cũng tham gia tích cực vào tự doanh cổ phiếu OTC dựa trên hệ thống mạng lưới môi giới thiết lập được.

Vẫn mong chờ một sân chơi lớn hơn

Bằng nhiều cách khác nhau, một số CTCK đã tạo tính thanh khoản cho thị trường OTC và trở thành nhà tạo lập thị trường chính cho một góc của thị trường OTC tiềm năng. Nhưng theo ông Nguyễn, không CTCK nào đủ khả năng tạo lập sàn OTC theo tiêu chí hiện đại, với hàng trăm mã cổ phiếu hiển thị giá mua bán hàng ngày. Điều đó phải trông chờ vào TTGDCK Hà Nội.

Để tạo tính thanh khoản cho cổ phiếu, các CTCK đã sáng tạo nhiều cách thức khác nhau. Chẳng hạn, Đông Dương đã liên kết với Ngân hàng Quân đội để được ghi sổ chuyển nhượng cổ phiếu MB trong ngày, thực hiện chuyển nhượng cổ phiếu MB vào cuối ngày giao dịch. Một lô cổ phiếu MB có thể mua rồi bán ngay trong ngày. Với những lô lớn từ 100.000 cổ phiếu trở lên, Đông Dương sẽ tổ chức đấu giá với sự có mặt của NĐT tổ chức, các môi giới lớn… Để tạo tính thanh khoản cho cổ phiếu chưa niêm yết, CTCK ACBS đã xây dựng dịch vụ giao dịch cổ phiếu chưa niêm yết để giúp NĐT giao dịch an toàn và thanh khoản một số cổ phiếu ngay trong ngày.

Tuy nhiên, cách làm hiện nay của các CTCK chỉ là bước đi để vượt lên trên đối thủ khác trong việc phát triển mảng thị trường OTC, thu hút khách hàng… Còn về cơ bản, CTCK cũng như NĐT, các môi giới tự do đều chờ đợi một sàn OTC chính thức.                               

Thành Nam
Thành Nam

Tin cùng chuyên mục