Công ty chứng khoán sống bằng margin

(ĐTCK) Ngay sau khi thông tin Daiwa Securities Group có ý định tăng tỷ lệ sở hữu tại CTCP Chứng khoán Sài Gòn (SSI) từ 10% lên 15% được công bố trên Tạp chí Nikkei, sóng chứng khoán bắt đầu lan tỏa trên sàn niêm yết. 
Tổng doanh thu của 21 CTCK được khảo sát trong năm 2015 đạt gần 8.215 tỷ đồng Tổng doanh thu của 21 CTCK được khảo sát trong năm 2015 đạt gần 8.215 tỷ đồng

Trong phiên giao dịch ngày 22/2, cổ phiếu HCM của CTCP Chứng khoán TP. HCM tăng trần và tiếp tục tăng 2,4% trong phiên tiếp theo, SSI đã tăng 5 phiên liên tiếp từ 20.800 đồng/CP lên 22.300 đồng/CP, VND của CTCP Chứng khoán VNDirect tăng 5,3%...

Mặc dù khối chứng khoán đã mở room 100% kể từ năm ngoái, nhà đầu tư mới thấy sóng gợn lăn tăn tại nhóm cổ phiếu này. Một điểm nữa kích thích nhóm cổ phiếu chứng khoán “chạy” là do yếu tố dẫn dắt thị trường. Sau Tết Nguyên đán, khi giá dầu thô có dấu hiệu hồi phục nhẹ, nhóm cổ phiếu dầu khí mà đầu tàu là GAS, PVD, PVS tăng điểm, thanh khoản tăng nhẹ trở lại cùng với giao dịch sôi động khiến nhà đầu tư bắt đầu hào hứng trở lại với nhóm cổ phiếu chứng khoán.

Năm 2015 không phải là một năm dễ kiếm tiền của nhà đầu tư và cũng không phải là một năm dễ kiếm lợi nhuận của các CTCK. Khảo sát tại 21 CTCK lớn cho thấy, đã có sự dịch chuyển dần trong cơ cấu doanh thu của nhóm doanh nghiệp này và các CTCK cũng giảm dần sự lệ thuộc vào hoạt động tự doanh.

Tổng doanh thu của 21 CTCK được khảo sát trong năm 2015 đạt gần 8.215 tỷ đồng, giảm 2,4% so với năm trước đó; lợi nhuận đạt 2.652 tỷ đồng, giảm 22,7% so với năm 2014, trong đó có 2/21 CTCK bị lỗ là Kim Long (KLS - năm 2015 lỗ 68,4 tỷ đồng, trong khi năm 2014 lãi gần 145 tỷ đồng) và Agriseco (lỗ 175,7 tỷ đồng, trong khi năm trước đó lãi 25,7 tỷ đồng).

Công ty chứng khoán sống bằng margin ảnh 1

8/21 CTCK có lợi nhuận sau thuế tăng trưởng so với năm trước đó, đáng chú ý có TechcomSC, khi năm 2015 công ty này lãi 416 tỷ đồng, tăng 172% so với năm trước đó nhờ mảng tự doanh và tư vấn tăng trưởng mạnh;  KIS lãi gần 73 tỷ đồng, trong khi năm 2014 chỉ lãi 5,2 tỷ đồng, nhờ kinh doanh nguồn và mảng môi giới gấp đôi năm trước; Bản Việt lãi sau thuế 145 tỷ đồng, tăng 64,6% so với năm trước đó; BSC lãi 101,5 tỷ đồng, tăng 34,6%; SSI lãi sau thuế 850 tỷ đồng, tăng 14,2%; VNDirect lãi 181,8 tỷ đồng, tăng 15,5% so với năm trước đó.

Công ty chứng khoán sống bằng margin ảnh 2

Nếu tính về số tuyệt đối, Top 10 CTCK có lợi nhuận lớn nhất thị trường năm 2015 lần lượt là SSI, TechcomSC, VCSC, HSC (lãi 213 tỷ đồng), VNDirect, FPTS (132 tỷ đồng), SHS (118 tỷ đồng), BVSC (117 tỷ đồng), BSC và ACBS (96 tỷ đồng). Trong đó, lợi nhuận của HSC và ACBS giảm mạnh so với năm 2014.

Nếu xét về cơ cấu doanh thu, tính tổng của 21 CTCK cho thấy cơ cấu doanh thu năm 2015 đã có sự dịch chuyển nhẹ so với năm trước đó. Doanh thu môi giới và tự doanh giảm dần, trong khi doanh thu khác và doanh thu tư vấn tăng vọt.

Cụ thể, tổng doanh thu môi giới của 21 CTCK khảo sát đạt gần 2.050 tỷ đồng, giảm 11,7% so với năm 2014; doanh thu môi giới của nhóm CTCK này chiếm 24,9% tổng doanh thu trong khi năm 2014, con số này là 27,6%. Doanh thu tự doanh của nhóm CTCK đạt gần 2.000 tỷ đồng, giảm 17% so với năm trước đó, chiếm 24,2% tổng doanh thu, trong khi năm 2014 chiếm 28,5% tổng doanh thu.

Về mảng môi giới, mặc dù SSI đứng số 1 về thị phần trên hai sàn, nhưng doanh thu môi giới lớn nhất lại thuộc về Bản Việt với 337 tỷ đồng, tăng 20% so với năm trước đó; SSI, HSC, VND, MBS có doanh thu môi giới giảm nhẹ so với năm 2014; SHS có doanh thu môi giới đạt 115 tỷ đồng, tăng 21% so với năm trước đó. Trong khi doanh thu môi giới chỉ chiếm 21,6% tổng doanh thu của SSI thì con số này tại Bản Việt là 47,7% và HSC là 44,3%, tại VNDirect là 27,3%. Bản Việt và HSC cũng là 2 CTCK có tỷ trọng doanh thu môi giới trên tổng doanh thu lớn nhất trong nhóm các CTCK.

Công ty chứng khoán sống bằng margin ảnh 3

Về mảng tự doanh, SSI vẫn là CTCK có doanh thu tự doanh lớn nhất với gần 390 tỷ đồng, tiếp theo là TechcomSC (267 tỷ đồng), SHS (182 tỷ đồng), VCSC (153 tỷ đồng). Một CTCK gây bất ngờ đó là IB, doanh thu tự doanh của CTCK này lên tới 131 tỷ đồng, chiếm 79% tổng doanh thu.

Đối với mảng tư vấn, hầu hết các CTCK có doanh thu mảng này cao đều là các CTCK có liên quan đến ngân hàng như TechcomSC (208 tỷ đồng), VPBS (86 tỷ đồng), VietinbankSC (77 tỷ đồng, gấp đôi năm trước), BSC (60 tỷ đồng, gấp rưỡi năm trước), SHS (53 tỷ đồng).

Khi thị trường biến động mạnh, các CTCK có xu hướng dừng các hoạt động giao dịch mà chủ yếu đẩy mạnh hoạt động kinh doanh nguồn và cho vay margin, doanh thu khác năm 2015 của nhóm CTCK tăng vọt từ 2.700 tỷ đồng, lên mức 3.068 tỷ đồng (tăng 12,56% so với năm trước đó), chiếm 37,3% tổng doanh thu. Như vậy, hơn 1/3 doanh thu của các CTCK đến từ hoạt động cho vay margin. Thậm chí, nhiều CTCK có trên 50% doanh thu đến từ doanh thu khác như KIS, MaybankKimEng (59%), các CTCK có doanh thu khác chiếm hơn 50% tổng doanh thu là VNDirect (hơn 290 tỷ đồng), FPTS (144 tỷ đồng), ACBS (157 tỷ đồng), VPBS (220 tỷ đồng).

Với việc mở cửa 100% cho vốn ngoại, cùng với việc ra đời nhiều sản phẩm mới đòi hỏi tiềm lực tài chính lớn và yêu cầu khắt khe về quản trị công ty, chắc chắn, trong thời gian tới, cuộc cạnh tranh dịch vụ tại các CTCK sẽ ngày càng khốc liệt. Không chỉ cạnh tranh về thị phần môi giới, các CTCK phải mở rộng về dịch vụ tư vấn phân tích, cung cấp nguồn vốn tài chính cho khách hàng và đảm bảo yêu cầu về quản trị công ty thì mới có thể “sống khỏe” trên thị trường này.

Phương Mai

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục