SME và giấc mộng nghìn tỷ
Năm 2006, Công ty Chứng khoán SME được thành lập, đúng vào thời kỳ hoàng kim của thị trường chứng khoán Việt Nam. Một năm sau, Công ty trở thành thành viên của Trung tâm Giao dịch chứng khoán Hà Nội (nay là Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội), Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM và chính thức giao dịch trên thị trường chứng khoán.
Trong vài năm sau đó, SME trở thành một cái tên được nhà đầu tư khá ưa thích bởi sẵn lòng cung cấp nhiều dịch vụ, sản phẩm “hợp ý” nhà đầu tư. Cùng với sự phát triển và thay đổi của thị trường, SME đã ứng dụng phần mềm giao dịch trực tuyến, được chấp nhận giao dịch từ xa, liên tục tăng vốn điều lệ lên 150 tỷ đồng, rồi 225 tỷ đồng, thậm chí còn dự định tăng vốn lên 500 tỷ đồng và 1.000 tỷ đồng nếu điều kiện thị trường thuận lợi. Một thời, SME nổi tiếng là công ty chứng khoán thu hút được nhiều nhà đầu tư cá nhân.
Tuy nhiên, như một số công ty chứng khoán cùng thời, SME đã rơi vào tình trạng khó khăn và mất kiểm soát về tài chính trong cuộc đua thị phần môi giới, cho vay giao dịch ký quỹ (margin) và tự doanh quá mức. Cộng hưởng với tác động tiêu cực từ khủng hoảng kinh tế thế giới (2007 - 2008), kinh tế trong nước khó khăn (2011 - 2012), SME lao dốc, thua lỗ và mất thanh khoản.
Những dấu hiệu về tình trạng nguy ngập của SME bắt đầu từ cuối năm 2011, Công ty nhiều lần phải vay Quỹ Hỗ trợ thanh toán và không trả đúng quy định. Bởi vậy, Trung tâm Lưu ký chứng khoán đã phải có công văn cảnh báo về tình trạng vi phạm quy chế hoạt động bù trừ và thanh toán chứng khoán. Vào tháng 11/2011, SME bị hủy giao dịch do không có khả năng thanh toán, bị đình chỉ tạm thời hoạt động lưu ký, hoạt động thanh toàn bù trừ. Cuối cùng, Công ty rút nghiệp vụ môi giới, chuyển tài khoản của khách hàng sang công ty chứng khoán khác và ngừng hoạt động.
Vào tháng 8/2012, nguyên Chủ tịch và Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị SME đã bị bắt tạm giam để điều tra. Kết quả điều tra cho thấy phần nào những góc khuất trong hoạt động của công ty này. SME đã hợp tác với một số công ty khác để thu xếp nguồn vốn cho hoạt động hợp tác đầu tư.
Bên phía đối tác sẽ rót tài chính cho nhà đầu tư vay tiền kinh doanh chứng khoán, SME đóng vai trò trung gian, cung cấp thông tin về khách hàng cho các đối tác và chịu trách nhiệm về tính trung thực của các thông tin. SME cũng chịu trách nhiệm phong tỏa toàn bộ chứng khoán của hai khách hàng, giải tỏa chứng khoán, bán chứng khoán theo yêu cầu, tự động trích nguồn thu từ tiền bán chứng khoán cho bên đối tác.
Tuy nhiên, trên thực tế, những khách hàng đã ký hợp đồng đều do SME “thu xếp”, các mã chứng khoán trong tài khoản không có thật hoặc có rất ít. Sau khi tiền rót về tài khoản thì những khách hàng này đã chuyển tiền ngược lại cho Phan Huy Chí, khi đó là Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc và Phạm Minh Tuấn, Phó Chủ tịch HĐQT thông qua các hợp đồng ủy thác đầu tư.
Dấu chấm buồn của Chứng khoán Liên Việt
Tháng 5/2012, cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam ông Hoàng Xuân Quyến, nguyên Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Liên Việt (LVS). Vụ án này cũng đặt dấu chấm hết cho LVS.
Những người theo dõi thị trường chứng khoán lâu năm ít nhiều đều đánh giá ông Quyến là tên tuổi sáng giá trong giới quản lý tài chính, từng giữ chức vụ Giám đốc Tài chính của Tập đoàn Motorola tại Chicago, Mỹ; Kế toán trưởng của Comvik, Kinnewik Telecom Group, Thụy Điển; Giám đốc Thương mại của Tập đoàn truyền thông - Ringer Media, Thụy Điển. Ông Quyến còn có bằng Tiến sĩ quản trị kinh doanh (California, Mỹ) và Thạc sĩ tài chính (London, Anh).
Tuy nhiên, cơn sóng thị trường chứng khoán đã nhấn chìm ông Quyến. Theo tài liệu của cơ quan điều tra, LVS được thành lập năm 2009 và có 1,38% (khoảng 1,7 tỷ đồng) vốn nhà nước. Tháng 6/2010, ông Hoàng Xuân Quyến được Hội đồng quản trị LVS bổ nhiệm làm Tổng giám đốc.
Theo quy định tại Điều lệ Công ty và văn bản ủy quyền thì ông Quyến chỉ được ký hợp đồng repo cổ phiếu/trái phiếu chuyển đổi của Ngân hàng thương mại cổ phần Bưu điện Liên Việt (LienViet PostBank) với hạn mức đến 10 tỷ đồng. Với các giao dịch trên 10 tỷ đồng, phải báo cáo Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty trước khi thực hiện. Ông Quyến cũng chỉ được ký các hợp đồng theo hạn mức được phân cấp và các hợp đồng được Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị phê duyệt.
Vào đầu năm 2011, ông Hoàng Xuân Quyến ký các hợp đồng repo 3 triệu cổ phiếu của Công ty cổ phần Kỹ thuật xây dựng và vật liệu xây dựng (Cotec Group) với giá 10.000 - 12.500 đồng/CP, lãi suất 19%/năm. Tổng giá trị các thương vụ này hơn 38 tỷ đồng. Khi hợp đồng đáo hạn, giá cổ phiếu giảm mạnh, các khách hàng không có khả năng trả tiền cho LVS nên đã bỏ lại không tất toán toàn bộ 3 triệu cổ phiếu Cotec, dẫn đến thiệt hại nặng cho Công ty.
Cả 3 hợp đồng repo cổ phiếu Cotec đều được thể hiện trong sổ sách kế toán, đều được báo cáo hàng tuần, tháng. Bởi vậy, luật sư của ông Quyến cho rằng, việc làm của Hoàng Xuân Quyến không có tính chất giấu giếm, mà hoàn toàn công khai, không hề lạm quyền. Cơ quan điều tra cũng xác định ông không hề tư lợi cá nhân và tòa án cho rằng, ông Quyến chỉ sử dụng tài sản trái phép. Dù vậy, đây vẫn là vận hạn nặng nề đối với ông Quyến.
Chứng khoán Trường Sơn và tranh chấp dai dẳng với nhà đầu tư
Vào năm 2011, Công ty Chứng khoán Trường Sơn (TSS) xảy ra tranh chấp với nhà đầu tư cá nhân đã lớn tuổi. Nhà đầu tư cho rằng mình đã già, mua chứng khoán như là một cách gửi tiền tiết kiệm với kỳ vọng cổ tức cao hơn lãi suất ngân hàng. Vì vậy, bà không lướt sóng, hiếm khi có giao dịch nhưng tài khoản lại phát sinh nợ lên tới gần 2 tỷ đồng và sau đó chứng khoán bị TSS phong tỏa. Không giải quyết được tranh chấp, bà đã gửi đơn tới nhiều cơ quan như Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Bộ Tài chính, cơ quan công an...
Kết quả xác minh ban đầu cho thấy, tại TSS có nhiều hợp đồng cho vay ứng trước tiền bán chứng khoán với Ngân hàng thương mại cổ phần Tín Nghĩa, nhưng hồ sơ đưa vào vay vốn là hồ sơ giả. Bản thân nhà đầu tư nói trên và chồng bà cũng có hợp đồng ứng trước tiền bán chứng khoán với số tiền lên tới hàng tỷ đồng, dù bà không ký hợp đồng, không giao dịch các mã chứng khoán đó.
Từ những khiếu kiện của nhà đầu tư, đầu năm 2015, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an đã tống đạt quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại TSS; đồng thời khởi tố bị can, bắt giam đối với Hồ Hoài Nam, Tổng giám đốc TSS và Nguyễn Trung Thành, Phó tổng giám đốc Công ty.
Kết quả điều tra ban đầu cho thấy, vào tháng 3/2011, ông Hoàng Minh Sơn, Chủ tịch Hội đồng quản trị TSS đã ủy quyền cho Hồ Hoài Nam ký hợp đồng hợp tác với Ngân hàng thương mại cổ phần Tín Nghĩa với điều kiện khách hàng phải có hoạt động chứng khoán thì mới được vay vốn.
Lợi dụng vào hợp tác nêu trên, Hồ Hoài Nam và Nguyễn Trung Thành đã giả mạo chữ ký khách hàng trong giấy đề nghị ứng trước tiền bán chứng khoán niêm yết, ký khống giấy xác nhận kết quả giao dịch... để vay hàng chục tỷ đồng từ Ngân hàng. Đến nay, TSS đã ngừng hoạt động, không còn khả năng thanh toán.
Trong quá trình điều tra, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an còn nhận được nhiều đơn của cá nhân và doanh nghiệp tố cáo TSS với thủ đoạn môi giới trái phiếu Chính phủ để lừa đảo chiếm đoạt số tiền lên tới hàng chục tỷ đồng đến nay cố tình không thanh toán.
Còn nhiều tên tuổi khác của thị trường chứng khoán như Công ty Chứng khoán Tràng An, Công ty Chứng khoán Sao Việt, Công ty Chứng khoán Hà Nội, Công ty Chứng khoán ASC... dần biến mất hoặc nếu có được nhắc tới cũng đi kèm với những lùm xùm chưa giải quyết xong với khách hàng.
Thực hiện Đề án Tái cấu trúc thị trường chứng khoán, đến hết năm 2015 đã xử lý được 21 công ty chứng khoán yếu kém (chiếm 20% tổng số công ty chứng khoán được cấp phép hoạt động) theo các hình thức chấm dứt hoạt động, tạm ngừng hoạt động, đình chỉ hoạt động, giải thể, rút nghiệp vụ môi giới..., trong đó, chấm dứt hoạt động 3 công ty; yêu cầu tạm ngừng hoạt động 2 công ty; đình chỉ hoạt động 3 công ty; chấp thuận giải thể 4 công ty (đã thu hồi giấy phép thành lập và hoạt động của 2 công ty), hoàn thành thủ tục hợp nhất cho 6 công ty chứng khoán và đang hướng dẫn 2 công ty chứng khoán thực hiện thủ tục hợp nhất.