Công ty chứng khoán nhọc nhằn kiếm lãi

(ĐTCK) Từ đầu năm 2016 đến nay, thị trường chứng khoán đã tăng điểm khá ấn tượng với nhiều mã chứng khoán tăng giá thậm chí gấp hơn 2 lần. Thế nhưng, không ít công ty chứng khoán (CTCK) vẫn rất khó khăn với việc kiếm lời. Trong đầu tư tài chính, chỉ một sai lầm có thể đổ hết mọi thành quả xuống sông, xuống biển.
Công ty chứng khoán nhọc nhằn kiếm lãi

1 nhân viên sai, thành quả của mấy trăm người ra đi

Cuối tuần trước, trong câu chuyện trà dư tửu hậu, lãnh đạo một CTCK tỏ ra rầu rĩ. Kế hoạch lợi nhuận năm 2016 đến giờ này dường như cầm chắc không đạt. Mục tiêu không nợ xấu cũng đã thất bại. Đau xót hơn, câu chuyện này đến từ sự bất cẩn của một nhân viên.

Theo vị này, gần 9 tháng đầu năm qua, kết quả kinh doanh của công ty dù chưa đạt được mục tiêu lợi nhuận cả năm, nhưng cũng không đến nỗi tệ nếu xét về hiệu quả sinh lời trên vốn chủ sở hữu. Thế nhưng, chỉ trong vòng 3 tuần, con số lợi nhuận đã đạt từ đầu năm có nguy cơ bay sạch vì nợ xấu. Nợ xấu này, thật tiếc, lại đến từ sự chủ quan và năng lực không đáp ứng yêu cầu của nhân viên.

Theo đó, việc nhân viên đã chủ quan trong đánh giá chất lượng mã chứng khoán, dẫn tới định giá cổ phiếu sai, kéo theo việc, công ty này cho khách hàng vay margin mã chứng khoán kém chất lượng.

“Khi giá cổ phiếu này giảm không phanh, Công ty mới rà soát lại chất lượng cổ phiếu và nhận ra, doanh nghiệp phát hành cổ phiếu này có tình hình tài chính khá bê bết. Vậy nhưng, báo cáo định giá của nhân viên vẫn đánh giá rất khả quan. Cộng thêm thực tế thanh khoản tốt, nên Công ty đã cho vay margin tỷ lệ 1:1 và bây giờ có nguy cơ ôm một đống nợ xấu”, vị này nói.

Theo vị này, chính vì số lượng mã chứng khoán quá nhiều, nên công tác đánh giá chất lượng chứng khoán để cho vay được phân bổ đều cho các cá nhân. Do đó, chỉ cần sơ suất một khâu nhỏ cũng đã gây ảnh hưởng lớn đến hiệu quả kinh doanh chung của toàn công ty. 

Nhọc nhằn kiếm lãi

Dữ liệu thống kê của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội cho thấy, cả năm 2015, 76 CTCK đạt tổng doanh thu 9.618 tỷ đồng, giảm 8,5% so với năm 2014; tổng lợi nhuận sau thuế đạt 2.697 tỷ đồng, giảm 14% so với năm 2014. Trong đó, 56 CTCK lãi tổng số 3.198 tỷ đồng, 20 công ty chứng khoán lỗ 501 tỷ đồng.

Nửa đầu năm nay, kết quả kinh doanh các CTCK có tăng lên, với tổng doanh thu 76 công ty đạt 5.829 tỷ đồng, tăng 30% so với cùng kỳ năm trước và bằng 61% tổng doanh thu cả năm 2015. Tổng lợi nhuận 76 CTCK này cũng đạt 1.203 tỷ đồng, dù chỉ bằng 44% kết quả cả năm 2015, nhưng so với cùng kỳ 6 tháng đầu năm 2015 đã tăng 4%. Tuy nhiên, có vẻ khoảng cách giữa các CTCK lại giãn ra lớn hơn, khi 51 CTCK có lãi đạt mức tổng lợi nhuận 1.814 tỷ đồng và 25 CTCK bị lỗ tổng số 611 tỷ đồng.

Xét ở bình diện chung, con số 1.203 tỷ đồng tổng lợi nhuận các CTCK nửa đầu năm 2016 không phải là lớn. Nhìn chi tiết vào lợi nhuận các CTCK, phần lớn con số lợi nhuận này tập trung vào chưa tới 10 CTCK, ví dụ: SSI (gần 424 tỷ đồng), TCBS (303 tỷ đồng), HSC (gần 147 tỷ đồng), FPTS (79,6 tỷ đồng)… Phần lớn các CTCK còn lại có lợi nhuận rất khiêm tốn, với mức lợi nhuận đủ… thoát lỗ.

Đặt cược vào môi giới có lẽ không còn là lựa chọn của số đông các CTCK nhỏ, bởi mảng này, mang lại lợi nhuận không lớn, trong khi chi phí đầu tư lớn. Bên cạnh đó, muốn thu hút môi giới, nếu không có vị thế lớn thì con đường mà các công ty đi chủ yếu vẫn dựa vào cho vay margin. Nhưng đây là con đường rủi ro, vì nguy cơ nợ xấu có thể xuất hiện bất cứ lúc nào.

Ở vị thế lớn hẳn, CTCK có thể tận dụng được thị phần môi giới để cho vay giao dịch ký quỹ. Và đây cũng là cơ hội để họ phát triển các dịch vụ ngân hàng đầu tư. Thế nhưng, ở vị thế nhỏ hơn, CTCK đang đi theo hướng nào?

Khảo sát hơn 10 CTCK có quy mô vốn từ 100 đến 500 tỷ đồng cho thấy, đa số nhóm này lựa chọn cung cấp dịch vụ theo thương vụ cụ thể. Theo đó, những hợp đồng dạng tư vấn duy trì hình ảnh doanh nghiệp trên thị trường, tư vấn trọn gói các đợt phát hành cho những công ty gặp vấn đề về tài chính, hay tìm cơ hội đầu tư cụ thể đi “bán” cho các quỹ đầu tư là lựa chọn của nhóm này.

Chỉ có điều, dù đã nhiều nỗ lực, sức ép cạnh tranh vẫn đang ngày một đè nặng lên các CTCK Top dưới. Khi đa số nhân sự có chất lượng cao vẫn thích lựa chọn đầu quân cho những doanh nghiệp có tên tuổi, khi thị phần môi giới đang là đòn bẩy lớn cho CTCK triển khai các dịch vụ gia tăng, và khi những nghiệp vụ mới sẽ ra đời đòi hỏi quy mô vốn điều lệ lớn… thì cũng là lúc, cánh cửa cho các CTCK nhỏ ngày một khép lại.

Uyên Phạm

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục