Trước tình trạng này, Chứng khoán SSI đã đưa ra chính sách “đóng gói” nhóm khách hàng, những nhà đầu tư chủ động giao dịch được hưởng mức phí ưu đãi và công ty tập trung cung cấp dịch vụ tư vấn cho khách hàng có nhu cầu thực sự.
Chứng khoán Việt Nam bùng nổ, nhà đầu tư tăng cả lượng và chất
Thị trường chứng khoán Việt Nam đã phát triển như vũ bão kể từ đầu năm 2020. Sự quan tâm của dân chúng đến kênh đầu tư này lớn hơn bao giờ hết, thường xuyên ghi nhận hàng trăm nghìn tài khoản giao dịch mới mỗi tháng.
Lũy kế kể từ đầu năm 2020, Việt Nam có thêm hơn 1,1 triệu tài khoản giao dịch chứng khoán, nâng tổng số tài khoản trên thị trường lên gần 3,5 triệu, đưa một lượng tiền khổng lồ vào thị trường. Hệ quả là, thanh khoản của thị trường chứng khoán Việt Nam gấp 4 lần, thường trên ngưỡng 1 tỷ USD.
|
Cũng từ đây, thuật ngữ mới “nhà đầu tư F0” xuất hiện để nói về những người mới trên thị trường chứng khoán. Yếu tố “F0” ở đây không hẳn là nhà đầu tư lần đầu tiếp cận kênh đầu tư chứng khoán mà còn bao gồm cả những người từng tham gia thị trường và quay trở lại khi nhận thấy cơ hội.
Qua quan sát, nhà đầu tư đã không chỉ tăng về lượng mà còn nâng tầm về chất. Minh chứng rõ nét chính là tâm lý ổn định hơn mỗi khi thị trường biến động mạnh. Sau mỗi đợt Việt Nam bùng phát dịch ngoài cộng đồng, thời gian để lấy lại sự cân bằng và tăng điểm được rút ngắn.
Bên cạnh đó, dòng tiền thông minh đã nhập cuộc mỗi khi thị trường điều chỉnh về vùng giá hợp lý và tìm đến những doanh nghiệp phát triển kinh doanh ngay trong mùa dịch như chứng khoán, thép, cảng biển, phân bón…
Theo một chuyên gia lâu năm, không ít nhà đầu tư mặc dù mới nhưng có kinh nghiệm về thương trường, có kiến thức am hiểu về ngành nghề, công ty nơi họ đang công tác. Nhà đầu tư bất động sản chuyển sang đầu tư chứng khoán có tiềm lực tài chính, lại vững chắc về quan điểm đầu tư. Do đó, “chất” nhà đầu tư tăng lên là điều dễ hiểu.
Những vấn đề cần công ty chứng khoán giải quyết để đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư
Trước xu hướng phát triển như hiện nay, các công ty chứng khoán cũng phải liên tục thay đổi để đáp ứng nhu cầu. Đơn cử như việc nhà đầu tư sử dụng công nghệ eKYC, chỉ cần ngồi nhà và mất ít phút để có được tài khoản giao dịch chứng khoán, hay việc ồ ạt tăng vốn để đáp ứng nhu cầu về vay ký quỹ (margin).
Và kế hoạch tăng vốn lên 11.000 tỷ đồng của Chứng khoán SSI đã đánh dấu việc thị trường lần đầu xuất hiện công ty có quy mô vốn vượt nhiều ngân hàng thương mại.
SSI cũng vừa gọi thành công khoản vay tín chấp từ các định chế nước ngoài lên tới 100 triệu USD, bổ sung cho các hoạt động kinh doanh, trong đó có hoạt động cho vay ký quỹ.
Không chỉ vậy, hiện nhà đầu tư còn được các CTCK đưa ra với mức phí giao dịch thấp, lãi suất cho vay margin thấp. Song, dường như các chính sách của các công ty đang cào bằng giữa các nhóm khách hàng.
Các CTCK lấy giá trị giao dịch của từng nhóm nhà đầu tư để phân loại về mức phí. Điều này nảy sinh ra một số vấn đề như nhà đầu tư có giá trị giao dịch thấp phải chịu mức phí cao trong khi lại thiếu các công cụ hỗ trợ như tư vấn của các nhân viên môi giới. Chính bởi vậy, tình trạng mời chào “room VIP”, “room thu phí”, “room phím cổ phiếu”… xuất hiện tràn lan trên các diễn đàn, mạng xã hội.
Thực tế này đặt ra vấn đề liệu các CTCK nên có sự phân loại khách hàng để phục vụ. Với một tiềm lực về vốn và công nghệ lớn, các công ty vừa có thể đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư chuyên nghiệp, tự thực hiện giao dịch. Những nhân viên môi giới sẽ tập trung phục vụ những nhà đầu tư thực sự có nhu cầu.
Mới đây nhất, Chứng khoán SSI vừa tung ra một chương trình mới theo cách tiếp cận trên. Cụ thể, Công ty ra mắt gói phí mới cho khách hàng chủ động giao dịch online với mức phí hấp dẫn chỉ 0,15% cho mọi giá trị giao dịch trên thị trường cơ sở và chỉ từ 500 đồng/hợp đồng cho giao dịch trên thị trường phái sinh. Đối tượng khách hàng hưởng ưu đãi từ gói này là khách hàng mở mới tài khoản và tự giao dịch không cần môi giới.
|
Theo chia sẻ của đại điện SSI, trong quá trình chăm sóc khách hàng, Công ty nhận thấy nhu cầu của khách hàng muốn chủ động giao dịch đang tăng cao, do đó, SSI đã chủ động chia và xây dựng chính sách dành cho nhóm khách hàng chủ động giao dịch và nhóm khách hàng có tư vấn viên chăm sóc (môi giới). Việc phân loại hai nhóm khách hàng này sẽ giúp công ty hiểu rõ về nhu cầu từng nhóm và xây dựng chiến lược riêng đối với từng nhóm khách hàng.
Công ty đã thành lập một bộ phận dịch vụ trực tuyến chuyên biệt nhằm hướng đến việc ứng dụng xu thế công nghệ thông qua các kênh trực tuyến, App công nghệ, mạng xã hội để phát triển, hỗ trợ và tư vấn cho nhóm các khách hàng thế hệ mới. Đây là những nhà đầu tư ưa thích công nghệ và yêu thích sự độc lập trong đầu tư.
Song song với đó, Công ty tiếp tục củng cố, phát triển đội ngũ chăm sóc khách hàng và tận dụng tất cả các kênh trực tuyến để hỗ trợ, hướng dẫn, giao tiếp với nhóm khách hàng cần môi giới hỗ trợ.
Đại diện SSI cũng nói thêm, “chúng tôi nhận thức rằng nhà đầu tư chứng khoán vẫn cần được hỗ trợ bởi sự tiếp xúc bởi các chuyên viên tư vấn và ứng dụng công nghệ. Văn hóa con người Việt Nam hiện tại và sự cẩn thận, chuẩn chỉnh trong triển khai dịch vụ tư vấn của SSI đòi hỏi chúng tôi vẫn phải phối hợp linh hoạt giữa con người và công nghệ để đảm bảo khách hàng của chúng tôi có được một cảm nhận chân thật nhất”.