Công ty chứng khoán đua nhau nới room

(ĐTCK) Nghị định 60/2015 của Chính phủ cho phép nới tỷ lệ sở hữu cho khối ngoại lên 100% có hiệu lực gần 2 năm qua, nhưng chuyển động mở room của các công ty niêm yết nói chung, khối công ty chứng khoán nói riêng rất chậm. 
Công ty chứng khoán đua nhau nới room

Tất nhiên, việc nới room của các doanh nghiệp niêm yết có nguyên nhân lớn từ những vướng mắc trong quy định pháp lý.

Với khối công ty chứng khoán, việc chậm nới room lên mức tối đa chủ yếu do lo ngại khi trở thành nhà đầu tư nước ngoài sẽ bị đối xử kém thuận lợi hơn so với nhà đầu tư nội địa, nhất là trên khía cạnh đi vay và cho vay vốn đầu tư chứng khoán…

Tuy nhiên, sau “phép thử” SSI (Công ty Chứng khoán Sài Gòn là trường hợp công ty chứng khoán đầu tiên nới room), mùa đại hội đồng cổ đông năm nay đang xuất hiện làn sóng nới room trong khối công ty chứng khoán. Tiếp sau Công ty Chứng khoán FPT (FTS), Công ty Chứng khoán Ðầu tư Việt Nam (IVS), tại kỳ đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2017 diễn ra vào ngày 24/4 tới, Công ty Chứng khoán TP.HCM (HCM) trình cổ đông xem xét kế hoạch nới room cho nhà đầu tư nước ngoài từ 49% lên 100%.

Làn sóng nới room trong khối công ty chứng khoán không chỉ diễn ra ở nhóm công ty lớn, mà cả ở những công ty quy mô vừa và nhỏ. Dù là ở quy mô nào, thì toan tính của các công ty khi nới room đều nhắm tới mục tiêu cải thiện hình ảnh doanh nghiệp trong con mắt giới đầu tư, nhất là nhà đầu tư ngoại; gia tăng thanh khoản; làm mới cơ cấu cổ đông; mở ra cơ hội thu hút vốn ngoại khi công ty có nhu cầu tăng vốn…

Việc hiện thực hóa những mục tiêu trên, xem ra các “ông lớn” trong ngành đang có lợi thế nhờ năng lực cạnh tranh khá tốt. Tuy nhiên, mở room nhưng có hút được và có muốn hút nhà đầu tư ngoại hay không lại là chuyện khác.

SSI nới room vào đầu tháng 9/2015 trong trạng thái gần cạn room (HCM cũng đang tương tự), thế nhưng hiện khối ngoại mới chỉ nắm giữ hơn 55% lượng cổ phiếu SSI (chốt phiên giao dịch ngày 11/4). Có nghĩa là 18 tháng sau khi nới room, khối ngoại chỉ tăng tỷ lệ sở hữu cổ phiếu SSI lên 6% so với mức tối đa được phép sở hữu trước khi nới room là 49%. Trong hơn 1 năm qua, thời điểm nhà đầu tư nước ngoài sở hữu cổ phiếu SSI cao nhất cũng chỉ trên 58%.

Thực tế trên cho thấy, sau nới room, tỷ lệ sở hữu cổ phiếu của nhà đầu tư ngoại tại các công ty chứng khoán thay đổi nhanh hay chậm, cao hay thấp tùy thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có việc nhà đầu tư nội có tăng tỷ lệ cổ phiếu bán ra để tạo nguồn cung cho khối ngoại hay không.

Việc nới room của các công ty chứng khoán vì thế chỉ dừng lại ở khía cạnh “xếp gạch” chờ thời, chứ chưa dễ sớm tạo ra hiệu ứng thu hút dòng vốn ngoại tham gia đầu tư vào khối công chứng khoán, nhất là trong bối cảnh trên thị trường ngày càng xuất hiện thêm các công ty chứng khoán 100% vốn ngoại như: Maybank Kim Eng, Shinhan, Mirae Asset Wealth Management Việt Nam…

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục