Công ty chứng khoán chèo chống qua gian khó

(ĐTCK-online) TTCK trầm lắng, hàng loạt cổ phiếu mất giá trong tháng 4 và tháng 5 khiến kết quả kinh doanh của các CTCK trong quý II được nhận định là không mấy sáng sủa. Tuy nhiên, trong trung và dài hạn, nhiều công ty vẫn có cái nhìn lạc quan.
Công ty chứng khoán chèo chống qua gian khó

Khó khăn

Ông Nguyễn Hoàng Giang, Tổng giám đốc CTCK VNDirect cho biết, trong quý II, Công ty ước đạt 30 tỷ đồng lợi nhuận, chủ yếu do mảng dịch vụ mang lại. Sự khởi sắc của TTCK đầu tháng 6 làm tăng tài khoản nhà đầu tư mở mới và giá trị phí giao dịch cũng tăng lên. Tuy nhiên, tính theo giá cổ phiếu ngày 10/6, Công ty phải thực hiện trích lập dự phòng giảm giá chứng khoán quý II khoảng 90 tỷ đồng. Như vậy, trong quý II, Công ty lỗ khoảng 60 tỷ đồng sau trích lập, trong khi quý I đã âm hơn 42 tỷ đồng.

Chưa ước tính được kết quả kinh doanh quý II do biến động của TTCK, ông Phạm Quang Huy, Tổng giám đốc CTCK Dầu khí (PSI) cho hay, Công ty sẽ phải điều chỉnh giảm kế hoạch lợi nhuận năm 2011. Trước đó, PSI đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế năm 2011 là 102 tỷ đồng, nhưng quý I chỉ đạt xấp xỉ 1 tỷ đồng sau khi trích lập dự phòng giảm giá các khoản đầu tư chứng khoán. Với sự giảm giá mạnh của nhiều cổ phiếu trong tháng 4 và tháng 5, dự kiến quý II này, Công ty tiếp tục phải trích lập dự phòng với giá trị không nhỏ. "Sở dĩ phải điều chỉnh kế hoạch lợi nhuận bởi thị trường đã qua nửa năm nhưng vẫn còn quá nhiều khó khăn. Bối cảnh hiện nay khiến việc kinh doanh lỗ của CTCK cũng là điều dễ hiểu", ông Huy nói.

Theo ông Hoàng Đình Lợi, tân Tổng giám đốc CTCK Sài Gòn - Hà Nội (SHS), kết quả kinh doanh từ đầu tháng 6 của Công ty có tốt hơn, nhưng do tháng 4 và tháng 5 chịu ảnh hưởng nặng nề từ sự sụt giảm chung của thị trường nên quý II cũng chưa cải thiện là bao. Trích lập dự phòng vẫn là khoản tác động mạnh nhất đến kết quả kinh doanh của Công ty. Ông Lợi nhận định, thị trường cuối năm có thể đỡ khó khăn hơn, nhưng do chịu ảnh hưởng từ năm trước và những tháng đầu năm nay, nên thời gian ngắn cuối năm khởi sắc cũng khó cải thiện được tình hình.

Ông Đoàn Đức Vịnh, Chủ tịch HĐQT CTCP Chứng khoán Âu Việt (AVS) chia sẻ, trước những khó khăn của thị trường, Công ty đã xác định tập trung vào hoạt động thu xếp vốn, tư vấn mua bán - sáp nhập DN. Hoạt động của AVS cũng được thu hẹp gọn nhẹ hơn khi nhân sự chỉ còn 56 người. Tuy nhiên, đây chưa phải là con số cuối cùng và Công ty sẽ tiếp tục tinh giảm.

Trong khối các CTCK vẫn có những công ty sẽ có lãi trong quý II, do không liên quan nhiều đến hoạt động tự doanh. Ông Nguyễn Thế Minh, Tổng giám đốc CTCK MaritimeBank (MS1) cho biết, 6 tháng đầu năm, Công ty ước đạt trên 10 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Nguồn thu chủ yếu đến từ dịch vụ tư vấn và kinh doanh nguồn vốn, do lượng tiền mặt của Công ty khá lớn. Mặc dù đạt khá thấp so với kế hoạch (năm 2011, MS1 đặt mục tiêu 42 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế), nhưng ông Minh vẫn lạc quan, do Công ty không phải trích lập dự phòng và thực tế mới đi vào hoạt động được 3 tháng.

 

Triển vọng cuối năm

Trao đổi với ĐTCK, lãnh đạo các CTCK đều chung nhận định, tình hình vĩ mô sẽ khó khăn đến hết năm, nên khả năng TTCK hồi phục mạnh là thấp. Tuy nhiên, với những động thái chính sách gần đây, đặc biệt là Thông tư 74 của Bộ Tài chính về giao dịch chứng khoán sẽ tạo nền tảng cho thị trường hoạt động ổn định hơn. Ông Minh nhận xét, cuối tháng 5, một làn sóng bán tháo đã diễn ra. Tuy nhiên, sau khi có sự hồi phục từ đầu tháng 6, một dòng tiền mới chảy vào thị trường đã làm giảm áp lực bán tháo. Từ nay đến cuối năm có thể có những đợt sóng nhỏ chờ tín hiệu từ kinh tế vĩ mô.

Liên quan đến Thông tư 74, ông Minh cho rằng, nhiều nghiệp vụ đã được thị trường triển khai, giờ được pháp lý hoá trong thông tư này. Tuy nhiên, cần có những chỉnh sửa đảm bảo tiện ích cho NĐT tham gia như một số bất cập cần khắc phục liên quan đến giao dịch ký quỹ; việc yêu cầu NĐT giao dịch 6 tháng mới được mở tài khoản ký quỹ, NĐT phải mở 2 tài khoản (tài khoản thường và tài khoản ký quỹ), lệnh ký quỹ riêng… là những thủ tục hành chính không cần thiết.

Đồng quan điểm Thông tư 74 chỉ là hợp thức hóa những vấn đề mà thị trường đã làm, nhưng theo ông Huy, Thông tư này vẫn có những tác động nhất định. Ví dụ quy định về ký quỹ (margin) được chính thức hóa, các CTCK sẽ bình đẳng trong cạnh tranh và đảm bảo an toàn cho thị trường. Việc mở nhiều tài khoản giúp NĐT tận dụng được lợi thế của mỗi CTCK. Tuy nhiên, để triển khai thì bản thân cơ quan quản lý cũng phải chuẩn bị những vấn đề liên quan đến công nghệ, làm thế nào quản lý được việc mở nhiều tài khoản, quản lý dòng tiền đi về khi cho phép NĐT mua bán cùng một mã chứng khoán trong phiên.

Theo ông Hiroshi, Tổng giám đốc CTCK Nhật Bản (JSC), NĐT nước ngoài rất phấn chấn với quyết định được mua bán một loại chứng khoán trong phiên. JSC cũng như các quỹ hay CTCK  đứng tên cho hàng ngàn tài khoản cá nhân nước ngoài, trước kia luôn vấp phải khó khăn trong việc đặt lệnh cho khách hàng, do có những lệnh cả mua và bán trùng một loại chứng khoán giữa các cá nhân này. Công ty thậm chí buộc phải tự ra quy định cho hơn 5.000 khách hàng là NĐT Nhật của mình chỉ được đặt một loại lệnh bán vào ngày chẵn và lệnh mua vào ngày lẻ. Sau khi Thông tư 74 có hiệu lực, bất cập lớn này sẽ được gỡ bỏ.

Bên cạnh đó, trước kia các NĐT nước ngoài luôn vấp phải khó khăn trong việc chuyển tài khoản từ CTCK này sang CTCK khác, do những khác biệt và phức tạp về thủ tục giấy tờ, chứng minh xuất xứ và lịch sử giao dịch. "Thậm chí, có NĐT Nhật muốn chuyển từ CTCK VCBS sang bên công ty chúng tôi đã vài năm nay mà chưa giải quyết được. Nhưng có quy định mới cho phép mở nhiều tài khoản thì việc NĐT thay đổi CTCK hoàn toàn thuận lợi", ông Hiroshi nói.

Năm 2011 tiếp tục là một năm mà các CTCK phải phòng thủ, chờ thời. Tuy nhiên, cơ hội sẽ thuộc về những CTCK có tiềm lực tài chính, lựa chọn cơ hội đầu tư chính xác và tuyển dụng được nhân sự chất lượng cao.

             

 “TTCK Việt Nam nên có khoảng 50 CTCK hoạt động là phù hợp”

Ông Nguyễn Thanh Kỳ, Tổng thư ký Hiệp hội Kinh doanh chứng khoán Việt Nam (VASB)

Ông Nguyễn Thanh Kỳ, Tổng thư ký Hiệp hội Kinh doanh chứng khoán Việt Nam (VASB)

 Trước khó khăn của các CTCK do thị trường ảm đạm dưới tác động từ các chính sách thắt chặt tiền tệ, VASB đã kiến nghị giảm thuế, phí để các công ty bớt khó khăn. Về thuế VAT đối với các dịch vụ hỗ trợ vốn cho nhà đầu tư, phản ứng từ các cơ quan quản lý mà Hiệp hội nhận được là rất tích cực. Về đề nghị các Sở giao dịch giảm phí, trong cuộc làm việc với Chủ tịch UBCK cuối tuần này, chúng tôi sẽ tiếp tục trao đổi để UBCK thấu hiểu và có giải pháp hỗ trợ cụ thể.

Chưa bao giờ các CTCK khó khăn như hiện nay, trong đó có nhiều công ty thua lỗ liên tục. Giải pháp chính hỗ trợ các công ty từ phía Hiệp hội theo chúng tôi là giúp họ tăng cường hợp tác, liên kết cùng phát triển. Còn khi CTCK không thể vượt qua được thách thức thì họ cũng phải tính đến giải pháp giải thể, phá sản hoặc bán công ty. Với quy mô TTCK Việt Nam, so sánh với tương quan các TTCK trong khu vực, tôi cho rằng, TTCK Việt Nam nên có khoảng 50 CTCK hoạt động là phù hợp. Vì thế, chúng ta cũng nên coi việc CTCK tự giải thể, chấm dứt hoạt động là bình thường.

 

“Việc các CTCK thu hẹp hay đóng cửa hoạt động cũng cần coi là việc bình thường”

Công ty chứng khoán chèo chống qua gian khó ảnh 2

Ông Nguyễn Kim Long, Giám đốc Luật và kiểm soát nội bộ, CTCK Sài Gòn (SSI)

Hiện tại, thủ tục giải thể/phá sản CTCK tại Việt Nam, ngoài chịu sự điều chỉnh của 2 quy định chính từ Luật Doanh nghiệp, Luật Phá sản doanh nghiệp, còn chịu sự điều chỉnh của các quy định chuyên ngành như Nghị định số 114/2008/NĐ-CP ngày 03/11/2008 hướng dẫn chi tiết một số điều của Luật Phá sản đối với doanh nghiệp trong lĩnh vực bảo hiểm, chứng khoán, Luật Chứngkhoán, Quy chế hoạt động của công ty chứng khoán.

Trong bối cảnh thị trường chứng khoán khó khăn, việc CTCK thu gọn hoạt động như đóng cửa chi nhánh, mua bán sáp nhập với nhau hoặc thậm chí là giải thế, phá sản.. là điều không ai muốn nhưng có khả năng xảy ra. Đến nay thì tôi chưa thấy có vướng mắc gì trong thủ tục hiện hành về giải thể/phá sản công ty chứng khoán. Điều mọi người lo lắng nhất trong trường hợp CTCK tuyên bố giải thể/phá sản là việc bảo vệ tài sản của nhà đầu tư mở tài khoản tại CTCK, bao gồm tiền và chứng khoán đang được ký gửi tại trong tài khoản. Hiện nay, tiền của khách hàng đã được quản lý bởi ngân hàng và chứng khoán đã được quản lý bởi trung tâm lưu ký và công ty chứng khoán không được phép sử dụng tiền, chứng khoán của khách hàng. Khi công ty chứng khoán giải thế/phá sản chỉ có tài sản của chính công ty bị xử lý, tiền và chứng khoán của khách hàng sẽ được chuyển giao sang công ty chứng khoán khác do khách hàng chọn. Do đó, nếu công ty chứng khoán thực hiện đúng quy định nêu trên thì tiền và chứng khoán nhà đầu tư được bảo vệ.

Cũng cần lưu ý hậu quả của giải thể và phá sản khác nhau. Do mang tính chủ động (đang kinh doanh có lãi vẫn có thể giải thể) nên doanh nghiệp phải thanh toán hết các khoản nợ mới được chấp thuận giải thể. Trong trường hợp phá sản thì có thể có trường hợp tài sản của doanh nghiệp còn lại không đủ để trở nợ, khi đó các chủ nợ phải chịu rủi ro. Giám đốc, Chủ tịch và thành viên HĐQT doanh nghiệp bị phá sản có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ đó tại các doanh nghiệp khác trong thời hạn từ một đến ba năm.

Cơ quan quản lý thị trường chứng khoán làm tốt công tác kiểm tra để tránh trường hợp công ty chứng khoán lợi dụng tiền và tài sản của khách hàng thì rủi ro đối với nhà đầu tư mở tại khoản tại công ty chứng khoán khi lâm vào trình trạng phải giải thể hoặc phá sản sẽ khó xảy ra.

Nguyên Thành
Nguyên Thành

Tin cùng chuyên mục