Cụ thể, hơn 51% cổ đông công ty Persimmon đã bỏ phiếu vào hôm qua (25/4) đòi giảm mức lương năm 2017 cho CEO công ty này, trong đó có chính CEO Jeff Fairburn.
Công ty cũng bị chỉ trích nặng nề về quy mô của các khoản thanh toán được lên kế hoạch, mặc dù đã đồng ý giảm chúng trước khi bỏ phiếu.
Theo đó, CEO Fairburn đã đồng ý hồi đầu năm nay rằng sẽ cắt giảm khoản lương theo đề xuất của ông từ 153 triệu USD còn 104 triệu USD.
Ông này cũng cam kết sẽ quyên góp một khoản tiền đáng kể cho tổ chức từ thiện, nhưng người nhận và mức ủng hộ vẫn chưa được tiết lộ.
Bên cạnh đó, công ty xây dựng này đã thừa nhận rằng đó chỉ là các khoản thanh toán theo ước lượng ban đầu nên có chút quá mức.
Trong cuộc họp thường niên vào hôm qua, ông Nigel Mills, Chủ tịch tạm thời của công ty cũng đã xin lỗi các cổ đông. “Việc này có thể được xử lý tốt hơn. Quả thực đáng ra nó phải như thế”, ông Mills nói.
Thêm nữa, Chủ tịch tạm thời của công ty cũng thừa nhận rằng dù hiệu suất làm việc của công ty thực sự tốt trong thời gian qua, nhưng mức lương của các CEO vẫn nên được giới hạn.
Theo nhiều tờ báo địa phương, các cổ đông đã bỏ phiếu 51,5% đến 48,5% ủng hộ mức lương đã sửa đổi, điều này khiến ông Fairburn trở thành CEO được trả lương cao nhất ở Anh.
Theo các nhà phê bình, sở dĩ mức lương của CEO công ty xây dựng này cao như vậy là bởi chương trình hỗ trợ người nộp thuế của Anh làm tăng nhu cầu về mua và xây nhà mới, khiến hiệu suất của công ty tăng cao.
Tuy nhiên, Aberdeen Standard Investments, đại diện cổ đông sở hữu 2,3% cổ phần của công ty, đã bỏ phiếu bác bỏ mức lương này nói rằng, việc giảm lương từ 153 triệu USD xuống còn 104 triệu USD “thậm chí vẫn không thể chấp nhận được”.
Bên cạnh đó, Euan Stirling, quản lý tại Aberdeen Standard Investments, cũng cho rằng sự thành công lâu dài của công ty đang bị đe dọa bởi những tổn hại danh tiếng liên quan đến việc trả lương cao quá mức.
Do đó, Nicholas Wrigley, cựu Chủ tịch công ty Persimmon đã từ chức sau vụ bê bối này.