Liệu có “sống” dậy?
Đây là câu hỏi ám ảnh bất cứ ai có điều kiện tận mắt chứng kiến cụm công nghiệp phụ trợ đóng tàu trong Khu công nghiệp Vinashin - Cái Lân (Quảng Ninh), bao gồm 4 nhà máy: Cán nóng thép tấm; Điện; Kết cấu thép; Cửa nhựa… nằm hắt hiu trong ánh hoàng hôn buông bên vịnh Cửa Lục mỗi chiều.
Đối với thợ kỹ thuật Vương Văn Thủy, người gắn bó với Thép Cái Lân từ lúc câu khẩu hiệu chữ to thúc tiến độ được kẻ dọc tường Nhà máy, tiếng máy cán chạy ầm ầm ngắn ngủi ngày nào đã phôi pha, hệt như khát vọng “sống dậy” đám phế tích sắt thép khổng lồ nặng cả vạn tấn của 45 cán bộ, bảo vệ tại đây.
Theo ông Hoàng Việt Văn, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Công nghiệp tàu thủy Cái Lân, kiêm Giám đốc Nhà máy Thép, để vận hành lại nhà máy thép cần tối thiểu vài trăm tỷ đồng cho việc bảo trì, thay thế những thiết bị hư hỏng. Một số lượng vốn tương tự cũng được người có trách nhiệm tại Công ty TNHH MTV Công nghiệp tàu thủy Cái Lân kê ra để 6 máy chạy dầu DO của Nhà máy Điện có thể nổi lửa trở lại.
“Xin nhắc lại là về mặt kỹ thuật, các cỗ máy này đều có thể hoạt động nếu được cấp tiền sửa chữa”, ông Văn nói.
Tuy nhiên, trong bối cảnh SBIC mới vừa “ốm dậy” sau cơn bạo bệnh, việc bỏ ra một khoản kinh phí lớn như vậy là điều quá sức. Còn đối với Công ty TNHH MTV Công nghiệp tàu thủy Cái Lân, mong ước lớn nhất với họ giờ đơn giản chỉ là việc hy vọng đối tác đang thuê kho tiếp tục làm ăn có lãi, không trả lại mặt bằng để mỗi tháng có vài trăm triệu đồng trả lương cho 45 cán bộ công nhân, bảo vệ.
Cần phải nói thêm rằng, đã hơn 8 năm kể từ khi Nhà máy Điện Cái Lân đi vào hoạt động, 6 năm kể từ khi Nhà máy Cán nóng thép tấm Cái Lân vận hành thử nghiệm, cả Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin) và người được “thừa kế” là Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy (SBIC) vẫn chưa chốt được chính xác giá trị đầu tư của cụm công trình tai tiếng này.
Theo báo cáo mới nhất của SBIC gửi lên Bộ Giao thông - Vận tải, cụm công trình Nhà máy Thép Cái Lân gồm 3 dự án có tổng mức đầu tư 2.432,2 tỷ đồng, giá trị thực hiện là 2.095,1 tỷ đồng; cụm công trình Nhà máy Điện Cái Lân gồm 2 dự án có tổng mức đầu tư 801,5 tỷ đồng, giá trị thực hiện là 737 tỷ đồng. Điều đáng nói là tất cả các công trình nói trên đều đã hoàn thành hoặc hoàn thành đến 95%, nhưng giá trị thực hiện đều ở dạng “tạm tính”, chưa quyết toán.
“Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị với Tổng công ty tiến hành quyết toán sớm các dự án này, nhưng các cán bộ trong Ban quản lý dự án nay đều đã chuyển công tác, thậm chí một số phải chịu án do những sai phạm trong đầu tư công trình, nên việc đối chiếu quyết toán A - B phải tạm gác lại”, ông Hoàng Việt Văn cho biết.
Cần phải nói thêm rằng, hầu hết vốn đầu tư cụm công trình này đều được Vinashin đầu tư từ nguồn vốn vay thương mại của các tổ chức tài chính trong và ngoài nước, nên chỉ cần áp mức lãi suất cho vay dao động từ 8 - 9%/năm như hiện nay, chi phí vốn để đầu tư cụm công trình nhiều khả năng sẽ tiệm cận con số 5.000 tỷ đồng.
Đây có lẽ là lý do mà các bên liên quan đều không mấy sốt sắng “chọc” vào “hũ mắm” này. Hiện một loạt cá nhân liên quan trực tiếp đến các sai phạm trong quá trình đầu tư các dự án này đã và đang chịu xử lý của pháp luật. Tuy nhiên, khi công trình chưa quyết toán đồng nghĩa với việc các khoản đầu tư vẫn ở dạng sản phẩm dở dang, chưa có thêm ai, tổ chức nào đó của chủ đầu tư, nhà tài trợ vốn phải chịu trách nhiệm về các khoản lỗ lãi trên bản cân đối tài chính cuối cùng.
Sống lại để làm gì?
Có một nghịch lý bi hài là trong khi tất cả cụm công nghiệp phụ trợ tàu thủy trị giá hàng ngàn tỷ của SBIC tại Cái Lân đang nằm đắp chiếu, Công ty TNHH MTV Công nghiệp tàu thủy Cái Lân vẫn… có lãi. Do chưa phải tiến hành khấu hao nên khoản tiền cho thuê kho ít ỏi vẫn đủ làm cán cân tài chính của doanh nghiệp ở trạng thái dương, dù cả người lẫn máy móc, thiết bị đều đang “mòn mỏi trong lớp bụi thời gian”.
Theo ông Văn, ngay cả khi máy móc có khả năng tự rũ sạch bụi bặm, tự liền các vết hoen rỉ, rỗ mục thì Nhà máy Thép Cái Lân cũng không thể “sống” được. Hiện toàn bộ đội ngũ thợ kỹ thuật vận hành các dây chuyền gồm hơn 60 lao động mà Vinashin tốn cả chục tỷ đồng đào tạo đã tan tác từ lâu. Nhà máy chỉ giữ lại được 3 thợ kỹ thuật với hy vọng làm chậm lại đà xuống cấp của thiết bị.
Theo thông tin của chúng tôi, SBIC vừa đề nghị Bộ Giao thông - Vận tải cho phép Tổng công ty được thuê đơn vị tư vấn có chức năng giám định lại thực trạng và hiện trạng tổng thể Nhà máy Thép và Nhà máy Điện Cái Lân để xây dựng phương án tối ưu để xử lý.
Hiện phương án bơm vốn để phục hồi sản xuất được chính lãnh đạo Công ty đánh giá là có tính khả thi cực thấp, ngay cả khi thị trường đóng tàu ấm trở lại, đầu ra cho dây chuyền cán thép tấm công suất 500.000 tấn/năm phục hồi.
Cần phải nói thêm rằng, được đầu tư với suất đầu tư cao hơn mặt bằng chung của khu vực, chi phí vận hành Nhà máy thép cần tới 70 USD/tấn. Điều này có nghĩa là để 1 kg thép tấm dày 10 mm, Thép Cái Lân tốn mất 13.000 đồng mới có thể hòa vốn, trong khi thép cùng chủng loại của Trung Quốc đang chào trên thị trường chỉ có 7.000 đồng/kg. Như vậy, nếu hoạt động đủ công suất, Nhà máy Thép sẽ lỗ ít nhất 250 tỷ đồng/năm. Chưa cần cập nhật đầy đủ chi phí vốn, số liệu so sánh đơn giản nhưng cay đắng này đủ dập tắt bất cứ hy vọng nào về việc hồi sinh Nhà máy Thép Cái Lân.
Khả năng trở lại sản xuất của Nhà máy phát điện diesel cũng hoàn toàn mờ mịt. Do nhập công nghệ lạc hậu, nên có hoạt động cũng không thể đủ bù chi phí mua dầu chạy máy, chứ chưa nói đến chuyện vay nợ.
Cũng giống như nhiều dự án có vốn đầu tư lớn của các doanh nghiệp nhà nước đang phải đắp chiếu do dự báo thị trường không sát, cụm Thép - Điện Cái Lân hầu như không còn cơ hội “sống lại” còn do tư duy “làm cả, ăn tất” của dàn lãnh đạo Vinashin trước đây.
Đã có không ít đoàn đối tác trong và ngoài nước như Nga, Nhật được SBIC mời đến Cái Lân để tìm mô hình hợp tác vực dậy Cụm công nghiệp Cái Lân, nhưng tất cả đều một đi không trở lại, khi giá trị đầu tư của các nhà máy thép, điện đều đã vượt quá xa giá trị thực tế.
Những khối “di căn” như Thép - Điện Cái Lân hay một số dự án đầu tư hàng ngàn tỷ khác đang nằm “đắp chiếu” khác như Thép Thái Nguyên, Xơ sợi Polyester Đình Vũ... cần những phương pháp phẫu thuật mạnh tay hơn, trong đó không thể loại trừ việc tiến hành cổ phần hóa, trong đó nhà nước thoái vốn sâu hoặc đem bán đấu giá theo giá thị trường cho các đối tác dân doanh, những người luôn thính nhạy, có khả năng khai thác tốt hơn. Kinh nghiệm thành công từ việc bán Công ty Vận tải và Xây dựng âm vốn chủ sở hữu tới 214 tỷ đồng với giá 4 tỷ đồng của Bộ Giao thông - Vận tải vừa qua cho thấy lối thoát đang nằm ở chính các chủ nợ: chấp nhận thua lỗ nhưng thu được về một phần tiền, thay vì để dây dưa kéo dài chỉ để làm đẹp các bản cân đối tài chính ảo.
“Ngay cả khi phải đối diện với thực tế đau xót nhất là chúng có thể bị “xẻ thịt” bán sắt vụn, thì giá trị mang lại vẫn lớn hơn nhiều thay vì để bị tiếp tục mục nát trong những chuỗi ngày vô vị bên bờ vịnh đẹp bậc nhất Việt Nam”, một chuyên gia đề xuất.