Dấu ấn VinFast
Có quy mô tới 500.000 xe/năm, trong đó công suất giai đoạn đầu là 250.000 xe/năm, Nhà máy ô tô VinFast đã khánh thành sau 650 ngày kể từ lúc khởi công. Theo Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, sự thần tốc trong việc xây dựng Nhà máy ô tô VinFast cho thấy một khát vọng lớn và cháy bỏng ngọn lửa nhiệt huyết trong những con người đã chung tay nhất trí làm nên một dự án có thể gọi là kỳ tích của ngành ô tô Việt Nam cũng như trên thế giới.
Bên cạnh quy mô vượt trội, VinFast là nhà máy ô tô đầu tiên tại Việt Nam sở hữu chu trình sản xuất hoàn thiện, đồng bộ và tự động hóa cao hàng đầu quốc tế với 6 nhà xưởng gồm: dập, hàn thân vỏ, sơn, động cơ, phụ trợ và lắp ráp. Các xưởng này được kết nối liên hoàn và tự động hoá với trên 1.000 robot của hãng ABB, trang bị hệ điều hành sản xuất thông minh, mang lại hiệu suất tối ưu.
Hiện VinFast có 3 mẫu xe sedan, SUV và xe cỡ nhỏ được chào bán tới khách hàng và đã có 10.000 đơn hàng được đặt trước khi có xe thực tế 1 năm.
Theo kế hoạch, VinFast Fadil sẽ được bàn giao từ ngày 17/6/2019, trong khi Lux A2.0 và Lux SA2.0 sẽ được giao vào cuối tháng 7/2019.
Đánh giá cao nỗ lực của hãng xe đầu tiên mang thương hiệu Việt trong quá trình tạo dựng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng cho rằng, chặng đường kế tiếp của VinFast sẽ không dễ dàng và còn nhiều thách thức ở phía trước.
“Ngành công nghiệp ô tô, có tính cạnh tranh rất cao và sự đào thải vẫn rất nhanh chóng, do đó doanh nghiệp cần đi lên bằng sức mạnh nội lực của mình, phải sẵn sàng gạt bỏ sự khác biệt để hợp tác kể cả những đối thủ của mình và phải biết dựa vào những người khổng lồ thì mới có thể thành công”, Thủ tướng nói.
Liên kết để bật dậy
Bày tỏ mong muốn “VinFast chủ động liên kết và hợp tác với các nhà sản xuất, lắp ráp ô tô Việt Nam như Trường Hải, Thành Công, Toyota Việt Nam… để tăng sức mạnh cộng hưởng, hướng đến mục tiêu xác lập vị thế vững chắc thị trường trong nước và sớm đưa ngành công nghiệp ô tô Việt Nam tiến ra khu vực và toàn cầu”, Thủ tướng cũng khẳng định, Chính phủ Việt Nam luôn đồng hành và là chỗ dựa cho tất cả những nhà đầu tư có năng lực, có bản lĩnh, chuyên nghiệp, khát vọng, uy tín.
Trước VinFast, hai doanh nghiệp nội đã tạo ra những thay đổi quan trọng trong đầu tư sản xuất lẫn bán hàng của ngành ô tô Việt Nam được biết đến là Trường Hải và Thành Công.
Hiện Trường Hải đang cung cấp cho thị trường 5 thương hiệu xe du lịch gồm BMW, MINI, Mazda, Kia và Peugeot, còn Thành Công là Hyundai. Năm 2018, Trường Hải bán được 96.127 ô tô các loại và Hyundai Thành Công cũng bán ra hơn 65.000 xe ô tô.
Với kết quả bán hàng này, việc đầu tư mở rộng chuỗi phụ trợ, gia tăng hàm lượng sản xuất tại Việt Nam trong các mẫu xe ô tô đã được Trường Hải và Thành Công đẩy mạnh.
Ở khối các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, Toyota Việt Nam cũng có những điểm nhấn mới trong sản xuất ô tô tại Việt Nam và hỗ trợ hệ thống nhà cung cấp linh phụ kiện hoạt động theo chuẩn Toyota toàn cầu.
Trong lễ xuất xưởng chiếc xe thứ 500.000 được sản xuất tại Việt Nam ngày 7/6/2019, sau 24 năm nhận giấy phép đầu tư, Toyota Việt Nam cho biết, vừa chính thức lắp ráp trở lại mẫu xe Fortuner, sau khi đã chuyển sang nhập khẩu nguyên chiếc từ năm 2017. Đây cũng là động thái thể hiện sự ủng hộ chính sách hỗ trợ sản xuất tại Việt Nam của Chính phủ.
Với tỷ lệ sở hữu ô tô của người Việt Nam mới chỉ là 21 xe/1.000 dân, thấp xa so với mức 780 xe/1.000 dân tại Mỹ, hay đang là 204 xe/1.000 dân tại Thái Lan, cơ hội để các doanh nghiệp ô tô tại Việt Nam chinh phục người tiêu dùng còn rất rộng mở.n
Sự phát triển của VinFast không thể tách rời với nền công nghiệp phụ trợ của Việt Nam cũng như các tập đoàn ô tô toàn cầu như Toyota, Honda, Hyundai, Mercedes, BMW, GM v.v… cũng như các tập đoàn công nghiệp lớn khác như Samsung, LG v.v…
Họ đầu tư ở đâu hay làm gì cũng có một hệ sinh thái các nhà cung ứng và liên kết bền chặt đi kèm và các nhà cung cấp bên ngoài rất khó gia nhập vào hệ sinh thái doanh nghiệp của họ.
Vì vậy, Thủ tướng muốn VinFast với tầm nhìn của mình như một con sếu đầu đàn cho ngành công nghiệp phụ trợ của Việt Nam, một điểm yếu hiện nay về chính sách công nghiệp của chúng ta, với vai trò tiên phong như khẩu hiệu của VinFast đặt ra: tham gia dẫn dắt ngành công nghiệp phụ trợ Việt Nam đi lên.
Theo Thủ tướng, Việt Nam phải làm chủ thiết kế làm chủ công nghệ cốt lõi, làm chủ sản phẩm thương mại, vì nếu không làm chủ những công đoạn quan trọng này thì chỉ đơn giản là công ty lắp ráp. VinFast có thể đi từ lắp ráp nhưng phải là doanh nghiệp công nghệ Việt Nam với khả năng "Make in Việt Nam".
Thủ tướng kêu gọi tất cả các doanh nghiệp Việt Nam nhất là các doanh nghiệp có tiềm lực tài chính hãy đầu tư phát triển công nghệ, công nghiệp nước nhà, không chỉ vì tương lai Việt Nam mà còn chính là vì tương lai của các doanh nghiệp này, khi mà công nghệ và công nghiệp chính là câu trả lời cho sự phát triển bền vững của đất nước và doanh nghiệp.