Thiếu vắng “sếu đầu đàn”
Tại Tọa đàm “Doanh nhân Việt Nam với vai trò dẫn dắt ngành công nghiệp mũi nhọn” mới đây, các chuyên gia, doanh nghiệp tiếp tục đề xuất những chính sách hỗ trợ dài hơi để hình thành nhiều doanh nghiệp trụ cột, dẫn dắt phát triển ngành công nghiệp đủ mạnh, đủ sức hội nhập quốc tế.
Ông Phạm Tuấn Anh, Phó cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công thương) đánh giá: “Việt Nam đã hình thành một số doanh nghiệp ‘sếu đầu đàn’ có thể dẫn dắt nền kinh tế như Vingroup, Thaco, Hòa Phát… Tuy nhiên, số lượng này khá ít ỏi, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế.
Đơn cử, trong lĩnh vực cơ khí chế tạo ô tô, xe máy, thủy điện, chưa có doanh nghiệp đủ mạnh để dẫn dắt ngành công nghiệp chế tạo. Hiện nay, các doanh nghiệp mới chỉ xử lý công nghệ nền, chưa có khả năng tự chủ công nghiệp, công nghệ hoàn toàn phụ thuộc vào doanh nghiệp nước ngoài.
Nhìn tổng thể, ngành công nghiệp Việt Nam vẫn phụ thuộc lớn vào yếu tố bên ngoài.
Trong lĩnh vực cơ khí, cả nước hiện có 25.000 doanh nghiệp đang hoạt động. Dự báo, quy mô thị trường ngành cơ khí chế tạo Việt Nam giai đoạn 2019 - 2030 ở mức khoảng 310 tỷ USD. Song, theo Viện Nghiên cứu cơ khí, việc giữ vị thế dẫn dắt, làm cầu nối cho ngành công nghiệp mũi nhọn phát triển, các doanh nghiệp nội địa vẫn chưa đạt được.
Vì vậy, để tạo động lực cho doanh nghiệp vươn lên, tạo ra những doanh nghiệp dẫn dắt nền kinh tế, cần xây dựng cơ chế và hoàn thiện chính sách.
Để nền nền kinh tế phát triển, Việt Nam phải có một lực lượng doanh nghiệp mạnh, tích lũy đủ năng lực về quy mô vốn, trình độ công nghệ và quản trị dẫn dắt, tạo nên sức mạnh cạnh tranh của quốc gia. Cần có chính sách ưu tiên hỗ trợ để hình thành nhiều hơn những tập đoàn, doanh nghiệp tư nhân làm động lực cho nền kinh tế như Hòa Phát, Thaco, VinFast…
- TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam
“Trước yêu cầu phát triển và hội nhập toàn cầu, Việt Nam cần thêm nhiều doanh nghiệp trong nước đủ lớn, có năng lực cạnh tranh, vươn tầm quốc tế, có thương hiệu, đóng vai trò nòng cốt, dẫn dắt quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hình thành hệ sinh thái cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa cùng phát triển”, ông Tuấn Anh nhấn mạnh.
Quy mô nền kinh tế Việt Nam đã tăng từ 26,3 tỷ USD những năm đầu đổi mới, lên 430 tỷ USD trong năm 2023 và dự kiến vượt 465 tỷ USD vào cuối năm nay. Song, Việt Nam có rất ít doanh nghiệp lớn, đặc biệt trong lĩnh vực công nghiệp.
TS. Trần Đình Thiên, chuyên gia kinh tế, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhận xét, cơ cấu ngành công nghiệp đang có sự chênh lệch, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chiếm tỷ trọng 22-23% GDP, doanh nghiệp trong nước chỉ chiếm 10%. Trình độ công nghệ của các doanh nghiệp nội còn thấp, Việt Nam cơ bản vẫn sản xuất gia công, chưa chạm được đến tự động hóa, số hóa”.
Doanh nghiệp công nghiệp, doanh nhân Việt Nam chưa tạo được sự liên kết công nghiệp giữa trong nước và thế giới, chưa thực sự dẫn dắt được chuỗi công nghiệp của các doanh nghiệp, tập đoàn thế giới vào Việt Nam.
Chính vì vậy, cần chính sách, nguồn lực đủ mạnh để hỗ trợ các doanh nghiệp “sếu đầu đàn” làm trụ cột tăng trưởng, tạo dựng hệ sinh thái, thúc đẩy và dẫn dắt các doanh nghiệp nhỏ và vừa từng bước lớn mạnh, có vị trí quan trọng trong chuỗi cung ứng khu vực và chuỗi giá trị toàn cầu.
Mong có chính sách hỗ trợ đặc thù
Cho rằng, có tình trạng doanh nghiệp tư nhân chạy theo phong trào, dẫm chân lên nhau, đầu tư trùng lặp, ông Vũ Văn Khoa, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu cơ khí (Bộ Công thương) gợi ý: “Chính sách của Nhà nước cần định hướng để các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng điều phối giống như nước ngoài, có từng tầng, từng lớp, mỗi doanh nghiệp sản xuất một mặt hàng”. Việc này nhằm tránh lãng phí nguồn lực, nâng cao khả năng cạnh tranh.
Tương tự, ông Hoàng Mạnh Tân, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Quốc tế Sơn Hà, kiêm Giám đốc Công ty cổ phần Phát triển năng lượng Sơn Hà (SHE) khuyến nghị, để thu hút doanh nghiệp trong nước đầu tư vào các dự án công nghiệp, hình thành những trụ cột vững chắc, cần có nhiều yếu tố hỗ trợ, trong đó cần nhất là chính sách ổn định mang tính dài hạn, đặc thù để giúp các doanh nghiệp tăng tốc nhanh hơn, mạnh hơn.
Theo đó, các chính sách hạ tầng về công nghiệp cần xuyên suốt, dài hơi, tạo điều kiện để doanh nghiệp phát triển. Ở góc độ thị trường, Nhà nước cần tăng niềm tin đối với doanh nghiệp, giao cho họ những dự án mà doanh nghiệp có đủ năng lực thực thi, tránh việc phụ thuộc quá nhiều vào doanh nghiệp nước ngoài.
Để cải thiện, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước, theo ông Hoàng Mạnh Tân, phải kết nối được vào chuỗi cung ứng thế giới, ưu tiên phát triển ngành công nghiệp thế mạnh, nền tảng. Từ kinh nghiệm của các nước trên thế giới cho thấy, doanh nghiệp tăng đầu tư ứng dụng công nghệ hiện đại sẽ giúp giảm chi phí sản xuất, chi phí gia công, gia tăng được lợi thế trong xuất khẩu.
Mới nhất, tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ gặp doanh nghiệp lớn, bàn về giải pháp góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đại diện Tập đoàn Vingroup đề nghị, Chính phủ hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ để họ có đủ điều kiện tham gia chuỗi công nghiệp phụ trợ. Vingroup tin tưởng, nếu chú trọng việc này thì Việt Nam sẽ có ngành công nghiệp phụ trợ mạnh dần lên.
Thực tế, các nền kinh tế Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc… thịnh vượng là nhờ vào sự lớn mạnh của các doanh nghiệp trụ cột, đầu đàn như Samsung, Hyundai, LG, Daewoo, Toyota, Hitachi, Mitsubishi, Honda, Huawei… Nếu không có sự trợ giúp mạnh mẽ của Chính phủ thông qua các chính sách đặc thù, đủ lớn, thì sẽ khó có được các tập đoàn, doanh nghiệp giá trị vốn hóa lên đến cả trăm tỷ USD.