Công nghiệp hỗ trợ: Không thể chỉ trông vào nước nổi, bèo nổi

Cơ hội Việt Nam len chân vào chuỗi giá trị, thay thế các khúc đứt gãy không phải như miếng bánh bày trước mặt. Câu hỏi bao giờ Việt Nam có ngành công nghiệp hỗ trợ đủ sức cạnh tranh lại được đặt ra khi Covid -19 đang thay đổi nhiều chuỗi cung ứng, sản xuất hiện hữu.
Việt Nam phải tận dụng năng lực sẵn có và phát huy nội lực, chứ không phải chỉ chú trọng và ưu đãi thu hút đầu tư nước ngoài. Trong ảnh: Sản xuất điện thoại tại Nhà máy Vsmart. Việt Nam phải tận dụng năng lực sẵn có và phát huy nội lực, chứ không phải chỉ chú trọng và ưu đãi thu hút đầu tư nước ngoài. Trong ảnh: Sản xuất điện thoại tại Nhà máy Vsmart.

Bức tranh công nghiệp hỗ trợ vẫn thiếu nét

Trước hết, ở góc độ phân loại ngành công nghiệp, không có ngành nào gọi là ngành công nghiệp hỗ trợ (trước đây gọi là phụ trợ). Đây chỉ là cách diễn đạt mô tả hoạt động tổ chức sản xuất công nghiệp có sự phân công và hợp tác cao độ. Một sản phẩm cuối cùng hình thành có sự phụ thuộc vào chuỗi sản xuất cung ứng trước đó.

Thuật ngữ “công nghiệp hỗ trợ” được đặt ra trong bối cảnh nền sản xuất của Việt Nam trước kia với cơ chế kế hoạch hoá tập trung, việc tổ chức sản xuất một sản phẩm thường khép kín trong một nhà máy.

Trong khoảng 20 năm trở lại đây, có ngành công nghiệp đã hình thành chuỗi cung ứng rất điển hình là công nghiệp xe máy. Với thị trường mỗi năm tiêu thụ hơn 3 triệu sản phẩm là sản lượng dễ đạt được hiệu quả do sản xuất hàng loạt mang lại (economy of scale), khi thực hiện nội địa hóa, không khó phát triển chuỗi cung ứng với sự chuyên môn hóa và chuyên nghiệp ở mỗi khâu. Chuỗi cung ứng hình thành do nhu cầu và thuận lợi của thị trường mang lại, không đòi hỏi phải có một chính sách nào gọi là phát triển công nghiệp hỗ trợ.

Tuy nhiên, với ngành công nghiệp ô tô, điều kiện phát triển lại hoàn toàn khác. Tổng thị trường vài trăm ngàn xe/năm, nhưng với hàng chục loại xe được lắp ráp, thì sản xuất linh kiện có sản lượng tối đa vài chục ngàn chiếc/năm cũng rất khó cạnh tranh. Không thể có ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, giảm tiền thuê đất hay các chính sách thu hút và hỗ trợ nào khác có thể bù đắp được chi phí đầu tư về thiết bị, nhân lực và hệ thống quản lý đòi hỏi cao hơn nhiều so với sản xuất các loại linh kiện xe 2 bánh.

Chính vì vậy, đến giờ, chưa có công nghiệp hỗ trợ đối với ô tô ở Việt Nam, ngoài một số ít linh kiện đã tham gia chuỗi cung ứng quốc tế. Nhưng từ năm 2000 đến nay, Thái Lan đã kịp hình thành ngành công nghiệp ô tô với sản lượng khoảng 2 triệu xe/năm (một nửa là xuất khẩu).

Trong khi đó, lĩnh vực điện tử đã thu hút được hàng tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, đóng góp tỷ trọng lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu quốc gia. Mặc dù sản lượng rất lớn, nhưng khi có chính sách quá ưu đãi về đất đai, hạ tầng, thuế thu nhập ở khâu lắp ráp, cộng với việc đáp ứng nhân công rẻ, nhập linh kiện không bị giới hạn về hàng rào thuế quan, cũng như năng lực cung ứng từ bên ngoài, thì nhu cầu phát triển sản xuất linh kiện tại chỗ (thường phải mất nhiều thời gian) cũng không cao.

Còn sản phẩm điện thoại từ Việt Nam xuất khẩu nhiều tỷ USD mỗi năm, nhưng phụ thuộc chủ yếu vào chuỗi cung ứng từ nước ngoài.

Trong nhiều loại sản phẩm công nghiệp nặng hay công nghiệp nhẹ, tính từ khi mở cửa và hội nhập đến nay, Việt Nam chỉ kịp chú trọng một số phân đoạn sản xuất thuận lợi nhất, mà chưa thể tính đến sự phát triển bền vững dựa trên khả năng tự chủ của cả ngành công nghiệp. Ví dụ, ngành dệt may, da giày không phát triển công nghiệp sợi, dệt; ô tô và điện thoại tập trung vào lắp ráp; sản xuất cơ khí thì tìm kiếm lợi nhuận khi tham gia chuỗi cung ứng cho nước ngoài.

Thực tế, chuỗi cung ứng chỉ xuất hiện nổi bật ở một số sản phẩm đặc thù, khi nhà cung ứng có tính chuyên môn hoá cao, số lượng nhà cung ứng đối với một sản phẩm rất lớn. Có thể thấy rõ điều này ở các sản phẩm cơ khí phức tạp và sản xuất số lượng lớn như ô tô, xe máy. Khi sản phẩm đầu ra bị đình trệ thì kéo theo cả chuỗi đình trệ. Nếu một mắt xích cung ứng bị sự cố thì cũng kéo theo toàn bộ chuỗi bị ngừng vì không đồng bộ.

Cũng có nhiều loại sản phẩm có quan hệ cung cấp cho nhau, nhưng có thể không được coi là chuỗi cung ứng, như xi măng, sắt thép cung cấp cho xây dựng cao ốc; vải cho dệt may; quặng mua trên thị trường cho luyện kim; gạo, ngô cho chế biến thức ăn gia súc…

Không thể chờ “nước nổi, bèo nổi”

Với ảnh hưởng của Covid-19 ở phạm vi toàn cầu, nhiều thị trường suy giảm, nhiều sản phẩm không còn nhu cầu, không tiêu thụ được kéo theo cả chuỗi cung ứng trì trệ. Song cũng phải nói rõ, các sản phẩm có chuỗi cung ứng chặt chẽ và lâu dài, thì không có chuyện một mắt xích nào đó dễ dàng bị đứt khi sản xuất hồi phục.

Ngoài ra, thị trường còn vô vàn sản phẩm, hàng hoá không thể kể tên. Nhiều sản phẩm có vòng đời theo các chu kỳ dài ngắn khác nhau, chẳng cứ có bệnh dịch hay không và chuỗi cung ứng cũng rất linh hoạt.

Vì vậy, điều Việt Nam quan tâm lúc này là, liệu Việt Nam có tận dụng được các cơ hội trong thời gian tới. Một trong những cơ hội là có thêm thị trường tham gia chuỗi cung ứng và phát triển công nghiệp hỗ trợ.

Thực tế là, trừ nông nghiệp, Việt Nam khó có thể tham gia chuỗi sản xuất của hầu hết các sản phẩm công nghiệp. Việt Nam không có ngành luyện kim, vật liệu cho chế tạo máy, không có bông, sợi, vải cho may mặc, vật tư cho da giày, không chế tạo được linh kiện điện, điện tử. Hầu hết sản phẩm, nếu có nhu cầu sản xuất tại Việt Nam, vẫn lệ thuộc nguồn cung ứng bên ngoài.

Trong cả 5 yếu tố của sản xuất (5M), Việt Nam đều không thể làm chủ và đáp ứng ngay được, nên khó thu hút khi phải cạnh tranh về thời gian. Nhân lực (Manpower) phải mất công đào tạo. Hệ thống quản lý (Management) phải xây dựng phù hợp. Máy móc (Machinery) phải tìm mua. Vật tư (Material) phụ thuộc nhập khẩu. Công nghệ (Method) không thể dễ dàng có được. Tất cả yếu tố này, nếu đáp ứng được, còn liên quan đến khả năng cạnh tranh về giá của sản phẩm về sau.

Trước mắt, Việt Nam có thể tận dụng khai thác được những năng lực sản xuất của các ngành có sẵn, nếu những sản phẩm tương tự được dịch chuyển từ nước khác về Việt Nam. Trong số sản phẩm này, có thể có sản phẩm may mặc, da giày, lắp ráp điện tử, linh kiện cơ khí chế tạo.

Việc tận dụng cơ hội là cần thiết, nhưng năng lực hiện tại của Việt Nam dường như phụ thuộc vào chuyện “nước nổi bèo nổi” nhiều hơn, chứ chưa có ưu thế cạnh tranh trong những thời điểm quyết định.

Về lâu dài, nền sản xuất của Việt Nam phải cơ cấu theo hướng tự đáp ứng trong nước nhiều hơn.

Việt Nam có tỷ trọng GDP/giá trị xuất khẩu/giá trị nhập khẩu khá tương đương nhau,  thể hiện độ mở hết cỡ với bên ngoài. Ví dụ, năm 2019, GDP là 266,5 tỷ USD, kim ngạch xuất khẩu khoảng 263 tỷ USD trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu là 516 tỷ USD. Trong khi đó, các nước phát triển hay các nước có GDP tương đương Việt Nam, cao lắm cũng chỉ phụ thuộc vài chục phần trăm GDP vào các thị trường xuất nhập khẩu.

Cụ thể, tỷ lệ GDP/giá trị xuất khẩu/giá trị nhập khẩu của Việt Nam hiện là 1/1/1; cần điều chỉnh theo hướng là 1/0,5/0,5. Trong khi đó, Thái Lan là 1/0,46/0,45; USA là 1/0,08/0,12; còn Trung Quốc là 1/0,18/0,15. Nước có quy mô dân số ít như Israel không những GDP gấp rưỡi Việt Nam, nhưng rất ít lệ thuộc bên ngoài, khi có tỷ lệ là 1/0,16/0,2.

Về năng lực sản xuất, trước hết, phải tận dụng năng lực sẵn có và phát huy nội lực, chứ không phải chỉ chú trọng và ưu đãi thu hút đầu tư nước ngoài. Các doanh nghiệp có vốn nhà nước đã có chủ trương cổ phần hoá cần phải nhanh chóng thực hiện. Việc lo lắng bán rẻ vốn nhà nước đang khiến quá trình này bị chậm trễ và khi cổ phần hoá xong, doanh nghiệp cũng không có thuận lợi gì để hoạt động và không tận dụng được thời gian nhanh chóng hội nhập và phát triển.

Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng Đề án về các giải pháp phát triển công nghiệp hỗ trợ

Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng ngay Đề án về các giải pháp phát triển công nghiệp hỗ trợ, báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Yêu cầu này được ghi trong Thông báo 185/TB-VPCP của Văn phòng Chính phủ về kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và đảm bảo trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid -19.

Đề án nhằm mục tiêu đón đầu và tận dụng cơ hội từ làn sóng dịch chuyển đầu tư sau đại dịch Covid-19, phát triển hệ sinh thái đối với ngành sản xuất ô tô. Đây là việc làm cấp bách trong giai đoạn này.

Cùng với đó, Thủ tướng yêu cầu các bộ (Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thông tin và Truyền thông, Khoa học và Công nghệ) và các bộ, cơ quan liên quan và các tỉnh, thành phố phải chủ động có biện pháp đón các dòng đầu tư mới vào Việt Nam.

Ngô Thái Bình (Chuyên gia kinh tế)
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục