Theo số liệu thống kê của Bộ Công thương, chỉ số sản xuất công nghiệp toàn ngành (IIP) tháng 11 năm 2017 tiếp tục đà tăng trưởng tốt với mức tăng 2,8% so với tháng 10 và tăng 17,2% so với cùng kỳ năm 2016 đã khiến chỉ số IIP 11 tháng tăng cao.
Cụ thể, chỉ số IIP 11 tháng 2017 tăng 9,3%, cao hơn mức tăng 8,7% của 10 tháng và cao hơn nhiều so với mức tăng 7,4% của cùng kỳ năm 2016.
Qua đó, có thể thấy, tăng trưởng sản xuất công nghiệp ngày càng được cải thiện rõ rệt, mức tăng trưởng của toàn ngành đã cao hơn 1,9 điểm phần trăm so với mức tăng cùng kỳ năm trước và cao hơn 0,6 điểm phần trăm so với 10 tháng năm 2017.
Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục tăng trưởng khá cao với mức tăng 14,4%, đóng góp 10,1 điểm phần trăm vào mức tăng chung của toàn ngành trong 11 tháng; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 9,6%, đóng góp 0,6 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 7,7%, đóng góp 0,1 điểm phần trăm; riêng ngành khai khoáng giảm 7,1%, làm giảm 1,5 điểm phần trăm mức tăng chung.
Như vậy, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn là động lực tăng trưởng chính của toàn ngành, tăng cao hơn 3,4 điểm phần trăm so với mức tăng của cùng kỳ năm 2016 so với 2015 và cao hơn 0,8 điểm phần trăm so với mức tăng của 10 tháng năm 2017 so với cùng kỳ.
Theo Bộ Công thương, đây là hướng tăng lành mạnh, phù hợp với định hướng tái cơ cấu mô hình tăng trưởng ngành phát triển giảm dần sự phụ thuộc vào khai thác tài nguyên thiên nhiên mà Chính phủ đang hướng tới.
Kết quả này tiếp tục phản ánh những giải pháp thúc đẩy và hỗ trợ sản xuất trong thời gian qua của Chính phủ đang phát huy tác động tích cực.
Về tình hình tiêu thụ của các ngành, Bộ Công thương cho biết, chỉ số tiêu thụ của toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo 10 tháng năm 2017 tăng 12,6%, cao hơn so với mức tăng 8,3% của cùng kỳ năm 2016 so với 2015.
Như vậy, trong 10 tháng đầu năm, tiêu thụ của ngành thuận lợi và có xu hướng tăng dần về cuối năm, hầu hết các ngành thuộc nhóm ngành công nghiệp chế biến chế tạo có mức tăng trưởng tiêu thụ cao hơn so với cùng kỳ, nhiều ngành đạt tăng trưởng ở mức 2 con số, điển hình như sản xuất dệt, sản xuất kim loại, sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu, sản xuất da và các sản phẩm có liên quan, sản xuất trang phục, sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic…
Liên quan tình hình tồn kho, thống kê cho thấy, chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tính đến tháng 11/2017 tăng 9,3% so với mức tăng 8,8% cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, theo Bộ Công thương, xét từng ngành thuộc nhóm cho thấy đây là mức tăng tồn kho hợp lý, phù hợp với tình hình sản xuất, tiêu thụ của ngành và là mức tồn kho theo kế hoạch.