2020 sẽ là năm khó lường với doanh nghiệp công nghệ

Hai tuần trước khi kết thúc năm 2019 là khoảng thời gian đầy biến động của các công ty khởi nghiệp ở Việt Nam, trong khi một số nhận được vốn đầu tư thì số còn lại phải đóng cửa vĩnh viễn các dự án. Điều này khiến giới phân tích cho rằng, năm 2020 sẽ là năm khó lường với các doanh nghiệp công nghệ.
2020 sẽ là năm khó lường với doanh nghiệp công nghệ. 2020 sẽ là năm khó lường với doanh nghiệp công nghệ.

Hiệu ứng Softbank

Vexere, nền tảng đặt vé xe trực tuyến vừa công bố nhận đầu tư từ 3 quỹ ở châu Á là Woowa Brothers, Access Venture và một nhà đầu tư ẩn danh. Vexere công bố đầu tư không lâu sau khi ứng dụng gọi xe Be thay đổi giám đốc điều hành, bác bỏ tin đồn sa thải hơn một nửa nhân viên mà chỉ cho biết, công ty đang điều chỉnh lại cơ cấu nhân sự. Trước đó không lâu, website thương mại điện tử Adayroi và Lotte.vn cũng đóng cửa.

Các doanh nghiệp trên đều có chung mô hình là thương mại điện tử, khá thú vị ở chỗ việc chọn phục vụ thị trường kinh doanh vé xe khiến Vexere mờ nhạt so với ứng dụng gọi xe hay sàn thương mại điện tử phục vụ bán lẻ trong 6 năm qua, nhưng nay họ lại là đơn vị được các nhà đầu tư rót vốn để đi tiếp. Động thái này cho thấy các mô hình khởi nghiệp “đốt tiền” đổi tăng trưởng người sử dụng đã không còn hấp dẫn.

Không chỉ ở Việt Nam, mà tại Indonesia, quốc gia đông dân nhất Đông Nam Á, dòng vốn đổ vào các công ty khởi nghiệp cũng xảy ra tình trạng tương tự.

Điển hình như Ameera, ứng dụng cung cấp phần mềm điểm bán hàng của Indonesia đang gặp khó khăn về vốn, công ty cần ít nhất 2 triệu USD để tăng từ 950 khách lên con số 30.000 khách hàng vào cuối năm nay, vượt mặt đối thủ hiện tại là Moka (20.000 khách hàng). Tuy nhiên, trả lời phỏng vấn trên website Kr-aisa.com, nhà sáng lập công ty cho biết, không một nhà đầu tư nào hứng thú với kế hoạch này.

Sự chuyển hướng dòng vốn được cho là bắt nguồn từ Quỹ Vision, mà đằng sau là Softbank. Trong nhiều năm, quỹ này đã vung tiền vào các công ty khởi nghiệp để tạo ra các kỳ lân. Tuy nhiên, vấn đề phát sinh khi liên tục các thương vụ đình đàm của Quỹ đã gặp rắc rối và vẫn chưa thể sinh lời.

Điển hình như doanh nghiệp gọi xe Uber, khoản lỗ ròng của Uber lên đến 1,16 tỷ USD sau quý III/2019, tăng từ 986 triệu USD vào năm ngoái. Tương tự, dịch vụ đi chung Lyft đã báo cáo khoản lỗ ròng là 463,5 triệu USD vào quý III/2019, tăng từ 249,2 triệu USD năm ngoái.

Không chỉ thế, các công ty ở Trung Quốc có bàn tay của Softbank nhúng vào cũng đang giảm nửa giá trị, điển hình OneConnect, mức định giá sau IPO là 3,7 tỷ USD, giảm hơn một nửa so với trước khi lên sàn. Gần đây nhất, thương vụ IPO thất bại của WeWork, nền tảng chia sẻ văn phòng, như giọt nước tràn ly đối với các nhà đầu tư.

Giờ đây, các nhà đầu tư không chỉ dè chừng trước các công ty có Softbank tham gia, mà còn nghi ngờ cả các mô hình tăng trưởng nóng. Ông Joshua Agusta, một giám đốc tại Mandiri Capital Indonesia cho rằng, rất khó để gọi vốn trong thời gian này, đặc biệt đối với những doanh nghiệp mới khởi nghiệp ở khu vực Đông Nam Á sau sự sụp đổ của WeWork.

Nhìn về Việt Nam

Ông Jeffrey Paine, đối tác quản lý tại Golden Gate Ventures dự đoán, các công ty công nghệ có thể huy động vốn trước quý III/2020, sau đó sẽ khó khăn hơn.

Nền kinh tế suy thoái của Trung Quốc, cùng sự định giá cao cho các doanh nghiệp công nghệ ở quốc gia này đã khiến nhà đầu tư không mặn mà lắm với những công ty chỉ tập trung vào người dùng. Hiệu ứng này đang lan rộng trên toàn khu vực. Ông Paine dự đoán, các khoản đầu tư của Mỹ sẽ đổ vào các doanh nghiệp một cách có chọn lọc và chủ yếu vào giai đoạn phát triển cuối của vòng đời doanh nghiệp khởi nghiệp.

“Các quỹ sẽ không mặn mà với các công ty khởi nghiệp hướng đến người tiêu dùng, điển hình như thương mại điện tử”, ông Paine nói.

Ở Việt Nam, hiện vẫn chưa có báo cáo nào về vấn đề này, nhưng dường như không thể thoát khỏi xu hướng chung của thế giới. Một gam màu tối bao phủ thị trường vốn và nhiều dự đoán số lượng doanh nghiệp công nghệ đóng cửa sẽ chưa dừng lại.

Tuy nhiên, điểm sáng trong bức tranh chính là đội ngũ nhân sự tài năng từ các công ty công nghệ đóng cửa sẽ là nguồn lực đáng kể bổ sung cho các doanh nghiệp đang tồn tại.

Ông Đào Việt Thắng, đồng sáng lập, kiêm Giám đốc tài chính Vexere cho biết, Công ty đang tuyển dụng nhiều vị trí sau khi nhận được vốn. Ông Thắng kỳ vọng quá trình phát triển bền vững và đang tiếp tục tăng trưởng là một trong các giá trị để công ty thu hút nhân sự.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Hữu Bình, sáng lập sàn tuyển dụng nhân lực công nghệ TopDev cho rằng, làn sóng khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực công nghệ ở Việt Nam ngày càng mạnh, dẫn đến nhu cầu nhân lực công nghệ thông tin tăng cao.

Hiện lượng tuyển dụng công việc không tăng nhiều do là thời điểm cuối năm, nhưng tính theo tỷ lệ công việc có sự tăng trưởng mạnh. Nguyên nhân đến từ việc thay đổi nhân sự ở nhiều công ty hiện nay.

Làn sóng khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực công nghệ ở Việt Nam ngày càng mạnh, nhiều doanh nghiệp truyền thống trong các lĩnh vực du lịch, nông nghiệp, bất động sản đang chuyển mình sang làm về chuyển đổi số và thương mại điện tử, dẫn đến nhu cầu nhân sự lĩnh vực này tăng cao.

Huy Vũ
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục