Theo Chiến lược phát triển thị trường bảo hiểm Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020, ứng dụng công nghệ thông tin được xem là một trong những giải pháp cơ bản phát triển thị trường bảo hiểm.
Việc ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác quản lý, giám sát bảo hiểm cần được đẩy mạnh không chỉ ở cơ quan giám sát bảo hiểm mà tại mỗi doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cũng chính là lời giải quan trọng cho bài toán phát triển chuyên nghiệp và bền vững. Tuy nhiên, theo đánh giá của Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính, việc ứng dụng công nghệ thông tin của các doanh nghiệp bảo hiểm hiện vẫn chưa đồng bộ.
Rất ít doanh nghiệp trong nước có khả năng đầu tư lớn cho công nghệ
Ngoại trừ các doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài, các doanh nghiệp bảo hiểm trong nước, đặc biệt là khối phi nhân thọ vẫn còn nhiều doanh nghiệp chưa đáp ứng được với tiêu chuẩn quốc tế về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kinh doanh và công tác quản trị doanh nghiệp.
Trong khối bảo hiểm phi nhân thọ, tính đến thời điểm này, chỉ có vài doanh nghiệp bảo hiểm như Bảo Việt, PVI, Liberty… đầu tư xây dựng hệ thống phần mềm, cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin đồng bộ và hiện đại. Số còn lại vẫn đang sử dụng những phần mềm khá lạc hậu, không đồng nhất vì vừa làm vừa sửa, đầu tư theo kiểu chắp vá.
Hồi đầu năm 2016, Bảo hiểm Bảo Việt cũng công bố đã chuyển đổi thành công lên phiên bản Hệ thống quản lý an toàn thông tin ISO/IEC 27001:2013. Việc đạt được chứng nhận ISO 27001 đã khẳng định sự an toàn và bảo mật cao của hệ thống công nghệ thông tin Bảo Việt theo tiêu chuẩn quốc tế, đảm bảo hoạt động hệ thống được vận hành liên tục cũng như giảm thiểu được các rủi ro về việc thất thoát dữ liệu…
"Bản thân công ty cũng đang có kế hoạch đầu tư một hệ thống phần mềm kiểu như core banking của các ngân hàng, nhưng mới tính sơ bộ cũng phải mất vài triệu USD. Đây là số tiền quá lớn so với quy mô và doanh thu hiện tại của doanh nghiệp"
- Đại diện một doanh nghiệp bảo hiểm.
Trong khi đó, ngay từ khi mới gia nhập thị trường, Bảo hiểm Liberty đã đưa vào sử dụng phần mềm Core bảo hiểm PREMIA để quản lý toàn bộ các hoạt động kinh doanh bảo hiểm cá nhân và doanh nghiệp gồm ô tô, tài sản, sức khỏe, du lịch, nhà cửa, trách nhiệm, vận chuyển hàng hóa, tai nạn con người…
Suốt những năm qua, hãng bảo hiểm này cũng không ngừng cải tiến, xây dựng thêm các hệ thống tích hợp, công cụ khai thác bảo hiểm dành cho đại lý, công cụ bán bảo hiểm trực tuyến, công cụ quản lý kênh phân phối toàn diện, xây quy trình tái tục tự động, quy trình xử lý bồi thường nhanh chóng, trung tâm Dịch vụ Khách hàng 24/7…
Hãng bảo hiểm này cũng được nhìn nhận là một trong những công ty bảo hiểm phi nhân thọ có chiến lược đầu tư công nghệ hiện đại và bài bản nhất trong khối.
Một chuyên gia trong ngành cho biết, việc đầu tư vào hệ thống công nghệ thông tin cốt lõi (máy tính cá nhân và bản quyền sử dụng các phần mềm văn phòng, các phần mềm quản lý nghiệp vụ, kế toán, tổng đài, hệ thống máy chủ, hệ thống thông tin liên lạc, máy văn phòng…) khá tốn kém.
“Không ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại thì khó có thể tăng năng suất và quản lý chuyên nghiệp. Công ty bảo hiểm nào cũng nhận thức được vấn đề này. Bản thân công ty cũng đang có kế hoạch đầu tư một hệ thống phần mềm kiểu như core banking của các ngân hàng, nhưng mới tính sơ bộ cũng phải mất vài triệu USD”, đại diện một doanh nghiệp bảo hiểm nói và cho rằng, đây là số tiền quá lớn so với quy mô và doanh thu hiện tại của doanh nghiệp.
Dù chưa thể ngay lập tức đầu tư cho nền tảng hiện đại này và vẫn đang “xài tạm” những phần mềm tự thiết kế (không đồng bộ và chắp vá), nhưng đại diện doanh nghiệp bảo hiểm này cho rằng, để cạnh tranh và phát triển bền vững thì việc đầu tư cho hệ thống công nghệ thông tin hiện đại như vậy là việc buộc phải làm trong tương lai.
Việc đầu tư bài bản cho công nghệ thông tin không chỉ là đòi hỏi bức thiết trong việc giải bài toán phát triển bền vững của mỗi một doanh nghiệp, mà còn là nhằm kết nối đồng bộ với hệ thống công nghệ hiện đại của toàn ngành bảo hiểm.
Được biết, đối với lĩnh vực bảo hiểm, trong giai đoạn 2016 - 2020 các cơ quan chức năng sẽ xây dựng và triển khai hệ thống công nghệ thông tin kết nối giữa cơ quan quản lý nhà nước về kinh doanh bảo hiểm với các doanh nghiệp bảo hiểm và các tổ chức liên quan. Ngoài ra, ngành bảo hiểm cũng phải xây dựng kho dữ liệu bảo hiểm tập trung có khả năng lưu giữ được số liệu lịch sử, cập nhật kịp thời, toàn diện phục vụ cho việc phân tích, dự báo, tính phí bảo hiểm; xây dựng mô hình phân tích, dự báo cho các chỉ tiêu quản lý và giám sát hoạt động kinh doanh bảo hiểm…