Xu thế không thể đảo ngược
Cái thời nhà đầu tư phải trực tiếp đến công ty chứng khoán để đặt lệnh mua bán chứng khoán đã xa vời. Giờ đây, không còn ai đến công ty chứng khoán để viết phiếu lệnh nữa. Cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin, nhà đầu tư ít đặt lệnh trên máy tính, mà hầu như chuyển sang sử dụng điện thoại thông minh để thực hiện toàn bộ giao dịch.
Nhà đầu tư cũng có xu hướng ngày càng quan tâm đến hiệu quả thực chất dịch vụ của công ty chứng khoán. Công ty nào có dịch vụ tốt, hỗ trợ khách hàng tối ưu hóa hiệu quả đầu tư, họ sẽ tìm đến. Thực tế này đòi hỏi các công ty chứng khoán phải mang đến các sản phẩm đa dạng, có sự liên kết thành hệ sinh thái và được cá nhân hoá theo lứa tuổi, đặc thù, nhu cầu của từng đối tượng khách hàng riêng biệt, chứ không chỉ là một số dịch vụ đơn lẻ như trước kia. Đây là điểm mấu chốt trong việc cạnh tranh giữa các công ty chứng khoán trong thời gian kế tiếp.
Trong tương lai xa hơn, từ 5 - 10 năm tới, sẽ có sự bùng nổ của việc sử dụng công nghệ trong đầu tư, mà đối tượng chủ đạo sẽ là thế hệ gen Z. Gen Z có những nhu cầu rất đặc thù so với các thế hệ trước, họ am hiểu về công nghệ, muốn tự đầu tư, tự trải nghiệm cái mới, thực hiện phương pháp đầu tư mới… nên các công ty chứng khoán cần phải có nhiều thay đổi về mặt công nghệ để phục vụ nhóm đối tượng này.
Việc áp dụng công nghệ để tăng trải nghiệm cho khách hàng sẽ là chiến lược quan trọng của các doanh nghiệp nhằm cung cấp dịch vụ hiệu quả, thuận tiện và an toàn. Bằng cách sử dụng công nghệ một cách sáng tạo và hiệu quả, các tổ chức tài chính có thể cung cấp trải nghiệm khách hàng tích cực và tăng cường mối quan hệ với khách hàng.
Trí tuệ nhân tạo (AI) được dự đoán sẽ thay thế nhiều vai trò của con người trong lĩnh vực tài chính, nhưng cũng gây ra thách thức về tính minh bạch và trách nhiệm giải trình. Thời gian giao dịch 24/7 có thể trở thành xu hướng mới, đặc biệt đối với các sản phẩm tài chính như cổ phiếu và tiền điện tử.
An toàn hệ thống, bài toán thường trực
Song song với hệ thống đa tính năng, công suất lớn, vấn đề bảo mật càng trở nên quan trọng, để tránh những cú tổn thất lớn như sự việc xảy ra với Công ty Chứng khoán VNDirect. Thông thường, đầu tư an toàn bảo mật cho tổ chức tài chính có giá trị khá lớn. Hệ thống phòng thủ tại nhiều công ty chứng khoán gồm ba lớp: bảo vệ dữ liệu khách hàng, bảo vệ hệ thống của công ty chứng khoán và bảo vệ hoạt động thường nhật của tổ chức.
Các công ty chứng khoán có đặc thù dữ liệu là realtime, giao dịch tức thời nên hậu quả nếu xảy ra tấn công sẽ rất khủng khiếp. Bởi vậy, khi bắt đầu cung cấp dịch vụ trực tuyến, các nhà cung cấp dịch vụ phải xây dựng hàng rào chống tấn công, hàng rào bảo mật, song vẫn khó có thể đảm bảo hệ thống không gặp bất cứ rủi ro nào.
Theo ông Jiro Masada, Phó chủ tịch Ủy ban Tổ chức Trung gian thị trường Nhật Bản, công nghệ mới đang thay đổi cách người tiêu dùng tương tác với các sản phẩm tài chính, đặc biệt là thông qua các nền tảng giao dịch trực tuyến và ứng dụng di động. Nhưng sự phát triển của các sản phẩm rủi ro cao và các nền tảng truyền thông xã hội cũng góp phần vào việc gia tăng nguy cơ tổn thất cho các nhà đầu tư nhỏ lẻ.
Ông Vũ Ngọc Sơn, Trưởng ban Nghiên cứu công nghệ, Hiệp hội An ninh mạng quốc gia, Giám đốc công nghệ Công ty An ninh mạng quốc gia Việt Nam liệt kê, hiện có tới hơn 20 hình thức lừa đảo trên không gian mạng và đánh giá người dùng đang phải đối mặt với các hình thức lừa đảo giăng bẫy khắp nơi. Không những thế, các đối tượng lừa đảo còn kết hợp nhiều hình thức khác nhau, sinh ra các tổ hợp biến thể, tạo ra số lượng hình thức lừa đảo rất lớn trên quy mô toàn cầu.
Báo cáo của Cybersecurity Ventures cho biết, trong năm 2023, các vụ tấn công mạng trên phạm vi toàn cầu đã gây thiệt hại lên tới 8.000 tỷ USD, tương đương 8% GDP toàn cầu. Năm 2024, mức thiệt hại từ tấn công mạng ước tính lên tới 9.500 tỷ USD, do sự phát triển của công nghệ quá nhanh so với sự thay đổi của các quy định quản lý.
Tại Việt Nam, theo Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05), Bộ Công an, trong năm 2023, tổng số tiền người dân bị các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt trên mạng khoảng 8.000 - 10.000 tỷ đồng, tăng gấp rưỡi so với năm 2022. Đây là con số dựa trên những sự việc người dân đến trình báo cơ quan công an. Trong năm 2023, cơ quan công an đã khởi tố 1.500 vụ án vì tội lừa đảo trên không gian mạng.
Tội phạm thường sử dụng AI tạo sinh (generative AI) để tạo ra các video giả (deepfake), tài liệu giả mạo có độ chân thực cao nhằm lừa đảo đầu tư, gọi vốn hay tổ chức các cuộc tấn công mạng tinh vi khiến người dùng nhanh chóng rơi vào bẫy. Lừa đảo công nghệ cao trên không gian mạng - Generative AI trở thành công cụ mới khiến nhà đầu tư, doanh nghiệp, người dân có thể chịu thiệt hại nặng nề.
Cần cải thiện nhận thức các bên liên quan
Tội phạm ngày càng tinh vi và có nhiều thủ đoạn lừa đảo mới. Sự bùng nổ của các deepfake dựa trên nền tảng công nghệ AI cũng làm tăng thêm sự khó khăn cho các tổ chức đối phó với tội phạm công nghệ cao.
Ông Phan Thanh Toàn, Giám đốc Trung tâm Nền tảng định danh số, Khối Dịch vụ nền tảng FPT IS - đơn vị từng triển khai giải pháp sinh trắc học cho gần 40 tổ chức tài chính tại Việt Nam cho rằng, hiện nay, các giao dịch ngoại vi (tức thao tác do khách hàng tự thực hiện) chiếm tỷ trọng và tần suất lớn, việc quản trị rủi ro do vậy phức tạp và khó khăn hơn.
Ghi nhận từ thực tế cho thấy, các hành vi gian lận, lừa đảo thường nhắm đến lĩnh vực tài chính, bởi có giá trị cao. Hậu quả là người dùng chịu thiệt hại lớn, trong khi tổ chức tài chính bị mất uy tín, mất khách hàng.
Theo ông Toàn, do xảy ra nhiều tình huống lừa đảo, gian lận nên các tổ chức tài chính và bên cung cấp giải pháp liên tục phải cập nhật, cải tiến hệ thống để có phương án công nghệ và chính sách sử dụng nhằm loại bỏ dần các rủi ro có thể dự phóng. Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy, nhiều tổ chức tài chính chưa nhận thức đúng mức về tầm quan trọng của việc đầu tư công nghệ, để từ đó có giải pháp, sản phẩm an toàn cho khách hàng.
“Khi đã nhận biết được đặc trưng của các thủ đoạn thì chắc chắn sẽ có phương án kỹ thuật để nâng cấp, huấn luyện các AI Module tự động loại bỏ các giao dịch nghi vấn lừa đảo. Các doanh nghiệp cũng cần thường xuyên thuê các chuyên gia, tổ chức đánh giá an ninh bảo mật uy tín, chuyên nghiệp định kỳ rà quét sản phẩm cả trước và sau khi đưa sản phẩm ra thị trường”, ông Toàn khuyến nghị.
Chuyên gia an ninh mạng Ngô Minh Hiếu lưu ý các ngân hàng, tổ chức tài chính cần xây dựng đội ngũ nhân sự về bảo mật, an toàn hệ thống thông tin; thường xuyên kiểm tra toàn bộ hệ thống, hoặc có thể sử dụng dịch vụ test lỗ hổng bảo mật để vá kịp thời, từ đó giúp hạn chế rủi ro hệ thống bị tấn công.