Ông nhìn nhận ra sao về sự phát triển của công nghệ trong lĩnh vực chứng khoán nói chung và BVSC nói riêng?
Thời gian đã cho thấy, công nghệ không chỉ đóng vai trò “hỗ trợ” mà đã trở thành nhân tố chính làm biến đổi một cách cơ bản và toàn diện trải nghiệm và cách thức đầu tư của khách hàng trong lĩnh vực chứng khoán. Giờ đây, hầu như nhà đầu tư không còn ai đến sàn chứng khoán để đặt lệnh như trước, mà có thể thực hiện giao dịch mọi lúc, mọi nơi.
Công nghệ thay đổi mang lại tác động lớn, nhưng sử dụng công nghệ thế nào để mang lại hiệu quả tối ưu là một bài toán không hề đơn giản. Là công ty chứng khoán đầu tiên trên thị trường chứng khoán Việt Nam, hoạt động từ năm 2000, BVSC có đối tượng khách hàng từ thế hệ 5x, 6x đến những khách hàng GenZ. Bởi vậy, từ những sản phẩm đơn giản nhất như giao diện web, giao diện app đều được cẩn trọng tính toán để có thể mang lại hiệu quả tối đa kèm với cách sử dụng đơn giản.
App giao dịch liên tục được nghiên cứu, cải tiến để có thêm nhiều tính năng phục vụ khách hàng. Các hình thức tính phí, công cụ tổng hợp và khuyến nghị, các sản phẩm tự động tối ưu hóa giao dịch hoặc nguồn tiền của khách… cần được liên tục thay đổi và cải tiến. Đó là cách chúng tôi đưa công nghệ vào các trải nghiệm dịch vụ của khách hàng.
Không ít công ty chứng khoán đang khó khăn trong việc nâng cấp, cải tiến hệ thống do phụ thuộc vào công nghệ từ nhà cung cấp ban đầu. Tại BVSC, hệ thống đáp ứng ra sao với các yêu cầu mới về KRX hay thực tiễn thị trường?
Từ năm 2008, BVSC đã triển khai dự án hàng triệu USD để triển khai hệ thống quản lý-core. Chúng tôi đã làm việc nhiều với đối tác từ nước ngoài, họ có nhiều năm kinh nghiệm, hệ thống tốt. Nhưng ngoài những yếu tố ấy, chúng tôi còn đòi hỏi đối tác phải am hiểu thị trường Việt Nam, để có thể mở rộng hệ thống dễ dàng, trong bối cảnh quy định và trải nghiệm khách hàng thay đổi rất nhanh...
Sau nhiều phân tích, chúng tôi chọn đối tác trong nước cùng phát triển hệ thống, để cùng nhau đi đường dài và thực tế cho thấy, BVSC hiện đã làm chủ công nghệ tốt. Công ty hoàn toàn đáp ứng mọi yêu cầu từ cơ quan quản lý trong thử nghiệm kết nối hệ thống thị trường, cũng như trong cải tiến sản phẩm, tích hợp sản phẩm mới.
Thực tế cho thấy, chuyển đổi số tại công ty chứng khoán muốn phát triển cũng đòi hỏi năng lực các bên liên quan. Ông nghĩ sao về vấn đề này?
Đúng vậy. Nếu chỉ công ty chứng khoán mạnh tay đầu tư cho công nghệ và đề cao mình thì khó đem lại lợi ích cho tất cả các bên. Thị trường vận hành và phát triển đòi hỏi mặt bằng năng lực của các thành viên như cơ quan quản lý, khách hàng, công ty chứng khoán… Trình độ khách hàng phải tăng lên để nắm bắt, sử dụng được yếu tố mới, bên cạnh đó là kết nối, phối hợp nhịp nhàng với hệ thống giao dịch từ các sở giao dịch, các cơ quan quản lý…
Sẽ cần một sự cân bằng giữa hai chiều, thụ hưởng và cung cấp dịch vụ thì việc chuyển đổi số mới phát huy tối đa hiệu quả của nó. Khách hàng ngày càng có nhiều kênh tiếp nhận thông tin hơn, đặc biệt ở những khách hàng trẻ. Họ sẽ quan tâm và chọn lựa các đơn vị có năng lực số tương đồng. Do vậy, công ty chứng khoán cũng cần áp dụng các công nghệ số để có thể am hiểu và cung cấp dịch vụ một cách tốt nhất.
Liệu với công ty chứng khoán, công nghệ có thể thay thế được con người?
Không thể phủ nhận công nghệ làm tăng hiệu suất làm việc của nhân viên, từ đó doanh nghiệp có thể cắt giảm bớt các nhân sự kém hiệu quả nhằm tiết kiệm chi phí.
Song đến lúc nào đó, ai cũng rành về công nghệ và nó trở nên phổ biến thì khác biệt lại nằm ở con người. Tại BVSC, chúng tôi vẫn đề cao chất xám và năng lực của đội ngũ môi giới, phân tích, tư vấn đầu tư để cho ra các sản phẩm chất lượng, khác biệt, phục vụ khách hàng.