Hội nghị cũng đánh dấu 10 năm song hành của khối CTCK để tạo dựng và vận hành an toàn 3 thị trường (niêm yết, trái phiếu, UPCoM) tại Sở GDCK Hà Nội.
Dấu ấn 10 năm song hành
10 năm song hành tạo dựng thị trường, kỷ niệm về những ngày đầu gắn bó với khối CTCK như ùa về tràn đầy trong lời phát biểu khai mạc Hội nghị của vị Chủ tịch Sở.
“Thời TTCK thăng hoa, năm 2006-2007, có ngày HNX đón đến 14 DN đưa cổ phiếu lên niêm yết. Các CTCK thời đó rất bận rộn để cùng với Sở sắp xếp lịch cho DN họ tư vấn kịp lên sàn. Cũng giai đoạn đó, nhiều CTCK đồng loạt ra đời. Làm thế nào để có đủ máy nhập lệnh, có đủ nhân sự đáp ứng nhu cầu nhà đầu tư..., là những bài toán chúng ta đã cùng nhau giải quyết”, ông nói.
Trong ký ức của Chủ tịch HNX, việc nhiều CTCK nhiệt tâm cử nhân sự hỗ trợ Sở trong quá trình xây dựng, thử nghiệm hệ thống giao dịch mới vẫn như vừa mới hôm qua...
Vận hành suôn sẻ 3 thị trường sau hơn 10 năm hoạt động của Sở GDCK Hà Nội, người đứng đầu HNX không giấu được niềm hạnh phúc khi nói những lời tri ân các CTCK trên chặng đường cùng Sở tạo dựng thị trường với không ít rủi ro phải đối mặt.
Đặc biệt, cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 đã khiến nền kinh tế Việt Nam bị ảnh hưởng không nhỏ. Trên TTCK, khoảng 1/3 số CTCK đã và sẽ phải tái cấu trúc, tìm cơ hội khác để sinh tồn.
Lần đầu tiên HNX đã phối hợp với các CTCK tổ chức bình chọn và vinh danh “CTCK có dịch vụ môi giới tốt nhất”...
“10 năm gắn bó với nhiều trải nghiệm. Cũng có những lúc rất căng thẳng, nhưng HNX và các thành viên đã làm việc bằng sự nỗ lực, hợp tác với tinh thần sẵn sàng đối thoại để tìm giải pháp khi đứng trước những khó khăn”, ông Trần Văn Dũng nói.
Tinh thần cầu thị, hợp tác và chia sẻ chính là sợi dây gắn kết Trung tâm Giao dịch chứng khoán Hà Nội thời kỳ mới thành lập, nay là Sở GDCK Hà Nội với các CTCK thành viên.
Hơn 10 năm qua, “sợi dây” hợp tác đã góp phần quan trọng tạo dựng 3 thị trường cơ sở (niêm yết, UPCoM và trái phiếu) và trên chặng đường mới, xây dựng TTCK phái sinh tại Việt Nam, Chủ tịch HNX cho biết, Sở rất cần sự hợp sức này.
Chủ trương xây dựng TTCK phái sinh đã được Thủ tướng Chính phủ đề cập trong Quyết định số 366/2014/QĐ-TTg và tháng 7/2015, Bộ Tài chính đã chính thức giao Sở GDCK Hà Nội tổ chức hệ thống giao dịch TTCK phái sinh tại Việt Nam.
Ông Trần Dũng cho biết, Sở đã và sẽ nỗ lực tối đa để sau Tết Nguyên đán 2016 có thể công bố các chuẩn kết nối và tài liệu đi kèm đến các CTCK để cùng chuẩn bị.
“Tôi mong các CTCK sẽ cùng dồn tâm sức xây dựng thị trường mới mẻ này, bởi để có hệ thống giao dịch mới tương thích với HNX và VSD, các CTCK cần thời gian chuẩn bị tối thiểu từ 3 quý đến 1 năm”, ông Dũng nói.
Dù chưa công bố thời hạn cụ thể, nhưng ông Dũng cho biết, HNX sẽ “chạy hết tốc lực” và cùng hợp sức, hỗ trợ các CTCK để sớm mở cửa TTCK phái sinh tại Việt Nam, tạo ra không gian kinh doanh mới cho nhà đầu tư, các CTCK, bên cạnh các thị trường cơ sở hiện hành.
… và “CTCK có dịch vụ tư vấn tốt nhất”
Thời cơ thị trường
Trên 80 lãnh đạo khối CTCK tham dự Hội nghị đã chia sẻ khá nhiều thắc mắc, kiến nghị đến nhà quản lý về quy chế giao dịch trong ngày, về khả năng nới margin, về tư duy xây dựng những sản phẩm phái sinh đầu tiên, về đào tạo người hành nghề, về tiêu chí an toàn tài chính, về áp lực tái cấu trúc, về xử phạt vi phạm của các CTCK...
Lãnh đạo Vụ Quản lý kinh doanh chứng khoán, Vụ Phát triển thị trường, Vụ Thanh tra (UBCK) và HNX… đã chia sẻ và trả lời nhiều câu hỏi của các CTCK. Tựu trung lại, thông điệp nhà quản lý là sẵn sàng hỗ trợ các CTCK, tạo dựng khung pháp lý theo hướng nâng dần chất lượng của các CTCK và kiên quyết giữ nghiêm kỷ luật thị trường.
Liên quan đến TTCK phái sinh, ông Phạm Hồng Sơn, Phó Chủ tịch UBCK cho rằng, bên cạnh việc xây hệ thống, hoạt động đào tạo (người hành nghề, nhân sự CTCK, nhà đầu tư, công chúng) là nhiệm vụ số 1, đòi hỏi các CTCK, các Sở, VSD cùng nỗ lực phối hợp thực hiện.
“Về phía UBCK, hành lang pháp lý cho hoạt động của CTCK sẽ được sửa đổi theo hướng nâng dần tiêu chuẩn hoạt động của khối DN này, trong mục tiêu thúc đẩy các CTCK tăng năng lực tài chính, hoạt động chuyên nghiệp hơn để góp sức nâng dần vị thế của TTCK Việt Nam”, ông Sơn cho biết.
Bối cảnh nền kinh tế hội nhập sẽ tạo cơ hội cho TTCK Việt Nam tiếp cận các nguồn vốn mới, nhưng cũng tạo thách thức buộc các CTCK phải cạnh tranh nhiều hơn để giữ thị phần. “Trong bối cảnh này, UBCK khuyến khích các CTCK nhỏ tìm đối tác để hợp nhất, sáp nhập, tạo dựng nền tảng tài chính vững chắc hơn, lành mạnh hơn, đủ sức đầu tư hệ thống, nhân sự và phát triển đường dài cùng TTCK”, ông Sơn nói.
TTCK Việt Nam, trong đó có các CTCK Việt Nam, đang ở trong một thời khắc rất quan trọng, khi nền kinh tế nước ta chính thức tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và chuẩn bị tham gia Cộng đồng Kinh tế ASEAN, ghi những bước ngoặt lịch sử trong hội nhập kinh tế quốc tế.
Trong nước, thời khắc lịch sử của TTCK được thể hiện qua việc Dự thảo Báo cáo chính trị và Dự thảo báo cáo phát triển kinh tế - xã hội của Ban chấp hành Trung ương Đảng đã đặt ra mục tiêu sẽ đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả của TTCK, thị trường trái phiếu để trở thành kênh huy động vốn quan trọng cho nền kinh tế.
Cùng với đó, hàng loạt khung khổ pháp lý như Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Nghị định 60/2015/NĐ-CP... có hiệu lực, đặc biệt, quyết tâm của Chính phủ trong việc tái cấu trúc DNNN gắn với đưa DN lên sàn đang mở ra không gian rộng lớn chưa từng có cho TTCK, trong đó có các CTCK lớn mạnh và tăng trưởng.
Khích lệ sự góp sức của các CTCK trên con đường xây dựng TTCK 10 năm qua, bên cạnh việc vinh danh 12 thành viên tiêu biểu, lần đầu tiên HNX đã phối hợp với các CTCK tổ chức bình chọn và vinh danh các CTCK theo 2 danh hiệu “CTCK có dịch vụ môi giới tốt nhất” và CTCK có dịch vụ tư vấn tốt nhất”.
Trong năm đầu tiên bình chọn danh hiệu này, mỗi hạng mục vinh danh 3 CTCK với mong mỏi các CTCK sẽ học tập, nỗ lực hoàn thiện chính mình để xác lập những mục tiêu mới. Khi mỗi công ty hướng đến một mục tiêu cao hơn, sẽ góp phần thúc đẩy TTCK phát triển lên những nấc thang cao hơn. Mục tiêu cao nhất mà Đảng và Chính phủ hướng đến là xây dựng TTCK Việt Nam phát triển bền vững, trở thành kênh huy động vốn quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam.